Đến mùa xuân này, Lý Văn Sâm tròn 100 tuổi. Nhà văn không có may mắn là người sống vắt qua hai thiên niên kỷ, bởi đã rời cõi thế vào năm cuối cùng của thế kỷ XX. Bây giờ, ông có tiếc không? Không chắc lắm! Vì Tết Tân Mùi (năm 1991), tròn 70, Lý Văn Sâm có viết bài thơ tự vịnh, câu cuối là "Đường trần thanh thản bước chân qua...". Vậy mà, cuộc thế mà Lý Văn Sâm từng trú ngụ lại trải qua biết bao thăng trầm, dâu bể!
Đến mùa xuân này, Lý Văn Sâm tròn 100 tuổi. Nhà văn không có may mắn là người sống vắt qua hai thiên niên kỷ, bởi đã rời cõi thế vào năm cuối cùng của thế kỷ XX. Bây giờ, ông có tiếc không? Không chắc lắm! Vì Tết Tân Mùi (năm 1991), tròn 70, Lý Văn Sâm có viết bài thơ tự vịnh, câu cuối là “Đường trần thanh thản bước chân qua...”. Vậy mà, cuộc thế mà Lý Văn Sâm từng trú ngụ lại trải qua biết bao thăng trầm, dâu bể!
Cố nhà văn Lý Văn Sâm |
* Ra đi…
Vào giữa khuya một đêm mùa xuân, Lý Văn Sâm đã cất tiếng chào đời dưới một mái tranh nghèo ở xóm Ông Lình, làng Tân Nhuận thuộc Q.Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ. Bây giờ nơi đây là phố thị Tân Uyên của tỉnh Bình Dương, nhưng hồi đó là rừng. Lý Văn Sâm đã nhắc lại khoảnh khắc này hai lần, trong Lời tựa cho tập truyện đường rừng Kòn Trô (xuất bản năm 1949) và Kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu của tôi (năm 1988). Ông nhớ (chắc do mẹ mình kể lại), khi ấy, bên cạnh mẹ tôi là bà mụ già Ba Nghĩa. Ba tôi đi làm tới chiều hôm đó, không thấy về như thường lệ. Và, chuyện này còn ghê gớm hơn: Khi cậu bé vừa ra đời thì có bọn cướp đến. Chúng lấy hết tiền phát xâu của cha cậu rồi bỏ đi… Hôm ấy là hôm mười bảy tháng hai dương lịch.
Lý Văn Sâm đã ở vùng rừng Tân Nhuận 7 năm ròng rồi mới ra trường tỉnh (Trường tiểu học Nguyễn Du ngày nay) để đi học. Trọn bảy năm, tâm hồn thơ dại của tôi đã thấm sâu bóng núi, hình cây, tiếng chim, lời suối. Điều này cũng có thể góp phần cắt nghĩa vì sao Lý Văn Sâm trở thành người đầu tiên ở Nam bộ viết truyện đường rừng và đến bây giờ cũng khó có nhà văn nào vượt qua.
Lần theo tháng năm cũ, Lý Văn Sâm sinh nhằm mùng Mười tháng Giêng năm Tân Dậu. Lập tứ trụ cho ông là: Tích Lịch Hỏa (giờ Mậu Tý), Xoa Xuyến Kim (ngày Tân Hợi), Tùng Bách Mộc (tháng Canh Dần) và Thạch Lựu Mộc (năm Tân Dậu).
Cha của Lý Văn Sâm là một viên chức, có một ít của ăn của để sau này mở một lò than chuyên cung cấp cho xe hơi ở vùng Mã Đà sơn cước. Thời trẻ, Lý Văn Sâm được gia đình cho đi ăn học nhiều nơi, có bằng Thành Chung. Nhưng ông chỉ làm ông chủ lò than bất đắc dĩ một thời gian, cũng không đi làm viên chức như cha. Lý Văn Sâm thích cuộc sống giang hồ lãng tử, thậm chí muốn lập một gánh hát để đi lưu diễn khắp ba miền. Trong máu huyết của Lý Văn Sâm, khát khao tự do cho bản thân và nhân quần, độc lập cho giống nòi luôn sục sôi. Ông đã cầm lấy cây bút để thỏa mãn phần nào khao khát ấy. Lý Văn Sâm đã trở thành người nghệ sĩ khắc ghi chân thật hình bóng của quê hương, đất nước thời tao loạn, ca khúc khải hoàn cho mỗi chiến thắng của dân tộc và hát bài tang lễ cho từng nỗi đau, mất mát của nhân dân.
Bút tích nhà văn Lý Văn Sâm |
Trở lại với tứ trụ của Lý Văn Sâm, chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Thời khắc chào đời có lửa sấm sét tự trời soi xuống (Tích Lịch Hỏa). Không có lửa, vàng sẽ vùi sâu vào đất cát. Nhưng lửa ấy đã luyện nên một loài Xoa Xuyến Kim, tức vàng để trang sức. Người nghệ sĩ, dù hình sắc, âm thanh hay ngôn từ đều có thiên chức làm đẹp cho đời. Nhớ lại chuyện xưa, hồi còn tiểu học, Lý Văn Sâm có một thầy giáo ruột, bác Năm Trừu, vốn con nhà phong lưu, bị mù mắt bẩm sinh, được gia đình cho theo nghề đờn thổi từ nhỏ. Năng khiếu đặc biệt của bác là thổi sáo. Khi lớn lên, bác thường dẫn ban nhạc lễ của làng đi chu du khắp nơi. Tiếng tăm nổi như cồn. Cuộc đời bác là cuốn sách buồn và đầy những chi tiết hấp dẫn. Sau này, khi bắt đầu viết văn, Lý Văn Sâm nhớ về người thầy giáo cũ và đã sáng tác truyện ngắn Tiếng đàn Sông Phố (đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, được Vũ Bằng đổi tên Cây nhị Sông Phố). Chính tiếng sáo của bác Năm Trừu đã thổi vào tâm hồn thơ trẻ Lý Văn Sâm những khúc ca tình tự đầu tiên của quê hương. Đó còn là tiếng sáo phảng phất tiếng réo gọi của quê hương, thấm đậm hào khí Đồng Nai thi vị và anh hùng đối với nhà văn khi phải sống xa nơi chôn nhau cắt rún của mình. Vì thế, ông rất có duyên kết thân với những nghệ sĩ cải lương lừng danh từ trước năm 1945 như Phùng Há, Năm Phỉ, Trần Hữu Trang, Viễn Châu… Ấy là chưa kể, Lý Văn Sâm còn là tác giả của những vở cải lương và kịch nói, được biểu diễn trên sân khấu Sài Gòn: Vàng, Sậu lệnh, Truyền thuyết Trị An…
Trong tứ trụ của Lý Văn Sâm có đến hai hành Mộc: Tùng Bách Mộc (Canh Dần) và Thạch Lựu Mộc (Tân Dậu). Không có loài cây nào dầu dãi nắng mưa, lại ngay thẳng như tùng, như bách. Cũng chẳng thảo mộc nào cứng cáp, vững bền như lựu đá. Trong văn chương Lý Văn Sâm, những mã thượng giang hồ, sống đời dọc ngang như Kòn Trô, Châu Phiên, Phong không hiếm. Họ đâu chỉ can trường, quả cảm, mà còn giàu nghĩa khí, đề cao lòng nhân hơn quyền lợi, giữ vẹn chữ tín dù phải trả giá bằng cái chết.
và Trở về
Đời Lý Văn Sâm cũng vậy. Tài tử, mê chơi, nhưng trong đầu những chữ thiêng liêng nhất là Tự do và Tổ quốc. Vở cải lương đầu tiên ông viết trước năm 1945, khi đang còn học ở trường tỉnh, là Mũi tên diệt bạo, được Trần Hữu Trang xem để góp ý. Thầy Tư Trang đọc cẩn thận rồi bảo: Em có khiếu văn chương đó. Mà tuồng này của em không hát được đâu. Không phải tuồng bết mà tại em nói toàn chuyện bị ở tù như chơi. Làm cái khác đi.
Nhà văn Lý Văn Sâm viếng mộ người anh lớn - nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ |
Nghe lời Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm làm cái khác, viết truyện đường rừng, dã sử, nhưng lại phô bày được khát vọng tự do, tình tự dân tộc vào văn chương. Ông còn đi theo các anh lớn: Hoàng Minh Châu, Nguyễn Văn Ký, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại, Nguyễn Văn Tàng, Nguyễn Văn Lành… những người cộng sản đầu tiên ở đất Biên Hòa. Từ đó, nhà văn ba lần bảy lượt vào tù ra khám, thậm chí suýt chết trong cuộc phá khám vượt ngục lịch sử ở Nhà lao Tân Hiệp ngày 2-12-1946. Trải qua bao bão giông, cây tùng, cây bách ấy vẫn đứng giữa trời mà reo!
Ai rồi cũng rời khỏi thế gian. Với Lý Văn Sâm, đó là tối 14-9-2000, nhằm ngày 17 tháng Tám năm Canh Thìn, lúc 7 giờ 5 phút.
Người con ruột rà xứ Đồng Nai đã vĩnh viễn ra đi, không một lời từ biệt. Đấy là chuyến đi cuối cùng và đi mãi của Lý Văn Sâm, với người thân và bạn bè. Còn với ông, là sự trở về, với đất Mẹ, giờ Bính Tuất (Ốc Thượng Thổ). Cây lựu đá (tháng Tân Dậu, Thạch Lựu Mộc) khi đã hoàn thành sứ mạng của mình tự biến thành ngọn lửa đầu núi (ngày Ất Hợi, Sơn Đầu Hỏa) soi sáng vàng son cho nhân gian (năm Canh Thìn, Bạch Lạp Kim).
Năm thứ 100 của Lý Văn Sâm, thử hình dung ông một lần nữa. Con người tài hoa ấy đã sống hết mình trong cuộc đời đầy sương gió. Hình như đời ông chẳng mấy khi được yên ổn. Thế nhưng, thái độ của nhà văn lại luôn dấn thân. Giữa những năm dài sống ở chốn gió bụi thị thành, phải vào tù ra khám, hay trên những nẻo đường kháng chiến gian nguy, bao giờ Lý Văn Sâm cũng trải lòng ra với đời và mơ về những giấc mơ đẹp nhất. Đời Lý Văn Sâm là đời hoa, còn văn chương của nhà văn là những trang sách hồng chan chứa bao hoài niệm và khát vọng nhân văn. Năm thứ 100, trang sách hồng đó vẫn đang mở giữa hoa!
Tết Tân Sửu
Bùi Quang Huy