Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay 'áo mới' cho khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

08:02, 19/02/2021

Sau hơn nửa thế kỷ giữ vai trò "đầu tiên" trong việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, KCN Biên Hòa 1 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.

Sau hơn nửa thế kỷ giữ vai trò “đầu tiên” trong việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, KCN Biên Hòa 1 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.

Cầu An Hảo nối liền Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với cù lao Hiệp Hòa. Ảnh: Phạm Tùng
Cầu An Hảo nối liền Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với cù lao Hiệp Hòa. Ảnh: Phạm Tùng

Việc KCN Biên Hòa 1 được Thủ tướng chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm “khai tử” KCN lâu đời nhất của đất nước, “mở đường” để “biến” nơi đây trở thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại hiện đại, điểm nhấn của đô thị Biên Hòa.

* Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

KCN Biên Hòa 1 ra đời năm 1963 (tên gọi trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa), là KCN lâu đời nhất Việt Nam, biểu tượng của ngành Công nghiệp miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. KCN Biên Hòa 1 với diện tích 335ha cũng được xem là “hình mẫu”, tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển mô hình các KCN trên cả nước về sau.

Tuy nhiên, với hàng chục năm “tuổi đời”, hơn một thập kỷ trước, những điểm yếu của KCN Biên Hòa 1 đã bắt đầu được bộc lộ, đặc biệt là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hạ tầng xây dựng theo công nghệ cũ, thiếu hệ thống xử lý nước thải đồng bộ đã gây ô nhiễm nặng cho sông Đồng Nai.

Theo Sở TN-MT, mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 xả hơn 9 ngàn m3 nước thải, trong đó chỉ có hơn 1 ngàn m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý. Phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Chính vì vậy, hoạt động của KCN này gây rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với sông Đồng Nai.

KCN Biên Hòa 1 hiện có 152 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21 ngàn người. Để thực hiện đề án chuyển đổi công năng của KCN này, Đồng Nai sẽ thực hiện di dời tất cả doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hộ dân đang sinh sống tại đây.

Từ thực tế đó, năm 2008, Đồng Nai đã có đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN. Một năm sau, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) khảo sát, xây dựng phương án di dời. Theo tính toán của Sonadezi từ năm 2015, lộ trình thực hiện được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2015-2017) thực hiện chuyển đổi 56ha; giai đoạn 2 (2018-2021) chuyển đổi 155ha và giai đoạn 3 (2022-2025) chuyển đổi 113ha còn lại. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15,7 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại và chậm trễ. Nguyên nhân chính là do chưa có cơ sở pháp lý để Đồng Nai có thể thực hiện việc di dời các doanh nghiệp, đóng cửa KCN Biên Hòa 1 để thực hiện chuyển đổi công năng.

Chính vì vậy, văn bản số 111/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28-1-2021 về việc chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Đồng Nai có thể triển khai tiếp các thủ tục thực hiện di dời các doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của KCN lâu đời nhất cả nước này.

Thực tế, sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, KCN Biên Hòa 1 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử “mở đường” và thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã từng nhấn mạnh, KCN Biên Hòa 1 hình thành năm 1963, đến nay đã trải qua hơn 50 năm phát triển. KCN này đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách của Đồng Nai và cả nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhưng sứ mệnh lịch sử đã hết nên phải tính toán di dời, đóng cửa.

* Điểm nhấn cho bộ mặt đô thị Biên Hòa

Theo quy hoạch, KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại. Quỹ đất tại đây cũng sẽ được đấu giá để thực hiện các dự án theo đúng quy hoạch.

Với vị trí nằm dọc sông Đồng Nai, đồng thời chạy dọc theo quốc lộ 1, sau khi thực hiện chuyển đổi công năng, KCN Biên Hòa 1 được đánh giá là “khu vực vàng” để phát triển đô thị, tạo điểm nhấn về cảnh quan và không gian kiến trúc cho đô thị Biên Hòa.

Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 từ một KCN thành một khu đô thị - dịch vụ - thương mại là điều rất tốt và thuận lợi. Bởi khu vực này có địa hình và vị trí rất đẹp, vừa nằm dọc sông vừa tiếp giáp với đường giao thông lớn. Ngoài ra, KCN Biên Hòa 1 hiện nay cũng đã tiếp giáp với các khu dân cư hiện hữu nên đóng vai trò rất tốt trong việc tạo điểm nhấn cho không gian đô thị Biên Hòa. “Nếu tỉnh thực hiện di dời trung tâm hành chính ra khu vực KCN Biên Hòa 1 thì khu vực này đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xây dựng một không gian đô thị mới hiện đại, có cảnh quan không gian và kiến trúc đô thị phong phú, đa dạng” - ông Lý Thành Phương cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai sẽ nỗ lực để di dời các doanh nghiệp cũng như các hộ dân tại KCN Biên Hòa 1 trong quỹ thời gian từ 1-2 năm. Sau đó, tỉnh sẽ thực hiện đấu giá đất để hình thành nên một khu đô thị - dịch vụ - thương mại theo quy hoạch. Phương án đấu giá đất có thể được thực hiện một lần đối với toàn bộ diện tích hoặc thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, đấu giá từng khu, từng đoạn để thực hiện các dự án theo quy hoạch.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, “cái áo” của đô thị Biên Hòa hiện nay đã khá chật hẹp, do đó phải phát triển thêm không gian đô thị tại khu vực KCN Biên Hòa 1. “KCN có một dãy chạy dọc sông rất đẹp nên phải đưa vào đầu tư tạo cảnh quan, không gian đô thị để người dân được thụ hưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều