Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình tĩnh vượt qua stress

09:03, 11/03/2021

Trong cuộc sống năng động, hiện đại, con người luôn đối diện với nhiều áp lực, căng thẳng (stress) đến từ công việc, các mối quan hệ gia đình và xã hội. Nhiều người đã nỗ lực vượt qua, biết "biến" khó khăn, thách thức thành cơ hội để tiếp tục phát triển.

Trong cuộc sống năng động, hiện đại, con người luôn đối diện với nhiều áp lực, căng thẳng (stress) đến từ công việc, các mối quan hệ gia đình và xã hội. Nhiều người đã nỗ lực vượt qua, biết “biến” khó khăn, thách thức thành cơ hội để tiếp tục phát triển.

Bạn trẻ nên đặt cho mình một mục tiêu vừa sức để không chịu áp lực vì... quá tải. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Hóa Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) trong một giờ thực hành. Ảnh do nhà trường cung cấp
Bạn trẻ nên đặt cho mình một mục tiêu vừa sức để không chịu áp lực vì... quá tải. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Hóa Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) trong một giờ thực hành. Ảnh do nhà trường cung cấp

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số người hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống khiến căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, lâu ngày dẫn đến các hội chứng về tâm thần như: trầm cảm, rối loạn cảm xúc...

* Choáng váng trước những cú sốc

Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, thời gian qua có xu hướng gia tăng số ca bệnh là những người trẻ (ở độ tuổi từ 20-35) phải điều trị các hội chứng về tâm thần như: trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm lý... Đáng chú ý, mỗi năm Khoa Tâm thần trẻ em tiếp nhận từ 200-300 ca rối loạn tâm lý, nhiều ca trong số này đã ở tình trạng trầm cảm nặng, phải điều trị phối hợp nhiều liệu pháp, thời gian điều trị kéo dài và đòi hỏi có sự hợp tác tích cực từ phía cha mẹ, thầy cô.

Một khảo sát do Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) tiến hành năm 2018 đối với các trường THCS và THPT tại 5 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai), cho thấy có đến 90% số học sinh được hỏi cho rằng bản thân gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý và có nhu cầu được tư vấn.

Đặc biệt, đa số các trường hợp người trẻ nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để điều trị các triệu chứng về tâm thần là do không vượt qua nổi áp lực học hành, công việc, tình cảm gia đình sứt mẻ hoặc trục trặc trong tình cảm. Một số người rơi vào trầm uất đã chọn cách giải quyết tiêu cực, gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình.

Gần 1 năm nay, chị N.M. (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) phải đưa con gái 16 tuổi đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để điều trị tâm lý. Chị M. tâm sự, con gái của chị học khá giỏi nên khi thi lớp 10, chị đặt mục tiêu cho con phải vào được trường chuyên của tỉnh. Dù đã nỗ lực nhưng con chị không vào được trường chuyên, lại trượt cả nguyện vọng 1 vào lớp 10.

“Cú sốc” nặng khiến con gái của chị M. sa sút tinh thần, thêm vào đó những lời trách móc của mẹ khiến cô bé co cụm, xa lánh mọi người, suốt ngày nhốt mình trong phòng. Đến khi chị M. phát hiện con gái lên mạng tìm hiểu những cách tự tử, chị mới nhận thấy những biểu hiện của con không bình thường, chị đã điều chỉnh thái độ với con và đưa con đi điều trị tâm lý.

Nếu như con gái chị M. bị stress vì áp lực học hành thì K.N. (19 tuổi, ngụ  TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) bị khủng hoảng tâm lý do mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc chuyện gia đình. Do mâu thuẫn trong làm ăn với mẹ N., cậu của N. đã đưa lên mạng xã hội các thông tin đời tư để bêu rếu mẹ của N. Vụ việc khiến N. rơi vào trầm cảm, học hành sa sút. Tháng 10-2019, N. uống thuốc ngủ tự tử nhưng được phát hiện kịp thời và cứu sống. Trước khi uống thuốc tự tử, N. đã gọi điện cho cậu và nói mình tìm đến cái chết vì muốn thoát khỏi tâm trạng u buồn này và không thể chịu nổi sự xúc phạm của cậu trên mạng xã hội.

* Học kỹ năng giảm áp lực, stress

BS CKII Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, phụ trách công tác chuyên môn kỹ thuật Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, trong cuộc sống áp lực luôn đến từ nhiều phía. Đó là áp lực cao trong học hành, thi cử; công việc quá tải; tình cảm gia đình, vợ chồng không trọn vẹn; bị các sang chấn tinh thần do mất người thân; bị xâm hại, bạo hành hoặc tổn thương khi bị người khác xúc phạm hay phải chứng kiến, trải qua những sự cố bất ngờ, khắc nghiệt như: tai nạn, thiên tai... Cùng đối diện với những stress này, nhưng mỗi người có một cách giải quyết khác nhau.

Các buổi sinh hoạt ngoại khóa cũng là cách để giảm stress trong học tập Trong ảnh: Học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) thi cắm hoa nhân ngày 20-11
Các buổi sinh hoạt ngoại khóa cũng là cách để giảm stress trong học tập Trong ảnh: Học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) thi cắm hoa nhân ngày 20-11

Giải thích về những trường hợp người trẻ dễ chọn cách giải quyết tiêu cực khi đương đầu với stress, BS Trần Thanh Liêm cho biết, trước stress, áp lực từ cuộc sống, công việc, học tập, tâm lý nhiều người trở nên mệt mỏi, bỏ ăn, cáu gắt, đổ lỗi cho người khác, tách mình ra khỏi cộng đồng, tìm quên trong các chất gây nghiện... Các hành vi này khiến cho tâm thần và thể chất của người đó vốn đang ở trạng thái “mỏng manh, dễ vỡ” trở nên suy nhược, khiến khả năng ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh bị kém đi, stress lại càng nặng. Nếu lúc này không được những người xung quanh thấu hiểu, động viên, chia sẻ, giúp đỡ... họ rất dễ hành động tiêu cực.

Theo BS Trần Thanh Liêm, có 5 cách để làm giảm hoặc giải quyết những căng thẳng, áp lực hoặc vượt qua những cú sốc là quan sát và nhận diện những cảm xúc và  tiếp cận nó một cách bình tĩnh để hóa giải các stress khi chúng mới là các sang chấn tinh thần, những căng thẳng còn nhẹ; tỉnh táo khi đưa ra các lựa chọn” bằng cách tự nhủ  “tôi có thể giải quyết được việc này” bằng việc lần tìm ra “đầu sợi dây” tạo nên các áp lực, căng thẳng để giải quyết; trao đổi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để yêu cầu và nhận được hỗ trợ và cuối cùng là “tự yêu thương mình” bằng cách không nên tuyệt vọng đến bỏ ăn, co cụm mà hãy cố gắng giữ bữa, nghỉ ngơi, chơi thể thao, tăng cường giao tiếp với bạn bè...

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, trong cuộc sống khó tránh khỏi áp lực, stress, nhất là với người trẻ đang học tập và lập nghiệp. Tuy nhiên mỗi người cần biết cách đối mặt và cần có kỹ năng để giải quyết. Còn giải quyết thế nào lại phụ vào nhiều tố như: kinh nghiệm, sự trải nghiệm, sức chịu đựng và những kỹ năng vượt qua áp lực, stress của mỗi người.

Tuy nhiên, theo TS Lê Minh Công, để tránh cho mình không bị stress trong học tập, trong công việc, người trẻ nên đặt cho mình một mục tiêu, kế hoạch phù hợp, vừa sức và nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó, trong trường hợp không đạt được kết quả như mong muốn cũng không nên bi quan, chán nản, cần tự rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để những lần sau không còn vấp phải, cần dành tâm sức thực hiện những mục tiêu mới.

Đồng tình với quan điểm này, TS Giáo dục học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Lan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, những áp lực trong cuộc sống của người trẻ luôn có hai mặt, nó vừa gây ra tâm lý căng thẳng, tâm trạng lo buồn, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội để người trẻ nỗ lực vượt qua, trưởng thành hơn. Thực tế đã chứng minh, những ai thường xuyên đối diện với áp lực và nỗ lực vượt qua lại rất thành công trong cuộc sống.            

                Phương Liễu

Tin xem nhiều