Báo Đồng Nai điện tử
En

Cả đời nghiên cứu được vài giống cây tốt đã là điều tuyệt vời

01:02, 06/02/2021

TS Nguyễn Hữu Hỷ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ NN-PTNT là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng cạn.

TS Nguyễn Hữu Hỷ
TS Nguyễn Hữu Hỷ

TS Nguyễn Hữu Hỷ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ NN-PTNT là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng cạn. Trong suốt quá trình làm việc, TS Nguyễn Hữu Hỷ đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu giống cây trồng, đặc biệt là cây trồng cạn. TS Hỷ còn tham gia viết sách và rất nhiều đề tài, bài báo nghiên cứu khoa học về lĩnh vực giống và canh tác.

Để lai tạo ra được giống mới, giống tốt cần đến vài năm, thậm chí cả chục năm nên theo TS Hỷ, cả cuộc đời làm công tác nghiên cứu mà cống hiến được vài giống cây tốt cho đất nước đã là điều tuyệt vời.

Cố gắng hết sức nghiên cứu giống cây cho nông dân

 Điều gì khiến TS chọn gắn bó cả đời với công tác nghiên cứu giống cây trồng?

- Quê gốc ở tỉnh Thái Bình, tôi từng đậu đại học ngành Y nhưng không theo học mà quyết định vào miền Nam kiếm sống và làm việc cho một công ty trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau đó, tôi về làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc rồi chọn thi vào Trường đại học Nông lâm TP.HCM về ngành trồng trọt vì muốn làm công tác nghiên cứu khoa học.

Nhiệm vụ chính của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc là nghiên cứu phát triển giống và các giải pháp kỹ thuật sản xuất cây trồng cạn như: đậu, bắp, khoai mì… cho cả khu vực miền Nam. Thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX, năng suất cây trồng cạn rất thấp, mục tiêu nghiên cứu của trung tâm là nâng cao năng suất, chất lượng cho cây trồng. 

 Xin TS cho biết, quá trình làm việc của ông ở Trung Tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc?

- Xuất phát chỉ làm một nhân viên bình thường, năm 1999, tôi làm trưởng bộ môn Cây có củ và hệ thống canh tác. Năm 2007, tôi trở thành giám đốc của trung tâm này cho đến năm 2020.

Hiện tôi vẫn làm việc ở đây nhưng với vai trò là thành viên tham gia dự án Phát triển và phổ biến hệ thống sản xuất mì bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại do Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển các tác nhân gây bệnh hại trên cây mì và phát triển hệ thống cảnh báo bệnh trong khu vực như: sinh thái quần thể và quản lý côn trùng hại mì; thiết lập hệ thống giống mì để cung cấp hom mì sạch bệnh cho nông dân; chuyển giao công nghệ và khuyến nông...

 Theo TS, điều quan trọng nhất khi làm công tác nghiên cứu?

- Quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm để cho ra một giống mới, với giống đậu thì mất từ 3-4 năm, giống mì mất đến 5-7 năm nên là cả hành trình dài hơi. Công việc nghiên cứu, thực nghiệm cây giống là công việc âm thầm. Khó khăn không nhỏ là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu này chỉ nhỏ giọt. Làm nghiên cứu khoa học mà không có lòng đam mê, chịu khó, chịu khổ thì rất khó đi đến cùng, nhất là chỉ sống bằng đồng lương nhà nước. Tôi chỉ là một người nghiên cứu khoa học nghèo nhưng làm gì để đóng góp được cho lĩnh vực phát triển cây giống là tôi vẫn cố gắng hết sức mình.

 Theo TS, trong giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế với rất nhiều thay đổi, với vai trò là người lãnh đạo, những giải pháp để một trung tâm nhà nước về ngành giống thích ứng với sự thay đổi nhanh này?

- Suốt thời gian qua, hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc luôn gắn bó với thực tế sản xuất của nông dân, thậm chí chúng tôi nghiên cứu theo nhu cầu đặt hàng của nông dân nên ngày càng đa dạng các dự án về cây giống. Hiện trung tâm có vườn cây đầu dòng như: giống điều, cây ăn trái, các loại đậu, trong đó về phát triển giống mì đang đứng đầu cả nước…

TS Nguyễn Hữu Hỷ hướng dẫn cho sinh viên đến thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom)
TS Nguyễn Hữu Hỷ hướng dẫn cho sinh viên đến thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom)

Ngoài ra, trung tâm luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên đi học nâng cao trình độ vì việc đào tạo nguồn lao động khoa học công nghệ là rất quan trọng không chỉ cho trung tâm mà còn cho các viện nghiên cứu, cho đất nước. Trong suốt thời gian hoạt động, trung tâm luôn hợp tác với nhiều viện, tổ chức nước ngoài trong công tác nghiên cứu, thực nghiệm giống mới để tiếp cận công nghệ mới trên thế giới.

