Sở GD-ÐT đã chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. So với năm trước, kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm nay được ban hành khá sớm, tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh có điều kiện tìm hiểu và chuẩn bị cho "cuộc đua" tìm 1 suất vào lớp 10 theo ý muốn.
Sở GD-ÐT đã chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. So với năm trước, kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm nay được ban hành khá sớm, tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh có điều kiện tìm hiểu và chuẩn bị cho “cuộc đua” tìm 1 suất vào lớp 10 theo ý muốn.
Học sinh lớp 9 Trường THCS An Bình (TP.Biên Hòa) trong giờ thảo luận nhóm |
Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ÐT Trần Ðình Vinh cho biết: “Phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 về cơ bản vẫn giữ ổn định như những năm trước đây nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Tuy nhiên, với tính chất của một kỳ thi tuyển sinh thường có độ căng thẳng nhất định, vì sẽ có sự phân loại và lựa chọn thí sinh dựa trên điểm số và nhu cầu tuyển sinh của từng trường”.
* Tinh giản phương án thi tuyển
Phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 được tổ chức với mục đích chính là đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan trong việc lựa chọn học sinh hoàn thành bậc THCS tiếp tục học lên bậc THPT. Ðồng thời, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ phân luồng sau khi học sinh hoàn thành chương trình bậc THCS. Kết quả của công tác tuyển sinh có tác động trở lại đến hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học của tất cả các bậc học. Quá trình tổ chức thi nghiêm túc, tinh gọn, giảm bớt áp lực về thi cử cho học sinh theo tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng thi cử của Bộ GD-ÐT.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Quyết liệt phân luồng học sinh sau THCS Năm 2021, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành quyết liệt công tác phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS theo định hướng của Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Bên cạnh việc đảm bảo đủ trường lớp cho học sinh có nguyện vọng học lên lớp 10 THPT, Sở sẽ phối hợp với các phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường THCS tuyên truyền để học sinh và phụ huynh có con hoàn thành chương trình THCS tìm hiểu và lựa chọn chương trình vừa học nghề vừa học văn hóa với những chính sách hỗ trợ ưu đãi về học phí. |
Theo kế hoạch thi tuyển sinh lớp 10 đã được Sở GD-ÐT công bố, thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra vào 2 ngày 4 và 5-6 với 3 môn thi là Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Các thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh sẽ thi thêm một môn chuyên tương ứng. Nội dung kiến thức ra đề thi tuyển sinh lớp 10 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 theo chương trình của Bộ GD-ÐT áp dụng cho năm học 2020-2021. Sở GD-ÐT cho 21 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh được phép tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Những trường không thi tuyển sẽ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển bằng học bạ và hạnh kiểm sau khi được Sở GD-ÐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể.
Các thí sinh chỉ được đăng ký dự thi tại trường THPT trên địa bàn của huyện, thành phố mình cư trú, chỉ duy nhất Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh được phép tuyển thí sinh trong toàn tỉnh. Học sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi vào trường THPT thuộc địa bàn tuyển sinh của các huyện, thành phố khác liền kề, nếu có khoảng cách từ nơi cư trú đến trường ngoài địa bàn tuyển sinh gần hơn các trường THPT trên địa bàn tuyển sinh, Sở GD-ÐT sẽ giao cho hiệu trưởng trường THCS giải quyết, thu nhận, tổng hợp. Học sinh có nguyện vọng thi tuyển vào trường ngoài địa bàn mình cư trú chỉ cần nộp bản photocopy công chứng sổ hộ khẩu kèm theo hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu của Sở GD-ÐT phát hành tại trường THCS mình đang học.
Thực hiện tinh gọn công tác thi tuyển sinh, so với thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm học trước đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, Sở GD-ÐT đã quyết định giảm 1 trường không tổ chức thi tuyển mà chuyển sang hình thức xét tuyển. Ðó chính là Trường THPT Võ Trường Toản nằm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ. Việc chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển đối với trường này là vì số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh của trường được giao hằng năm là tương đương nhau. Như vậy, H.Cẩm Mỹ cũng là địa phương duy nhất không có trường THPT nào tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển mà toàn bộ đều xét tuyển.
* Chỉ tiêu tuyển sinh có tăng?
Dự kiến năm học 2020-2021, toàn tỉnh sẽ có khoảng 30 ngàn học sinh lớp 9 hoàn thành chương trình THCS, tương đương với số lượng học sinh của năm học 2019-2020. Những học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS được phân luồng tiếp tục học lên lớp 10 tại các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trung tâm dạy nghề. Dự kiến, Sở GD-ÐT phân bổ khoảng 30 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường công lập và tư thục thông qua hình thức tuyển sinh là thi tuyển và xét tuyển. Trong 30 ngàn chỉ tiêu nói trên, các trường công lập được giao tuyển sinh khoảng 20 ngàn chỉ tiêu, số chỉ tiêu còn lại được giao cho các trường tư thục.
Lựa chọn vừa học văn hóa vừa học nghề đang là một xu hướng mở cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS. Trong ảnh: Học viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai thực hành may |
Theo lãnh đạo Sở GD-ÐT, năm học 2021-2022 toàn tỉnh không có trường THPT công lập được thành lập mới hoặc nâng cấp mở rộng, do vậy chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập cơ bản vẫn được giữ nguyên. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào 21 trường công lập có tổ chức thi khoảng gần 11 ngàn học sinh. Hầu hết các trường đều có chỉ tiêu tuyển sinh từ 400 chỉ tiêu trở lên, trong đó một số trường có cơ sở vật chất rộng rãi, dự kiến được giao chỉ tiêu cao trên 500 chỉ tiêu trở lên như: Trường THPT Trấn Biên có chỉ tiêu dự kiến cao nhất là 600 học sinh, THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) 560 học sinh, THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom), THPT Thống Nhất (H.Thống Nhất) đều có chỉ tiêu dự kiến là trên 500 học sinh. Trường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp nhất dự kiến là Trường THPT Thực hành sư phạm thuộc Trường đại học Ðồng Nai, dự kiến tuyển gần 300 thí sinh.
Nhờ hệ thống trường lớp được đảm bảo, nhất là hệ thống các trường tư thục phát triển mạnh nên cơ hội để học sinh hoàn thành chương trình THCS muốn tiếp tục học lên lớp 10 tại Ðồng Nai luôn rộng mở. Sở GD-ÐT sẽ xem xét điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của các trường phổ thông tư thục để giao chỉ tiêu cao nhất có thể, tạo điều kiện cho học sinh vào học, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống các trường THPT công lập. Bên cạnh đó, học sinh có thể có những lựa chọn khác phù hợp như: đăng ký học văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề, các trường trung cấp và cao đẳng nghề…
Chị Phạm Thị Khánh Vân (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, năm nay con chị tốt nghiệp THCS và dự định thi vào Trường THPT Nam Hà ở gần nhà. Ðể con bớt áp lực, chị cũng định hướng cho con thêm phương án xét tuyển vào hệ vừa học văn hóa vừa học nghề may công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Ðồng Nai (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa). Chị Vân cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi không được khá giả, do đó định hướng cho con vừa học văn hóa, vừa học nghề cũng là một lựa chọn phù hợp. Nếu cố gắng sau hơn 3 năm nữa tốt nghiệp con vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng nghề trong tay để đi làm khi bước sang tuổi lao động”.
Công Nghĩa