Báo Đồng Nai điện tử
En

Lò rèn vẫn đỏ lửa

04:01, 01/01/2021

Nghề rèn xuất hiện ở Chợ Đồn (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đã hàng chục năm qua, là một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Những sản phẩm từ nghề này như: dao, rựa, công cụ dùng để sản xuất nông nghiệp được người dân lựa chọn phổ biến tạo nên thương hiệu riêng cho các lò rèn ở đây.

Nghề rèn xuất hiện ở Chợ Đồn (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đã hàng chục năm qua, là một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Những sản phẩm từ nghề này như: dao, rựa, công cụ dùng để sản xuất nông nghiệp được người dân lựa chọn phổ biến tạo nên thương hiệu riêng cho các lò rèn ở đây.

Ông Tư Nghĩa (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đưa khối sắt đỏ rực vào máy dập thay cho sức người trước đây. Ảnh: H.Dung
Ông Tư Nghĩa (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đưa khối sắt đỏ rực vào máy dập thay cho sức người trước đây. Ảnh: H.Dung

Những người thợ lành nghề cho hay, tùy theo từng loại sắt, thép mà kỹ thuật tôi luyện khác nhau. Người giỏi nghề bao giờ sản phẩm làm ra cũng bền, chắc và sắc bén. Bí quyết của nghề rèn là kỹ năng kết hợp giữa lửa và nước sao cho chuẩn xác nhất.

* Nổi tiếng khắp vùng

Ngoài nghề sản xuất gốm sứ, lu, sành, P.Bửu Hòa còn có nghề rèn nổi tiếng một thời với các thương hiệu: 3 chữ Sĩ, 3 chữ Thượng, 12… đối với người dân trong khu vực. Trải qua nhiều biến cố, từng có thời làng nghề này gần như bị mai một, nhưng hiện nay sản phẩm từ lò rèn Chợ Đồn vẫn có chỗ đứng trên thị trường bởi chất lượng tốt.

Tại lò rèn Tư Nghĩa, 7 giờ sáng đã bắt đầu đỏ lửa. Bên trong, tiếng quạt thổi lò ồ ồ chạy. Lúc này, những hoa lửa bắn tung tóe ra từ bếp than đá tạo nên hình ảnh khá quen thuộc của những lò rèn truyền thống. Tiếng quay búa vang lên chát chúa cứ đều đều, đúng nhịp, đúng phách.

Các thợ rèn tâm sự, nghề này phải cần có ít nhất 2 người mới có thể làm được, một mình làm rất khó. Sản phẩm đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ sự dẻo dai về sức khỏe, kỹ thuật tôi luyện đến chất lượng nguyên liệu mới có thể cho ra những sản phẩm chất lượng.

 

Ở góc sân, ông Tư Nghĩa cùng người thợ phụ đang ngồi quai búa. Từng thanh sắt dày cộm sau khi nung đỏ bị những nhát búa nện chặt. Khoảng vài phút sau, thanh sắt chuyển từ màu đỏ sang màu xám, người thợ lại đưa nó vào lò than trước mặt đang hừng hực lửa. Hết lớp búa này xong thì đến lớp búa khác cho đến khi dẹp lép với hình dạng mà người thợ muốn tạo hình.

Ông Tư Nghĩa cho hay, ông là đời thứ 2 sử dụng lò rèn này làm kế sinh nhai. Gia đình ông mở lò rèn ở khu vực chợ Đồn gần cả trăm năm qua. Cả đời ông gần như gắn liền với nghề này. Từ nhỏ, ông đã theo cha phụ làm nghề và lớn lên trở thành người thợ có tiếng trong vùng. Trong suốt 50 năm qua không lúc nào ông rời bệ rèn, cây búa.

Theo lời kể của ông, nghề rèn ở thập niên 80 của thế kỷ XX làm ăn rất thịnh vượng. Từ năm 1975-1995, lò rèn của gia đình ông lúc nào cũng có 5-7 thợ theo học nghề. Bếp lò đỏ lửa suốt ngày, hoa lửa đỏ rừng rực trong lò với những muội khói than, mùi sắt thép bị đốt cháy khét lẹt kèm theo đó là tiếng búa chát chúa ồn ào cả một góc phố chợ.

Các sản phẩm từ một lò rèn thủ công ở P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Dung
Các sản phẩm từ một lò rèn thủ công ở P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Dung

Mấy anh em của ông đều nối nghiệp cha, người nào cứng tay nghề và có điều kiện thì tách ra làm riêng. Các sản phẩm như: cuốc, rựa, xẻng, xà beng, dao… sản xuất ra đều phục vụ quá trình khai hoang, làm rẫy cho người dân. Cả khu vực chợ Đồn có hơn chục lò hoạt động nhộn nhịp trở thành một làng nghề có tiếng ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

“Nghề này rất cực công, người thợ suốt ngày trần lưng ra quai búa nên rất cần sức khỏe và sự kiên trì, nhẫn nại với công việc. Nói vậy để biết, cái nghề đã ngấm vào máu, gắn với nghiệp của gia đình, một ngày không nhìn thấy bể lò, không được tự tay làm ra những sản phẩm mà mình tâm huyết là tôi thấy ăn không ngon, ngủ không yên” - ông Tư Nghĩa tâm sự.

* Sống được với nghề

Ông Phạm Hoàng Sang, chủ Lò rèn 12 đã hoạt động ở khu vực chợ Đồn suốt gần 70 năm qua. Dù trải qua nhiều biến cố, nghề rèn tưởng chừng lùi vào dĩ vãng thì các anh em trai trong gia đình ông vẫn tiếp tục duy trì nghề. Trong đó, chỉ riêng khu vực Bửu Hòa hiện có 3 lò rèn, 1 lò rèn ở H.Trảng Bom, 1 lò rèn ở H.Long Thành và 1 lò rèn ở TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Theo ông Sang, người thợ tự đúc kết những kinh nghiệm riêng cho mình để níu chân khách hàng. Không có lò nào giống lò nào mà mỗi lò rèn, mỗi người thợ đều có những bí quyết nghề nghiệp riêng. Tùy theo sắt, thép mà kỹ thuật tôi luyện khác nhau. Bí quyết của nghề rèn là kỹ năng kết hợp giữa lửa và nước sao cho chuẩn xác nhất.

Chỉ tay về phía đống dao, kéo mới hoàn thành khâu cuối cùng, ông Sang rành rẽ nói về kỹ thuật rèn. Cái khó của nghề là sự dẻo dai, nhẫn nại, chịu nóng và kỹ thuật tôi sắt, thép. Các sản phẩm do gia đình ông chế tác đều sắc bén, bền chắc nên không chỉ bán ở trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều địa phương khác.

“Dù thịnh vượng nhưng nghề này cũng không tránh khỏi tác động của thị trường công nghiệp. Nhiều mẫu mã do máy móc làm ra đẹp hơn, giá cả rẻ gấp nhiều lần nên được thị trường đón nhận. Nghề rèn bắt đầu thất thế, nhiều lò quanh vùng đóng cửa, chỉ những lò nào còn uy tín và người thợ muốn giữ lại nghề truyền thống mới cầm chừng hoạt động” - ông Sang nói.

Để “đánh thức” nghề, nhiều lò tự thay đổi và cho ra nhiều sản phẩm hơn để phục vụ nhu cầu của người dân. Ông Sang tự hào khoe, bây giờ ai đặt gì cũng làm được. Thời trước, lò rèn của ông quanh quẩn làm các sản phẩm nông cụ như: lưỡi cày, bừa, cuốc, liềm, hái còn hiện tại lò còn làm ra các dụng cụ gia đình với đủ loại dao, kéo. Đặc biệt, muốn tồn tại lâu dài thì chất lượng phải là yếu tố quyết định. Vậy nên sản phẩm của Lò rèn 12 thường đắt hơn những nơi khác nhưng khách vẫn tìm đến vì chất lượng tốt.

“Khách của lò không chỉ người mua lẻ mà nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến đặt hàng và đều là khách quen của lò. Đây là nghề gia truyền, có từ thời cha tôi mở lò rèn. Cả đời tôi giữ nghề rồi đến nay con cháu của tôi cũng rành nghề” - ông Sang bộc bạch.

Trong khi đó, ông Năm Xuân (chủ lò rèn ngay sát chợ Đồn ở P.Bửu Hòa) chia sẻ, nhịp sống thay đổi, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ các lò rèn ngày càng thay đổi. Trải qua bao biến cố cuộc đời, nhiều khi đứng trước nguy cơ phải giải nghệ, ông Năm Xuân vẫn kiên quyết giữ lại lò rèn của gia đình. Những sản phẩm (mũi khoan phá bê tông, dao, kéo, đục…) từ đôi bàn tay điêu luyện, cần mẫn của ông vẫn hữu dụng trong đời sống lao động hằng ngày.

Để rèn được các dụng cụ sắc bén và bền chắc, ngoài công phu chăm chút thì kỹ thuật tôi luyện sắt thép của người thợ rèn phải điêu luyện mà máy móc không làm được. Chính điều này, giúp khách hàng dần quay lại với các sản phẩm truyền thống từ các lò rèn thủ công. Do vậy, khoảng 3 năm trở lại đây, lò rèn của ông vẫn đầy đơn đặt hàng, thậm chí giá thành của các sản phẩm rèn bằng tay còn cao hơn nhiều lần so với hàng công nghiệp.

“Mình bỏ công sức ra làm sản phẩm chất lượng vượt trội thì giá cao hơn cũng là đương nhiên. Với lại, đồ rèn thủ công càng dùng càng sắc bén bởi sắt, thép nguyên liệu là loại nguyên chất, không pha tạp như hàng công nghiệp. Bây giờ, nghề rèn vẫn đang sống khỏe trong thị trường hiện nay dù ít người theo nghề hơn” - ông Năm Xuân chia sẻ.

Hoàng Dương

Tin xem nhiều