 Kinh nghiệp hợp tác quốc tế của bản thân TS để có thể tranh thủ được những tiến bộ mới trong công tác nghiên cứu giống từ các đối tác quốc tế không, thưa TS?

- Trong hợp tác quốc tế, quan điểm của bản thân tôi là phải tôn trọng với tinh thần học hỏi, tiếp thu những tiến bộ, cái hay từ các đối tác và cũng không ngại chia sẻ về những hạn chế trong công tác nghiên cứu. Nhờ đó, họ sẵn sàng cử chuyên gia hàng đầu về trung tâm hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu mà chúng tôi còn ít kinh nghiệm. Trung tâm cũng thu hút được sự đầu tư rất lớn của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển về giống. Quan trọng hơn của sự hợp tác này là cơ hội cho chúng tôi học tập những tiến bộ kỹ thuật của họ về khâu giống cũng như trong quy trình canh tác.

Sản xuất giống mì kháng bệnh khảm lá

 Khâu nghiên cứu, sản xuất giống vẫn là điểm yếu của Việt Nam so với mặt bằng thế giới, TS có ý kiến gì về vấn đề này?

- Cống hiến của ngành nghiên cứu, sản xuất giống ở Việt Nam cần được đánh giá cao. Vì ngành này có đóng góp rất lớn trong việc đưa Việt Nam từ nước thiếu gạo ăn trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Hàng loạt các nông sản khác như: tiêu, cà phê, mì, cây ăn trái… đều vươn lên thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu. Hiện ngành Nông nghiệp vẫn là thế mạnh, là cái gốc phát triển của Việt Nam mà khâu phát triển giống có vai trò rất quan trọng nên cần được quan tâm
và đầu tư xứng tầm hơn.

Nhưng có một thực tế là ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất giống vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay, cạnh tranh bằng công nghệ thì chúng ta không thể nói hoài câu chuyện vượt khó vươn lên.

Về năng suất, chất lượng giống thì Việt Nam không thua nhưng về khả năng kháng sâu bệnh thì Việt Nam không bằng vì nhiều nước trên thế giới họ đầu tư vào công nghệ mạnh hơn.

Trước mắt, Việt Nam có thể nhập giống nhưng về lâu dài thì nghiên cứu, sản xuất giống phải được quan tâm đầu tư hơn để chủ động khâu giống phù hợp với nhu cầu và điều kiện tự nhiên trong nước, phù hợp với kinh tế, thực tế sản xuất của người nông dân.

 TS đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò của cây trồng cạn trong giai đoạn hiện nay?

- Trong một hội nghị quốc tế về cây mì, nhiều ý kiến cho rằng cây mì nghèo quá, sắp tới không ai làm. Thực tế, diện tích cây mì nói riêng, cây trồng cạn nói chung đang giảm rất mạnh về diện tích.

Nhưng theo quan điểm của tôi, cây mì vẫn là cây trồng hữu hiệu, nhất là với nông dân nghèo vì nó dễ trồng, ít kén đất nên có thể trồng tốt ở những vùng đất cằn cỗi, khô hạn không có cây trồng gì tồn tại được hoặc không có năng suất như cây mì.

Và công tác nghiên cứu, tạo ra những giống mì tốt hơn, năng suất hơn để sử dụng nguồn tài nguyên đất, tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý vẫn rất cần thiết vì không thể bỏ hoang đất.

 Việc nghiên cứu giống mì kháng bệnh khảm lá của trung tâm hiện đã có kết quả như thế nào thưa TS?

- Hiện dịch khảm lá mì đang là vấn đề rất lớn ở Việt Nam và thế giới. Dự án tôi tham gia đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, hữu hiệu để tạo ra nguồn giống mì sạch bệnh với sản lượng lớn cung cấp cho nông dân trồng mì, trong đó có nông dân Đồng Nai.

Thời gian qua, trung tâm đã nhập 41 nguồn gen và 5 ngàn dòng lai mới từ các nước về để lai tạo ra giống mì hoàn toàn kháng bệnh khảm lá. Để đáp ứng yêu cầu có nguồn giống bền vững, trung tâm đã lập vườn lai tại H.Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho lai với các giống mì năng suất cao của Việt Nam để tạo ra giống vừa mang gen chống khảm, vừa đạt năng suất cao, độ bột cao, củ đẹp đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Dự kiến trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có các giống mì kháng khảm lá và có những đặc tính quý hiếm của mì Việt Nam.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều