Tốt nghiệp chuyên ngành Bảo tàng Trường đại học Văn hóa TP.HCM nhưng sau 10 năm công tác, anh Nguyễn Hồng Công (35 tuổi) đã tự tích lũy cho mình những kiến thức phong phú về rừng.
Tốt nghiệp chuyên ngành Bảo tàng Trường đại học Văn hóa TP.HCM nhưng sau 10 năm công tác, anh Nguyễn Hồng Công (35 tuổi) đã tự tích lũy cho mình những kiến thức phong phú về rừng.
Anh Nguyễn Hồng Công giới thiệu một số loài cây rừng |
Với anh, được cùng đồng hành với du khách trong mỗi chuyến khám phá rừng là một niềm hạnh phúc.
* Duyên nợ với rừng
Từ năm 6 tuổi, anh Nguyễn Hồng Công đã cùng với gia đình rời quê hương Nghệ An vào sinh sống tại vùng đất Định Quán. Thuở nhỏ, anh đã thường cùng bạn bè vào chơi ở những khu rừng thuộc khu vực Định Quán, Tân Phú. Tình yêu dành cho những cánh rừng cứ thế lớn dần lên trong anh.
Tốt nghiệp THPT, anh Công theo học chuyên ngành Bảo tàng Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Năm 2011, anh về công tác ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và được phân công làm việc tại Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ.
Du khách đặc biệt 5 năm làm công việc thuyết minh du lịch sinh thái, anh Công đã 4 lần dẫn tour cho một du khách đặc biệt, đó là cậu con trai 6 tuổi. Tham gia những chuyến đi này, bé đã thuộc được tên của một số loài cây. Điều đó khiến anh rất vui và hãnh diện. |
Với chuyên ngành Bảo tàng, anh được giao các nhiệm vụ: nghiên cứu hồ sơ về các khu di tích lịch sử thuộc Chiến khu Đ; thực hiện trưng bày hình ảnh, hiện vật Chiến khu Đ và các công việc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành Bảo tàng.
“Đến khoảng năm 2015, khi du lịch sinh thái rừng phát triển, tôi được cơ quan giao phụ trách thêm công tác thuyết minh sinh thái rừng. Từ khi đó, mỗi tháng, tôi có khoảng 8 buổi đưa khách đi tour du lịch sinh thái rừng. Thông thường, các tour này đều có hướng dẫn viên của các công ty du lịch đi cùng nhưng người thuyết minh sinh thái rừng sẽ giữ vai trò chủ đạo. Vì tôi không chỉ dẫn đường mà còn thuyết minh cho du khách các thông tin về động vật, thực vật, những kiến thức liên quan đến rừng” - anh Công chia sẻ.
Lần đầu tiên dẫn khách đi tour du lịch rừng là kỷ niệm khó quên đối với anh Công. “Tour thuyết minh đầu tiên của tôi là vào tháng 8-2015. Đoàn khách của tôi có khoảng 20 người, khám phá rừng bằng xe đạp. Cả đoàn đi trên đoạn đường mòn băng rừng chỉ rộng chừng nửa mét. Tôi chạy xe máy phía trước để dẫn đường và chở theo 1 thùng nước. Mùa mưa, đường rừng trơn trượt, tôi bị té xe đến mấy lần ê ẩm cả người. Cuối cùng chuyến đi cũng hoàn thành” - anh Công nhớ lại.
Lại có một lần khác, anh dẫn đoàn du khách nước ngoài, khi xe máy chạy đến đoạn rừng có dòng suối bắc ngang, anh không có cách nào đi được. Khi ấy, 3 du khách đã xắn tay vào nhấc bổng chiếc xe của anh khiêng qua suối. Sự sẻ chia, đồng hành của du khách khiến anh có thêm động lực, niềm vui để làm việc hăng say, nhiệt tình hơn.
