Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) là xây dựng, bảo vệ sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái tự nhiên bản địa, trong đó có nhiệm vụ giải cứu, chăm sóc và tái thả thú rừng về môi trường tự nhiên.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) là xây dựng, bảo vệ sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái tự nhiên bản địa, trong đó có nhiệm vụ giải cứu, chăm sóc và tái thả thú rừng về môi trường tự nhiên.
Các chuyên viên cứu hộ thuộc Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) chăm sóc con kỳ đà bị thương do vướng vào bẫy thợ săn. Ảnh: Đăng Tùng |
Đây là công việc được Hạt Kiểm lâm và Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) phối hợp thực hiện nhiều năm nay.
* Những bước chân lặng lẽ...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ động thực vật rừng, phòng chống cháy rừng..., lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thường xuyên tăng cường tuần tra trong các điểm rừng sâu, nơi không có lối mòn và xa đường nhựa. Trong các chuyến “cắt” rừng ấy, không ít lần lực lượng kiểm lâm phát hiện và tìm cách cứu những con thú rừng bị dính bẫy của thợ săn, thậm chí bị thương do “vẫy vùng” nhiều ngày trong bẫy.
Anh Lê Thanh Hải, kiểm lâm viên (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) cho biết: “Thông thường các đối tượng đánh bắt thú rừng trái phép sẽ lén vào rừng ban đêm, đặt nhiều bẫy theo luồng di chuyển tìm kiếm thức ăn của động vật hoang dã. Phần lớn là bẫy vòng, loại chỉ cần vài cây gỗ dựng đứng cùng các vòng dây thép cuộn quanh và đặt mồi nhử để đánh bẫy các con thú nhỏ như: cheo, kỳ đà... Khi đó, các tốp tuần tra sẽ liên lạc với cấp trên cử các chuyên viên Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) đến hiện trường để giải thoát những con thú này”.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhận định, việc giải cứu thú rừng khỏi bẫy, chăm sóc và thả về lại môi trường tự nhiên có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ, bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng. Do đó, thời gian qua, Khu bảo tồn luôn chỉ đạo lực lượng, cơ quan trực thuộc phải tích cực phối hợp thực hiện công tác này. |
Do bên trong rừng sâu thường không có sóng điện thoại nên các tổ tuần tra đã xác định sẵn một số điểm có sóng và cử người đến đó gọi về cấp trên, thông báo tọa độ cho lực lượng cứu hộ. Đồng thời, trong khi chờ lực lượng cứu hộ, tổ tuần tra của lực lượng kiểm lâm sẽ kiểm tra xung quanh, tìm kiếm các luồng bẫy còn lại để tháo dỡ, ngăn không cho các loài động vật hoang dã khác vướng vào bẫy.
Khi nhận tin báo có trường hợp thú rừng bị thương, bộ phận cứu hộ sẽ gấp rút tới hiện trường, phối hợp với các kiểm lâm viên để sơ cứu, cấp cứu các loài thú bị thương. Tùy tình trạng của con vật mà lực lượng chức năng sẽ quyết định thả luôn tại chỗ hoặc mang về trạm cứu hộ để chăm sóc, chữa trị đến khi con thú bình phục rồi mới thả về môi trường tự nhiên (trong trường hợp vết thương nặng khiến con vật không tự đi lại được).
Anh Phạm Minh Phương, chuyên viên Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) cho hay: “Quá trình giải cứu động vật hoang dã phải hết sức cẩn thận vì chúng có bản năng sinh tồn cao, lại bị mắc bẫy, bị thương nên rất hung hăng, có thể tấn công chúng tôi bất cứ lúc nào. Khi đưa về trạm cứu hộ, chúng tôi sẽ kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc, chữa trị, tập cho các con thú thói quen săn mồi, tránh các hiểm họa... trước khi thả về sinh sống trong môi trường tự nhiên”.
* Nghề vất vả, nguy hiểm
Với đặc thù, yêu cầu công việc phải luôn có mặt bất kỳ lúc nào khi có tin báo nên lực lượng cứu hộ luôn duy trì người trực 24/24 giờ, kể cả các dịp lễ, tết. Trong khi đó, Khu bảo tồn lại quản lý một diện tích đất từng rộng lớn lên đến gần 68 ngàn ha đất lâm nghiệp (ngoài ra còn hơn 32 ngàn ha mặt nước hồ Trị An) nên lực lượng cứu hộ thường di chuyển rất xa, có điểm cách trạm cứu hộ hàng chục cây số.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, chuyên viên Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) bộc bạch: “Mỗi dịp cận Tết Nguyên đán như thế này, khi người người, nhà nhà rục rịch chuẩn bị về nhà để đón năm mới, thì những người làm công tác cứu hộ động vật, bảo vệ rừng như chúng tôi vẫn phải căng mình với công việc. Tuy vất vả nhưng khi cứu sống hoặc chữa khỏi bệnh cho một con vật hoang dã, nhìn chúng trở về rừng tự nhiên, chúng tôi thấy rất vui vì đã góp phần nhỏ để bảo vệ hệ động vật sinh thái rừng”.
Các chuyên viên cứu hộ thuộc Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác phối hợp với Hạt Kiểm lâm (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) tái thả 1 cặp don (họ hàng với loài nhím) về môi trường tự nhiên ngày 19-1. Ảnh: Đăng Tùng |
5 năm qua, đã có khoảng 10 lần các kiểm lâm viên tại Khu bảo tồn bị các đối tượng đánh bắt thú rừng trái phép tấn công khi kiên quyết buộc các đối tượng này giao nộp lại thú rừng đã bẫy trước đó. Thậm chí, những đối tượng này còn hung hãn sẵn sàng dùng vũ khí tự chế chống trả quyết liệt khi bị lực lượng kiểm lâm đuổi theo. Cụ thể như đầu tháng 11-2019, trong quá trình truy đuổi nhóm nghi đi săn bắt thú rừng trái phép, 2 kiểm lâm viên: Nguyễn Hữu Quế và Lâm Văn Chiến thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn bị các đối tượng dùng súng tự chế bắn bị thương.
Anh Lê Thanh Hải, kiểm lâm viên (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) tâm sự: “Dù nhiều anh em bị thương, bị sự chống trả của những kẻ săn trộm thú rừng nhưng chúng tôi chưa bao giờ chùn bước. Thậm chí càng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay, việc túc trực, tuần tra càng được tăng cường, nhất là tại các đường mòn, các vị trí được đánh giá là thường có thú rừng bị bẫy. Chúng tôi cũng xây dựng các kênh thông tin từ người dân, từ các lực lượng khác để tiếp nhận tin báo khi có thú rừng bị mua bán trái phép hay xuất hiện các bẫy thú trong khu vực quản lý”.
Nhờ sự tận tình, hết mình bảo vệ động vật hoang dã của những kiểm lâm viên, chuyên viên Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) nên 3 năm qua, đã có hơn 500 cá thể các loài động vật quý hiếm như: cầy vòi hương, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, sóc chân vàng… được thả về môi trường tự nhiên (riêng năm 2020 thả 270 cá thể). Đặc biệt có nhiều loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIB quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đã được thả tại Khu bảo tồn.
Chẳng hạn như ngày 29-12-2020, Khu bảo tồn tái thả một con rắn hổ mang chúa (Naja Kaouthia) nặng khoảng 21kg về môi trường tự nhiên. Hay trước đó, chiều 30-7-2019, Hạt Kiểm lâm liên huyện: Trảng Bom - Thống Nhất và Khu bảo tồn phối hợp tái thả một số động vật hoang dã quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng gồm 1 con cu li nhỏ (Nycticebus Pygmaeus), 4 kỳ đà vân (Varanus Bengalensis) cùng một số động vật quý hiếm khác.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, chuyên viên Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác, tự hào cho biết: “Không chỉ trong địa bàn tỉnh Đồng Nai mà nhiều tỉnh lân cận (tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng), khi lực lượng kiểm lâm tại đó tiếp nhận một số loài động vật rừng sẽ liên lạc với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để tái thả. Vì nơi đây có sinh cảnh rừng rất tốt, phù hợp với nhiều loài động vật hoang dã, đồng thời chúng tôi sẽ căn cứ vào danh lục động thực vật phân bố tự nhiên của Khu bảo tồn mới tiến hành thả để con vật nhanh chóng hòa nhập với môi trường tự nhiên quen thuộc để sinh trưởng tốt hơn”.
Đăng Tùng