Rừng Lá nằm trên địa bàn xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), từng là vùng căn cứ cách mạng có truyền thống lâu đời của quân và dân ta. Sau ngày đất nước thống nhất, căn cứ cách mạng Rừng Lá trở thành "địa chỉ đỏ" cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện tưởng nhớ và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc.
Rừng Lá nằm trên địa bàn xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), từng là vùng căn cứ cách mạng có truyền thống lâu đời của quân và dân ta. Sau ngày đất nước thống nhất, căn cứ cách mạng Rừng Lá trở thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện tưởng nhớ và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc.
Ðền thờ liệt sĩ khu căn cứ Rừng Lá là nơi tưởng nhớ những chiến công của quân và dân H.Xuân Lộc. Ảnh: T.Mộc |
Chiến tranh đi qua, xã Xuân Hòa cùng với các địa phương trên địa bàn H.Xuân Lộc trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôm mới (NTM) của cả nước. Căn cứ cách mạng Rừng Lá cũng được quy hoạch phát triển thành điểm du lịch về nguồn với những di tích lịch sử, lưu giữ giá trị truyền thống yêu nước của quân và dân H.Xuân Lộc.
* Chuyện về đội du kích địa phương
Chúng tôi đã tìm gặp bà Lý Thị Kiển, một trong những nữ du kích của đội du kích buôn làng Chơro trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ thời 7-8 tuổi, bà Kiển đã là giao liên tích cực của lực lượng cách mạng. Năm 1966, do thạo đường rừng và đã quen với công việc giao liên trước đó, bà Kiển được rút về làm trinh sát cho đội du kích của làng Chơro.
Nhớ lại những năm tháng chiến đấu kiên cường, nhiều lần tham gia các trận đánh du kích, bà Kiển không thể quên những tháng ngày băng rừng lội suối, vượt qua bao gian khó, thậm chí có những lần đang bị thương nhưng người nữ du kích nhỏ bé vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của một nữ trinh sát địa phương.
Năm 1960, dưới sự dẫn dắt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đội du kích buôn làng Chơro được thành lập tại suối Phèn La (mật khu Mây Tàu, núi Bể), gồm 31 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lương Văn Bé phụ trách. Đội du kích buôn làng Chơro ngày nay vẫn được nhiều người dân, lão thành cách mạng trên địa bàn xã Xuân Hòa nhắc đến với truyền thống yêu nước, là đội quân vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa sản xuất lương thực và chiến đấu để bám trụ địa bàn đặc khu Rừng Lá, Mây Tàu, núi Bể… |
Vì nằm ở vị trí trọng yếu trên quốc lộ 1, cửa ngõ quan trọng vào Sài Gòn, cùng với địa hình rừng núi cách trở, từ những năm 1970-1971, căn cứ Rừng Lá là khu vực hoạt động của nhiều đơn vị bộ đội. Biết rõ Rừng Lá có vị trí quan trọng, chiến lược nên quân địch cũng chọn làm điểm tập trung lực lượng và khống chế nhân dân ta, nhưng với truyền thống chống giặc ngoại xâm, người dân vẫn kiên cường đấu tranh.
Kể lại những năm tháng phục vụ cách mạng, bà Võ Thị Chín, nữ giao liên tại địa phương cho biết, với nhiệm vụ thăm dò tin tức của địch, bằng hình ảnh một thiếu nữ thích ca hát, nhảy múa, tham gia các đội văn nghệ của xã, ban ngày bà Chín vào đồn địch để “dạo chơi, biểu diễn văn nghệ”, tối đến bà lại băng qua những cánh rừng buông để báo cáo tin tức thu thập được cho lực lượng cách mạng.
Bà Chín cho biết, vì cha bà làm nhiệm vụ bí mật cho cách mạng nên từ khi sinh ra, bà phải mang họ của mẹ. Tại quê nhà, mẹ và bà tiếp tục làm nhiệm vụ giao liên, trong suốt thời gian hoạt động, trong một lần chở gạo nuôi lực lượng cách mạng, mẹ của bà Chín bị địch bắt và bị đi tù nhiều năm.
Ngày nay, dù hòa bình đã lập lại, nhưng bà Chín vẫn ở lại trên mảnh đất cách mạng năm xưa, ngày ngày trông coi Miếu Ngũ hành gần nhà, nơi từng là điểm hoạt động bí mật của lực lượng cách mạng. Bà Chín tâm niệm: “Cha tôi đã hy sinh trong chiến tranh và hiện đang được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), hằng năm tôi vẫn được nhà nước tổ chức cho ra Côn Ðảo viếng mộ cha. Các con của tôi nay đều đã có gia đình yên ấm nhưng tôi vẫn muốn sống lại mảnh đất từng gắn bó nhiều kỷ niệm và giàu truyền thống yêu nước, muốn góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ sau nối tiếp và phát huy trong điều kiện mới”.
* Phát triển du lịch trên đất chiến khu xưa
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, khu căn cứ Rừng Lá trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ không chỉ là căn cứ của quân dân H.Xuân Lộc mà còn là căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến. Từ căn cứ này, quân dân Ðồng Nai đã tổ chức nhiều trận đánh vang dội, như trận: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh.
Bà Võ Thị Chín, nữ giao liên năm xưa vẫn ngày ngày chăm sóc Miếu Ngũ hành, một địa chỉ hoạt động bí mật của lực lượng cách mạng |
Rừng Lá thời đó là khu rừng buông rộng lớn, phía Tây kéo dài đến tận xã Long Giao (H.Cẩm Mỹ), phía Nam đến tận H.Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phía Bắc giáp Trảng Táo và phía Ðông giáp H.Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Ðể ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ và quá trình đấu tranh cực kỳ gian khó của nhân dân địa phương, đồng bào Chơro, các mẹ Việt Nam anh hùng sinh sống trên vùng đất Rừng Lá qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, năm 2013, Ðảng bộ, chính quyền và quân dân H.Xuân Lộc đã xây dựng khu Ðền thờ liệt sĩ khu căn cứ Rừng Lá trên địa bàn xã Xuân Hòa đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng H.Xuân Lộc (9-4-1975 - 9-4-2013), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Phòng Văn hóa - thông tin H.Xuân Lộc, khu đền thờ sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân huyện Xuân Lộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ sau. Ðồng thời, nơi đây cũng được quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch di tích, kết nối với những địa danh du lịch nổi tiếng khác như: núi Chứa Chan, các mô hình du lịch nông nghiệp với các mô hình sản xuất, sản phẩm địa phương nổi tiếng.
Ðể phục vụ mục đích trên, ông Lê Minh Tâm, công chức văn hóa - xã hội xã Xuân Hòa cho biết, năm 2014, tại di tích Căn cứ Rừng Lá được Ban Quản lý di tích và danh thắng Ðồng Nai cùng với chính quyền địa phương và các nhân chứng lịch sử đã từng sống, làm việc và chiến đấu tại căn cứ Rừng Lá đã khảo sát nhằm xác định vị trí hầm bí mật và ranh giới khu đất của di tích để khoanh vùng bảo vệ di tích. Sau khi tiến hành khảo sát, các vị trí hầm bí mật nằm rải rác tại các khu vực Miếu bà Ngũ hành, suối Lạnh, Làng đồng bào dân tộc Chơro, Chi khu Bình Khánh, Nghĩa trang liệt sĩ Căn cứ Rừng Lá và hầm bí mật để khoanh vùng bảo vệ di tích, xây dựng điểm tham quan, về nguồn cho người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Thủy Mộc