Trong suốt 10 năm qua, anh Công vẫn luôn tự tìm hiểu, học tập thêm các kiến thức về lâm nghiệp. Anh đặc biệt có đam mê tìm hiểu về các loại cây thuốc có trong khu rừng miền Đông Nam bộ này. “Để nhớ được tên các cây thuốc, tôi dùng đủ các cách: nhìn, sờ, ngửi, nếm, hái lá về so sánh với tài liệu sau đó nhờ các đồng nghiệp có nguyên môn xác nhận lại. Việc cập nhật kiến thức phải thực hiện liên tục. Hơn nữa, tần suất đi rừng cũng phải nhiều. Vì chỉ cần lâu không đi là có thể sẽ quên mất” - anh Công cho hay.
* Hạnh phúc khi trao truyền tình yêu thiên nhiên
Những lần đầu tiên làm thuyết minh sinh thái rừng, anh Công có nhiều nỗi lo: sợ khách lạc đường vì trong rừng có nhiều ngã rẽ, không có sóng điện thoại… Vì thế, trong mỗi chuyến đi, anh đều phổ biến cho du khách kiến thức sinh tồn trong rừng như: xác định phương hướng, cách làm dấu, để lại ký hiệu khi bị lạc; cách tìm thức ăn, nước uống… Với những du khách đến từ thành phố, đây là những kiến thức vô cùng bổ ích, là khởi đầu thú vị để bắt đầu hành trình khám phá rừng.
Anh Nguyễn Hồng Công (giữa) thuyết minh cho du khách về các loại cây thuốc quý trong rừng |
Thông thường, mỗi bài thuyết minh của 1 tour du lịch sinh thái rừng gồm có kiến thức về các loài động, thực vật, những địa điểm nổi tiếng trong rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Để bài thuyết minh thêm hấp dẫn, anh Công tìm kiếm, sưu tầm các câu chuyện kể về các loài động, thực vật đặc trưng, quý hiếm của rừng. Qua lời kể của anh Công, những kiến thức khoa học trở nên sinh động, dễ nhớ.
“Du khách tham gia các tour du lịch sinh thái rừng thường đến từ thành phố. Họ chọn vào rừng để ngắm cảnh đẹp, khám phá thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe và ý chí. Đây cũng là khoảng thời gian để họ giải tỏa, buông bỏ những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống thường nhật. Ai đến với rừng cũng đều say mê khám phá. Sau mỗi chuyến đi, họ lại yêu thiên nhiên hơn, có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Thậm chí, có đoàn du khách sau khi đi tour khám phá rừng thì lập hẳn 1 CLB để góp sức trồng rừng” - anh Công vui vẻ kể về những du khách của mình.
Làm công việc thuyết minh sinh thái rừng, anh Công không chỉ được thỏa mãn đam mê đến với rừng, hòa mình vào thiên nhiên mà còn hạnh phúc khi được kết nối thêm với nhiều bạn bè. Các tour du lịch sinh thái rừng thường chỉ diễn ra trong 2 ngày 1 đêm nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng đủ để kéo gần khoảng cách giữa những người có tâm hồn yêu thiên nhiên với nhau. Thường thì sau mỗi chuyến du lịch, họ kết nối với nhau như những người bạn.
Niềm vui lớn nhất của anh Công chính là đã truyền được tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường rừng đến du khách trong đó có thế hệ trẻ. Anh Công vui vẻ cho biết: “Nhiều du khách sau khi đi tour đã quay trở lại tham gia tour mới và dẫn theo cả con, cháu của họ. Các du khách nhí đến đây không chỉ để tham quan, học tập, khám phá mà còn được ươm mầm để trở thành những người biết bảo vệ môi trường”.
Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ hiện có 10 nhân viên làm công tác thuyết minh du lịch sinh thái, tốt nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau: tài nguyên rừng, công nghệ thực phẩm, du lịch... Điểm chung là họ cùng có tình yêu thiên nhiên, đam mê những cánh rừng, bởi lẽ chỉ những người yêu rừng mới chịu khó học hỏi, tích lũy kiến thức về rừng để đáp ứng công việc. Ngoài công việc chuyên môn, thuyết minh du lịch sinh thái, các nhân viên của trung tâm còn phụ trách công tác truyền thông giáo dục môi trường. Hằng năm, những nhân viên này biên soạn các tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường để các CLB xanh dùng làm tài liệu tuyên truyền bảo vệ môi trường trong nhân dân, trong các trường học... |
Hải Yến