Vườn nho rừng rộng 8 ngàn m2 nằm ngay dưới chân núi Bà Đen thuộc ấp Tân Phước, xã Phan (H.Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) là điểm hẹn độc đáo, mới lạ thu hút du khách gần xa mỗi khi đến vùng "đất Thánh" Tây Ninh. Ấn tượng đẹp khác là du khách đến đây được tham quan miễn phí khu vườn nho trĩu quả, được thưởng thức đặc sản nước mật nho, rượu nho rừng không nơi nào có.
Vườn nho rừng rộng 8 ngàn m2 nằm ngay dưới chân núi Bà Đen thuộc ấp Tân Phước, xã Phan (H.Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) là điểm hẹn độc đáo, mới lạ thu hút du khách gần xa mỗi khi đến vùng “đất Thánh” Tây Ninh. Ấn tượng đẹp khác là du khách đến đây được tham quan miễn phí khu vườn nho trĩu quả, được thưởng thức đặc sản nước mật nho, rượu nho rừng không nơi nào có.
Ông Nguyễn Văn Thông đang nhân rộng diện tích cây nho thân gỗ và các giống nho quý khác để điểm hẹn du lịch của mình ngày thêm hấp dẫn du khách. Ảnh: L.Quyên |
Điểm du lịch hấp dẫn này do ông Nguyễn Văn Thông, lão nông có ba đời gắn bó với mảnh đất này đầu tư. Hiện cũng ngay dưới chân núi Bà Đen, ông Thông đã trồng thêm gần 8ha diện tích nho rừng chuẩn bị đưa vào khai thác. Để vườn nho luôn có thêm sự mới mẻ, độc đáo phục vụ du khách, ông còn nhân thêm giống cây nho thân gỗ và đã trồng được cả ngàn gốc nho này trong vườn; quy hoạch thêm khu vực trồng các giống nho khác và các loại hoa, kiểng độc, lạ phục vụ khách tham quan.
* Trồng đặc sản rừng làm du lịch
Ông Thông kể về những ngày xưa gian khó: “Nhà có 8 anh chị em, người cha bị bệnh nằm liệt 35 năm nên gia đình tôi nghèo nhất xã, cả xã có điện riêng nhà tôi vẫn thắp đèn dầu vì không có tiền kéo điện. Tôi nghỉ học từ năm lớp 6 vì điều kiện gia đình khó khăn. Khi vào đời cũng chỉ có đôi bàn tay trắng, nhà không có đến chiếc xe đạp, không bao giờ có được 1 triệu bạc trong tay”.
Ông thuê đất trồng mía rồi dần dần mới có vốn nuôi bò, mua đất. Ông Thông trở thành nông dân sản xuất giỏi có tiếng ở địa phương với mô hình trồng mía. Nhờ chăm chỉ làm ăn và khéo tích lũy, ông mua được hơn 13ha đất sản xuất, nơi thì ông trồng mía, chỗ thì trồng cao su…
Kể về cái duyên với trái nho rừng, ông Thông nhớ lại: “Tôi biết về cây nho rừng từ thời còn bé khi vùng đất này vẫn là núi rừng chưa có mấy người sinh sống. Ông bà thường sai tôi vào rừng bẻ trái nho rừng về cho ông bà ngâm rượu uống vì tốt cho sức khỏe. Thời đó, người già ở vùng này sinh cả chục người con, không hề biết đến 1 viên thuốc tây nhưng sống rất khỏe mạnh, thọ được cả trăm tuổi”.
Mấy mươi năm sau, rừng núi thu hẹp dần nhường đất cho con người sinh sống, giống nho rừng này cũng ít dần, có nơi mất hẳn. Ông Thông lần tìm khắp vùng rừng ở quê rồi qua các vùng rừng ở tận bên Lào, Campuchia sưu tầm giống nho rừng về trồng với ý định giữ lại cho con cháu giống đặc sản rừng hữu ích này. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm khoảng 200 gốc nho rừng trong vườn nhà. 2 năm sau, khi cây nho bắt đầu có trái, ông bón phân, xịt thuốc, chăm tưới nước theo quy trình như trồng nho nhà thì giống cây rừng này lại chết hàng loạt. Không nản lòng, ông tiếp tục mở rộng trồng hàng ngàn gốc nho rừng, lên luống để gốc nho rừng luôn khô ráo và không chăm bón quá tỉ mỉ mà thả cho cây mọc tự nhiên như môi trường ngoài thiên nhiên vốn có. Cùng với việc mở rộng diện tích vườn nho đặc sản, ông Thông bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ phát triển mô hình du lịch vườn của mình.
Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp trồng nho rừng làm du lịch, ông Thông đã tính đến chuyện nghỉ hưu sớm vì cuộc đời đã trải đủ những ngược xuôi, vất vả. Ông bỏ tiền mua xe ô tô 7 chỗ với mục tiêu có phương tiện đi thăm thú các nơi. Ông Thông chia sẻ: “Nhưng tôi là người quen làm việc, sau 2 năm nghỉ ngơi, tôi thấy buồn quá nên lại tìm việc làm. Tôi không ngại rẽ sang một lĩnh vực mới với nhiều thử thách, khó khăn là xây dựng chuỗi khép kín trồng nho rừng, đầu tư chế biến rượu nho, mật nho và kinh doanh dịch vụ du lịch”.
* Làm đặc sản quý từ nho rừng
Vườn nho rừng độc, lạ nên nhanh chóng thu hút được lượng lớn du khách tham quan. Có những mùa cao điểm du lịch, vườn nho rừng của ông đón cả chục ngàn lượt khách/ngày. “Tôi đã mạnh dạn bán đi 3ha đất để có vốn mở rộng diện tích vườn nho và đầu tư vào chế biến rượu vang từ nho rừng. Lúc đó tôi bàn với gia đình là sự đầu tư này có thất bại, mất vài ha đất thì gia đình vẫn còn đất, vẫn tiếp tục làm nông nhưng nếu thành công thì cơ hội là rất lớn” - ông Thông nói.
Du khách thích thú đến tham quan vườn nho rừng trĩu quả của ông Nguyễn Văn Thông. Ảnh: L.Quyên |
Trước khi bắt tay vào sản xuất món rượu vang từ nho rừng, ông Thông đã bỏ rất nhiều công đi tầm sư học đạo, tìm hiểu từ nhiều nguồn về kỹ thuật làm rượu vang. Ông đổ tiền nhập máy móc, 1 cái máy có khi trị giá mấy trăm triệu đồng về thử nghiệm không phù hợp ông chấp nhận đem bán ve chai rồi lại tìm đặt lại các máy móc cần thiết khác. Ông mất hàng năm trời thử nghiệm ủ rượu từ trái nho rừng, rất nhiều lần phải đổ bỏ những mẻ rượu ủ chưa đúng cách. Mẻ rượu đầu tiên thành công sau một thời gian ủ, nho rừng lên men thơm lừng, mùi thơm thu hút bầy ong bay đến tìm mật là niềm hạnh phúc lớn của cả gia đình người nông dân luôn nỗ lực tiến về phía trước ấy.
Theo ông Thông, đầu tư làm du lịch vườn cực hơn rất nhiều so với làm nông thuần túy vì khi bắt tay vào hoàn toàn đều là ý tưởng, kế hoạch mà chưa hình dung nó sẽ như thế nào khi ứng dụng vào thực tế. Ông cứ kiên trì đi theo con đường đã chọn với quan niệm khi chọn lối đi mới mình phải tự mở đường mà đi, có khi gặp sông, suối, đầm lầy, vách núi trở ngại thì cũng tự bản thân phải tính toán giải pháp để tiến lên vì đâu có ai hỗ trợ, không có ông thầy nào chỉ cho mình. Nhiều lúc bản thân ông cũng chao đảo nhưng cũng không dám chia sẻ với gia đình vì sợ con cái hoang mang theo. Ông Thông ví von, nho là nữ hoàng của các loại trái cây vì không có trái gì quý bằng trái nho. Rượu nho càng là thức uống quý, rất có lợi cho sức khỏe người dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Thông: “Tôi tìm hiểu lịch sử sản xuất rượu vang ở khắp nơi trên thế giới rồi tự làm ra dòng rượu vang quý từ trái nho rừng đặc sản riêng của quê hương, xứ sở. Tôi rất quý sức khỏe nên rượu vang làm ra phải đảm bảo chất lượng, an toàn từ việc trồng ra những trái nho sạch, ủ rượu bằng phương thức thủ công để giữ được hương vị thuần thiên nhiên nhất”. |
Lê Quyên