Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn về "xưa", để vun đắp cho "nay"

08:02, 19/02/2021

Năm 2021 là năm khá đặc biệt bởi là năm kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam (2-1961 - 2-2021).

Năm 2021 là năm khá đặc biệt bởi là năm kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam (2-1961 - 2-2021).

Ngược dòng lịch sử, trong kháng chiến chống Mỹ, để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, Đảng ta quyết định giải thể Xứ ủy Nam bộ, thành lập Trung ương Cục miền Nam. Tuy Trung ương Cục miền Nam đứng chân ở Chiến khu Đ thời gian không lâu (1961-1962), nhưng căn cứ kháng chiến này đã trở thành biểu tượng cho lý tưởng, ý chí giải phóng dân tộc, quyết tâm của Đảng và quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, một địa chỉ đỏ thường xuyên đón du khách về nguồn tham quan Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, một địa chỉ đỏ thường xuyên đón du khách về nguồn tham quan Ảnh: BÌNH NGUYÊN

 Để tạo tiền đề vững chắc chuẩn bị thế và lực cho cuộc trường kỳ kháng chiến, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (1961-1967) đã được thành lập, ngày nay nằm ở Phân trường 6, Lâm trường Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu. Khu ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên toàn miền Đông Nam bộ với những chiến thắng vang dội như: trận đánh đồn Bàu Cá Trê, chi khu Hiếu Liêm, đồn Cây Gáo, đồn Trị An, chiến dịch Bình Giã, chiến dịch Đồng Xoài… Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (diện tích khoảng 28ha) được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1997 và đến năm 2001 được đầu tư tôn tạo gồm các hạng mục chính như: hệ thống giao thông hào, hệ thống địa đạo liên hoàn, hệ thống hầm trú ẩn, nhà làm việc của lãnh đạo Khu ủy… (nguồn: tư liệu).

Trong chiến tranh, để đảm bảo tính bí mật, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ được bố trí sâu trong rừng, nơi mệnh danh là “rừng thiêng nước độc” của miền Nam. Sau chiến tranh, vùng đất có vị trí địa lý đặc biệt này suốt cả một thời gian dài cũng chỉ có toàn… rừng là rừng. Xét về khía cạnh kinh tế - xã hội, nơi đây tiếp tục bị gọi là “vùng đất chết” với “4 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm. Những người dân gắn bó với vùng đất này cũng chỉ mưu sinh dựa vào rừng.

Nhưng ngày nay, vùng đất Chiến khu Đ đã hoàn toàn mang một diện mạo mới. Sự đầu tư về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đã khiến “vùng đất chết” hồi sinh. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều tiềm năng được khai phá mạnh mẽ, đặc biệt là về du lịch và nông nghiệp. Từ vùng đất chiến khu xưa, những vùng nông sản cam, quýt, xoài… dần dần “định danh” thương hiệu trên thị trường, những ngôi làng xanh, sạch, đẹp và trù phú xuất hiện, nhiều người trẻ từ đây ra đi học hành rồi quay về khởi nghiệp du lịch dựa trên hệ sinh thái phong phú từ rừng… Vừa bảo tồn, vừa phát triển, vừa nhìn về truyền thống, vừa chung tay vun đắp cho hôm nay là những gì mà người dân lẫn chính quyền đang dồn sức cho vùng đất linh thiêng này ngày một trở nên “đáng sống”.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều