Cồn Sơn là vùng đất nổi giữa sông Hậu (thuộc Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Cách đất liền không xa, chỉ khoảng 10 phút đi ghe nhưng đến với Cồn Sơn, du khách có thể cảm nhận được một không gian sống hoàn toàn khác biệt.
Cồn Sơn là vùng đất nổi giữa sông Hậu (thuộc Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Cách đất liền không xa, chỉ khoảng 10 phút đi ghe nhưng đến với Cồn Sơn, du khách có thể cảm nhận được một không gian sống hoàn toàn khác biệt.
Du khách thích thú khi đi trên cầu khỉ để vào tham quan các nhà vườn ở Cồn Sơn. Ảnh: H.Hà |
Đến đây, du khách không chỉ thưởng thức nhiều sản vật thiên nhiên trù phú mà còn được sống lại một thời ký ức với những trải nghiệm mộc mạc, đơn sơ nhưng có thể giúp cân bằng tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề.
* Yên bình, mộc mạc giữa lòng phố thị
Nhìn từ xa, Cồn Sơn mang vẻ êm đềm, hoang sơ khi được bao bọc bởi những rặng bần, bốn mặt là sông nước mênh mông. Nét đẹp có phần hoang sơ của Cồn Sơn được ví như viên ngọc xanh quý giữa lòng phố thị.
Với mô hình du lịch cộng đồng, Cồn Sơn đã và đang tạo nên bản sắc mới cho du lịch Cần Thơ. Điều đặc biệt là người dân xứ cồn chất phác, gần gũi và vô cùng hiếu khách với nụ cười luôn thường trực, tạo cảm giác thoải mái cho du khách đến đây. Khi tham quan nhà vườn nào, du khách cũng được tiếp đón rất nồng hậu bằng những thức ăn - uống cây nhà lá vườn như: trà hoa đậu biếc, trà atiso đỏ, nước sa kê, các loại bánh dân gian, trái cây đặc sản hay có thể thưởng thức các món ăn dân dã; được trải nghiệm làm bánh dân gian, câu cá, bắt ốc, xem cá lóc bay... |
Với diện tích vỏn vẹn 70ha và bắt đầu phát triển du lịch từ năm 2014, đến hiện tại, Cồn Sơn có hơn 30 mô hình nhà vườn, thu hút khá đông du khách, nhất là các bạn trẻ đến tham quan, khám phá. Việc phát triển du lịch đã góp phần mở rộng và cải tạo cảnh quan tốt hơn, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, chân quê vốn có của miền Tây sông nước.
Con đường quanh Cồn Sơn nhỏ hẹp hầu như không thấy bóng dáng phương tiện xe cộ qua lại nên việc di chuyển chủ yếu là đi bộ. Nhờ đó, du khách có những trải nghiệm thú vị, vừa sải bước chân trên đường đê xanh mát, vừa ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, hòa mình vào thiên nhiên yên bình và làm quen với nếp sống dung dị của người dân xứ cồn.
Điểm thu hút nhất của du lịch Cồn Sơn chính là mô hình du lịch cộng đồng mang đến sự trải nghiệm mới lạ trên mỗi hành trình khám phá. Mô hình này giữ nguyên nét truyền thống của cư dân sống trên cồn từ xưa, mỗi gia đình tham gia mô hình sẽ đoàn kết, hợp sức với nhau làm du lịch bằng cách góp một đặc trưng, sở trường riêng tùy theo khả năng và lợi thế, đảm bảo không trùng lắp với nhau để cùng hướng tới phát triển du lịch bền vững ở Cồn Sơn.
* Mỗi nhà một sản phẩm du lịch
Ở “cửa ngõ” Cồn Sơn, đón du khách là Bè cá Bảy Bon của nông dân Lý Văn Bon (tên thường gọi là Bảy Bon). Nơi đây trở thành địa điểm lý thú mỗi khi khách du lịch ghé qua Cồn Sơn. Ngoài việc thưởng ngoạn những loài cá lạ như: cá heo nước ngọt, cá rô mễ, cá chép koi, cá trê hồng, cá hải tượng, cá vồ đém…, du khách còn được trải nghiệm câu cá, thưởng thức chả cá thác lác từ cơ sở chế biến riêng của bè cá.
Bà Bảy Muôn kiểm tra các lu ủ nước mắm truyền thống tại vườn nhà |
Hiện tại, ông Bảy Bon đang sở hữu hơn 30 lồng bè lớn, nhỏ với gần 20 loại cá khác nhau. “Tôi vừa nuôi nhiều loại cá có giá trị kinh tế để chế biến, xuất khẩu, vừa bảo tồn nhiều nguồn gen cá nước ngọt quý hiếm ở khu vực này. Tôi làm du lịch với mục tiêu sống chan hòa cùng tự nhiên vì thành quả lâu bền. Đến với bè cá nói riêng và Cồn Sơn nói chung, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm về mỗi câu chuyện, mỗi đặc trưng của từng hộ dân bản địa trên cồn” -
ông Bảy Bon chia sẻ.
Rời bè cá, du khách chính thức đặt chân lên cồn, đến với dải đất thanh bình, hồn hậu. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm vườn, được phù sa bồi đắp quanh năm, khí hậu thuận lợi nên đất đai ở cồn vô cùng màu mỡ, trở thành xứ sở của những vườn cây ăn trái trĩu quả như: chôm chôm, nhãn, bưởi...
Đặc biệt nếu đến Cồn Sơn vào thời điểm từ cận Tết đến khoảng đầu tháng 3 âm lịch, du khách sẽ được tham quan và thưởng thức vườn cây vú sữa bơ hồng rộ mùa của cô Sáu. Cô Sáu cho biết, vườn của cô có khoảng 23 gốc vú sữa bơ hồng trên 15 năm với diện tích khoảng 4 ngàn m2. Đặc trưng của loại vú sữa này là quả to, ngọt, sai trái.
Cùng với đó, du khách còn được trải nghiệm đi cầu khỉ qua nhà vườn Công Minh của bà Phan Kim Ngân (tên thường gọi là Bảy Muôn) để làm bánh, tham quan các lu ủ nước mắm, nuôi ong... Bà là nghệ nhân làm bánh dân gian nổi tiếng của xứ Tây Đô và là Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau - CLB góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn (thuộc P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy).
Cô Sáu lựa chọn những trái vú sữa bơ hồng vừa mới hái để bán cho du khách ngay tại vườn |
Chị Trúc Lê, du khách ở TP.Biên Hòa từng du lịch ở Cồn Sơn cho biết, nhóm du lịch của chị đã được trải nghiệm làm bánh kẹp cuốn tại nhà cô Bảy Muôn. Tuy là những loại bánh dân dã, quen thuộc nhưng không phải ai cũng đủ khéo léo, kiên nhẫn để làm ra được một chiếc bánh tỉ mẩn, ưng ý.
“Bánh kẹp cuốn tưởng chừng đơn giản nhưng khi chạm vào khuôn bánh khá nặng cùng với khói than, sức nóng từ lò bốc lên hầm hập rất khó giữ cân bằng. Nếu không nhanh tay, khéo léo xoay trở khuôn, loại bỏ phần bột dư trong quá trình nướng thì bánh sẽ khét, tạo hình không đẹp. Dù vậy, ai nấy đều thích thú với trải nghiệm làm bánh, cũng như được thưởng thức loại bánh dân gian thơm ngon, giòn rụm tại đây” - chị Trúc Lê bày tỏ.
Chị Bùi Thị Thúy Hằng, đại diện một gia đình còn lưu giữ nghề làm đũa truyền thống ở Q.Bình Thủy
chia sẻ: “Xưa ở gần khu vực này có xóm đũa chuyên làm các lại đũa tre, đũa cau… truyền thống nhưng sau này nghề làm đũa mai một dần. Hiện chỉ còn vài nhà còn lưu giữ nghề này. Nhà tôi đã ba đời làm đũa, hiện nay, trung bình gia đình tôi làm được khoảng 200-300 đôi đũa/ngày, chủ yếu cung ứng cho các chợ xung quanh, cũng như bán thêm cho du khách đến tham quan Cồn Sơn vào dịp cuối tuần”.
Hải Hà