Báo Đồng Nai điện tử
En

Đã lái xe - không uống rượu, bia

07:02, 19/02/2021

Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Hậu quả do tai nạn thường nghiêm trọng, không chỉ gây khó khăn trong công tác cứu chữa của y, bác sĩ mà còn để lại nhiều di chứng cho người bệnh. Do đó, mỗi người dân cần tuân thủ thông điệp "Đã lái xe - không uống rượu, bia".

Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Hậu quả do tai nạn thường nghiêm trọng, không chỉ gây khó khăn trong công tác cứu chữa của y, bác sĩ mà còn để lại nhiều di chứng cho người bệnh. Do đó, mỗi người dân cần tuân thủ thông điệp “Đã lái xe - không uống rượu, bia”.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang khám, theo dõi tình hình sức khỏe cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia
Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang khám, theo dõi tình hình sức khỏe cho một bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia

* Uống rượu, bia - thói quen nguy hiểm khi lái xe

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, rượu, bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ. Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân và có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 của Chính phủ quy định, nghiêm cấm tất cả người tham gia giao thông điều khiển khi đã sử dụng rượu, bia. Các trường hợp vi phạm đều phải xử lý nghiêm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.

Có thể nói, rượu, bia được tiêu thụ quanh năm, đối tượng sử dụng cũng khá rộng rãi, trong đó đàn ông chiếm phần lớn. Ngoài ra, tỷ lệ người tham gia giao thông sử dụng đồ uống có cồn còn phụ thuộc theo vùng, địa phương. Ðã có không ít biện pháp nhằm hạn chế TNGT do rượu, bia. Một số địa phương, trong đó có Đồng Nai quy định cán bộ, công chức không uống rượu, bia vào bữa ăn trưa; vận động các gia đình cam kết hạn mức sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, thực trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ngày càng phức tạp trong những năm gần đây.

Trong năm 2020, Công an tỉnh phát hiện gần 5 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 18 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe đối với hơn 3 ngàn trường hợp. Trong tổng số gần 5 ngàn trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn thì người điều khiển mô tô chiếm 97% và xe ô tô là 3%. Đặc biệt, có gần 2 ngàn trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất là từ 0,4mg/l khí thở trở lên.

Thực tế cho thấy, uống rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Đây cũng là khoảng thời gian mà số vụ TNGT tăng cao và khá phức tạp so với ngày thường. Nếu trong Tết, tai nạn liên quan đến rượu, bia thường xảy ra trên các địa bàn nông thôn thì sau Tết xu hướng này tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị có đông công nhân, người lao động.

BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, vào các ngày lễ, Tết, số ca cấp cứu TNGT không chỉ tăng về số lượng mà tình trạng bệnh cũng nặng nề hơn. Trong các dịp nghỉ lễ, Tết những năm trước đây, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị và chứng kiến nhiều trường hợp chấn thương sọ não, đa chấn thương, thậm chí tử vong do tai nạn sau khi uống rượu, bia. Công tác cứu chữa của y, bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân hôn mê sâu do chấn thương kết hợp với nồng độ cồn ảnh hưởng đến quá trình nhận định và cấp cứu ban đầu.

* Để không còn những tai nạn do “ma men”

Rõ ràng, dù đã được tuyên truyền và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, nhưng thói quen uống rượu, bia trước khi cầm lái của nhiều người chỉ có chuyển biến, chưa thay đổi rõ nét. Điều này thể hiện rõ trong kết quả xử lý vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn của các lực lượng chức năng trong thời gian qua.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu kéo dài 7 ngày (từ ngày 10 đến 16-2), công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Trong đó, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được các lực lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm.

Dán thông điệp “Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông” lên phương tiện
Dán thông điệp “Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông” lên phương tiện

Cụ thể, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng, kiểm tra 982 phương tiện; phát hiện, xử lý gần 300 trường hợp vi phạm. Đáng chú ý, vi phạm nồng độ cồn vẫn chiếm chủ yếu; qua kiểm tra nồng độ cồn đối với hơn 700 trường hợp đã phát hiện, xử lý hơn 120 trường hợp vi phạm; xử lý phạt tiền hơn 320 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 59 trường hợp. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ 3 xe ô tô, 118 xe mô tô, xe gắn máy các loại.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu, không chỉ cao điểm mà vấn đề xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn cần được thực hiện xuyên suốt. Việc kiểm soát chặt tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe nhằm bảo vệ tính mạng cho chính tài xế cũng như người tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng cần quán triệt tinh thần xử lý nghiêm bất cứ trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Thực tế có rất nhiều lý do khiến người tham gia giao thông sử dụng đồ uống có cồn và cũng không thiếu cách để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này. Nhưng quan trọng nhất, hiệu quả phụ thuộc vào chuyển biến nhận thức và hành động của người điều khiển phương tiện cơ giới, thái độ trách nhiệm của người xung quanh, sự nghiêm minh trong xử lý những trường hợp vi phạm.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình quán triệt, để giảm thiểu TNGT do rượu, bia, công tác tuyên truyền cần được nâng lên một bước; tiếp tục phát huy, mở rộng và bổ sung thực hiện các biện pháp giáo dục cũng như biện pháp cưỡng chế, tập trung xác định đúng và trúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng thêm hiệu quả. Đặc biệt, thông điệp tuyên truyền “Đã lái xe, không uống rượu, bia” cần phải trở thành ý thức thường trực đối với mỗi người dân. Với những ai nếu đã lỡ quá chén thì kiên quyết không được cầm lái và xây dựng thói quen sử dụng phương tiện công cộng để về nhà.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều