Sấu Hà Nội, táo mèo Tây Bắc, cam Vinh, bưởi Diễn, mắm tép miền Trung, chả cá Nha Trang, cá kho làng Vũ Đại và nhiều món ăn, thức uống đặc trưng từ mọi miền đất nước đang được bán rong ở nhiều tuyến đường, con phố.
Sấu Hà Nội, táo mèo Tây Bắc, cam Vinh, bưởi Diễn, mắm tép miền Trung, chả cá Nha Trang, cá kho làng Vũ Đại và nhiều món ăn, thức uống đặc trưng từ mọi miền đất nước đang được bán rong ở nhiều tuyến đường, con phố. Người ta dễ dàng tìm mua, thưởng thức các loại đặc sản vùng miền với mức giá khá bình dân mà không phải đến tận nơi làm ra, siêu thị lớn hay nhà hàng sang trọng.
Bà Bùi Thị Tuyết (quê tỉnh Thanh Hóa) bán đặc sản cốm dẻo Hà Nội ở lề đường tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai |
Người bán hàng đặc sản đa phần là người lao động xa quê, dân bán hàng rong biết vùng hoặc cơ sở làm ngon để “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
* Món ngon trăm nẻo
Trước đây, nếu muốn ăn những món đặc sản miền Bắc như cốm dẻo, quả sấu, quả táo mèo… người dân ở TP.Biên Hòa phải chờ đến mùa, trực tiếp ra Bắc hoặc nhờ người đi công tác, du lịch ngoài đó mua về thưởng thức. Nhưng vài năm nay không còn tình trạng đó nữa, mùa nào thức đó, các loại đặc sản vùng miền được bán ở nhiều nơi. Người ta dễ dàng mua các loại quả, món ăn, thức uống được xem là đặc sản của từng vùng quê ở những cửa hàng, lề đường thậm chí mua thông qua những người bán rong, mua bán online. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng tăng cường bán các loại đặc sản vùng miền. Điều này giúp cho người dùng dễ dàng tìm mua, thưởng thưởng thức nhiều món ngon, lạ mà không tốn kém quá nhiều thời gian, chi phí.
Chị Hồ Thị Lan Anh (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ những xe hàng rong mà chị được thưởng thức các món ngon ở quê Nghệ An và nhiều vùng miền khác thường xuyên, không phải đợi về quê ăn Tết hay người nhà gửi vào. “Năm nay nhà tôi đón Tết chủ yếu là đồ quê: giò bê, hương trầm, miến dong, ram cuốn nem. Một số lại gia vị như: hành, tỏi, nước mắm, mắm nêm tôi cũng mua từ các mối quen” - chị Lan Anh chia sẻ khi mua hàng rong trên đường Bùi Văn Hòa (P.Long Bình) vào chiều 26 Tết vừa qua.
Theo tâm sự của nhiều người, bán hàng rong là nghề bấp bênh, vất vả và bán rong hàng đặc sản còn thêm phần rủi ro. Ví như lấy hàng Tết bán không hết phải ăn vì để lâu bị hư hỏng, hoa quả tươi cũng vậy; bị lực lượng trật tự đô thị xử phạt nếu lấn chiếm lòng lề đường. Người bán ngoài việc lựa chọn mối hàng ngon, chất lượng, giá cả phải chăng còn phải nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của từng khu vực, từng thời điểm. Chẳng hạn bán hàng đặc sản miền Trung, miền Tây nên chọn khu vực có nhiều công nhân sinh sống. Bán hàng đặc sản miền Bắc chọn khu vực có nhiều dân đi định cư lâu năm, khu vực có nhiều cơ quan công sở. |
Chị Nguyễn Thị Vinh (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ, vài năm trở lại đây giao thương hàng hóa các miền thuận lợi nên mỗi dịp Tết chị bán đặc sản giò bê (còn gọi là giò me) và mực câu, đặc sản của Nghệ An kiếm thêm thu nhập. Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chị bán gần 300kg giò bê, hơn 50kg mực khô. Khách hàng của chị là bạn bè trên các mạng xã hội Zalo, Facebook và những người làm chung trong công ty. Theo chị Vinh, với giá chênh lệch từ 50-150 ngàn đồng/kg so với giá bán tại quê mà được thưởng thức đặc sản quê ngay tại thành phố thì rất tiện lợi. Không chỉ bán hàng quê, chị Vinh còn thường xuyên đặt mua các món ngon, lạ từ nhiều vùng quê khác từ những người bán hàng rong, bán hàng online như mình để thưởng thức.
Không chỉ các món ngon ngày Tết, nhiều loại quả tươi như: sấu, chanh đào, táo mèo, cam canh, thanh trà, dừa nước cho đến những món ăn thường ngày như: chả ram tôm đất, chả cá Nha Trang, mắm nêm, cá kho làng Vũ Đại... ở nhiều vùng quê khác nhau cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các đô thị. Vào mùa, người thì đi bán rong ở đường, người đầu tư cửa hàng, có người chọn bán hàng đặc sản thông qua mạng xã hội.
Chị Lê Thị Đào (TP.Long Khánh) cho biết, mỗi năm chị đều mua chanh đào ngâm mật ong làm thuốc phòng ho cho con, mua sấu ngâm làm nước giải khát từ những người bán hàng rong. Mặc dù hàng mua ở lề đường nhưng rất tươi, không kém hàng siêu thị. Giá cả cũng không quá đắt.
* Mưu sinh từ xe đặc sản
Bán hàng rong là nghề đã có từ lâu, đa phần là những người làm nghề có hoàn cảnh khó khăn từ quê lên thành phố kiếm sống, cũng có người buôn bán vì đam mê. Người thì có địa điểm ngồi bán hàng cố định nhưng cũng có người phải dùng xe đẩy hoặc gánh hàng đi bán dạo trong các ngõ hẻm, khu dân cư, khu công nghiệp...
Gần 10 năm trước, gia đình anh Đinh Văn Lai, chị Nguyễn Thị Huệ (cùng quê tỉnh Nghệ An) vào Đồng Nai làm nghề thu gom phế liệu. Giữa năm 2018, gia đình anh chuyển sang bán hàng quê. “Tôi có ý tưởng buôn bán hàng quê vì mỗi lần muốn ăn mắm tép, hành tăm, cá cơm khô hay kẹo cu đơ không biết tìm mua ở đâu. Tôi về tận quê tìm nguồn hàng, rồi liên hệ với xe khách để vận chuyển vào bán” - anh Lai chia sẻ.
Đặc sản trái cây miền Bắc xuất hiện nhiều ở các đô thị miền Nam |
Lúc đầu vợ chồng anh Lai mỗi người một xe đẩy len lỏi vào các khu nhà trọ công nhân, ra cổng khu công nghiệp bán hàng. Về sau, họ ngồi bán cố định ở lề đường gần chợ K8 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa). Hiện tại, ngoài điểm bán này, hai vợ chồng còn nhận bỏ sỉ các mặt hàng là: bánh đa, hành tăm, mắm tép, cá khô, nem chua và một số loại quả theo mùa ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cho các quán và mối bán rong lẻ khác. Anh Lai chia sẻ thêm, từ khi chuyển sang bỏ mối hàng đặc sản, thu nhập khá hơn, trung bình mỗi tháng 2 vợ chồng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Tuyết (quê ở Thanh Hóa), bán hàng rong quanh năm trên đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) tâm sự, các con đã lập gia đình hết nhưng bà vẫn phải vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người vì chồng bị bệnh nan y, mỗi năm tốn cả trăm triệu đồng điều trị. Bà vào miền Nam xin việc nhưng lớn tuổi công ty không nhận nên ra bán hàng rong. Không có phương tiện, không thông thạo đường nên bà lấy các loại quả như: sấu Hà Nội, táo mèo Tây Bắc, cam Vinh, thanh trà miền Tây từ chợ đầu mối ra lề đường bán. Ngồi bên xe đẩy với miến dong Lai Châu, chè Tân Cương, măng lưỡi lợn, nấm hương rừng, phật thủ, cam Vinh, bà Tuyết cho hay: “Người ta đi đây đi đó bán được nhiều, mình ngồi một chỗ bán được mấy đâu. Ngày này bù ngày kia, dù sao vẫn hơn ở quê!”.
Anh Đinh Công Nhạ, thợ phun xăm trên đường Bùi Văn Hòa, P.Long Bình, TP.Biên Hòa vì muốn ăn cốm dẻo Hà Nội mà trở thành người bán hàng rong lề đường. Lúc anh bán cốm, ô mai, khi bán sấu tươi, chanh đào, nhót, quất hồng bì... những loại quả ở miền Nam không có hoặc ít trồng được. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh bán thêm hoa đào, quất cảnh. Anh Nhạ chia sẻ, lúc đầu anh vì muốn ăn nên nhờ người nhà ở H.Đan Phượng (TP.Hà Nội) gửi cốm dẻo vào. Một vài người bạn và khách quen của tiệm nhờ anh đặt giùm. Rồi anh làm tấm biển hiệu “Ở đây có bán cốm dẻo Hà Nội” và trở thành người bán cốm. Sau đó, mùa nào thức đó, anh bán thêm nhiều mặt loại quả đặc trưng của miền Bắc ngay trước cửa tiệm. Việc làm này vừa giúp anh có đồ quê ăn thường xuyên vừa có thêm thu nhập.
Ban Mai