Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nghề trông coi nhà đại thể

09:12, 25/12/2020

Trái ngược với hình ảnh tấp nập người ra vào ở khu khám bệnh hay các phòng bệnh, khu vực nhà đại thể (nhà xác) của các bệnh viện lại luôn vắng bóng người, trừ nhân viên canh giữ ở đây.

Trái ngược với hình ảnh tấp nập người ra vào ở khu khám bệnh hay các phòng bệnh, khu vực nhà đại thể (nhà xác) của các bệnh viện lại luôn vắng bóng người, trừ nhân viên canh giữ ở đây.

Ông Tùng đã gắn bó với công việc trông coi nhà xác gần 20 năm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn
Ông Tùng đã gắn bó với công việc trông coi nhà xác gần 20 năm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn

* Nghề giúp người chết

Gần 20 năm nay, ông Võ Thanh Tùng (59 tuổi) gắn bó với nghề trông coi nhà xác. Trước khi làm công việc này, ông Tùng là bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi giải thể phòng bảo vệ, ông Tùng bắt đầu nhận công việc này. “Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, tiếp xúc trực tiếp với các tử thi, tôi cũng rất sợ, nhất là những tử thi bị tai nạn giao thông. Nhưng làm mãi cũng quen, tôi mới gắn bó được lâu” - ông Tùng nhớ lại.

Cái nghề này đặc biệt là vậy! Để gắn bó với nghề, quan trọng là phải có tâm. Với những tử thi chết vì bệnh tật thì giống như nhìn họ đang ngủ, còn những ca tai nạn hay chết đuối, bị giết cắt thành nhiều mảnh một cách tàn nhẫn mới thực sự là nỗi ám ảnh. Bản thân ông Tùng cũng đã từng bị “nhiễm độc” vì mùi của tử thi.

Ông Tùng kể, một lần nhà xác của bệnh viện (bệnh viện cũ) nhận tử thi bị chết đuối và phía công an đang trong quá trình xác minh nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Sau một thời gian, gia đình nạn nhân đến nhận xác để đưa về mai táng; ông Tùng là người trực tiếp mở túi tử thi để gia đình nạn nhân nhận diện. Do tử thi đã để lâu, lại đuối nước nên phân hủy và bốc mùi nồng nặc. “Mở bao ra là hơi lạnh bao trùm, tôi cũng thấy lạnh người. Về nhà, tôi bị cảm sốt khoảng 2-3 ngày” - ông Tùng nói.

47 tuổi, ông Đinh Văn Hưởng mới bắt đầu công việc trông coi nhà đại thể của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Năm nay, ông đã 63 tuổi, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn ký hợp đồng với bệnh viện và gắn bó với nghề. Công việc chung của những người làm nghề như ông Hưởng là quản lý sổ sách, trực tiếp nhận xác từ bệnh viện, xử lý xác (tắm rửa, khâu bộ phận, thay quần áo, đông xác...); đồng thời giúp thân nhân hoàn thành các thủ tục cần thiết và hỗ trợ khâm liệm khi cần. Ông Hưởng cho hay, ông còn liên hệ tổ chức từ thiện hoặc đề xuất trực tiếp đến bệnh viện, các trại hòm để xin hỗ trợ cho các trường hợp gia đình khó khăn, không đủ điều kiện an táng. Ông Hưởng khẳng định: “Công việc này nếu nghĩ đơn giản chỉ là tiếp xúc với chết chóc, máu me. Nhưng điều ấm lòng với chúng tôi là giúp được người chết. Khi giúp được một người sống, niềm vui, hạnh phúc đã rõ ràng, còn tôi thấy mình giúp người chết thì cũng có giá trị riêng của nó dù không phải ai cũng hiểu”.

* Luôn nhẹ nhàng với mọi người

Cảnh tượng mà cả ông Tùng và ông Hưởng đều chứng kiến thường xuyên là sự đau xót, mất mát của các gia đình, nhất là các vụ tử thi bị tai nạn giao thông. Với các trường hợp này, nhân viên nhà xác không được can thiệp mà phải chờ công an thu thập thông tin liên quan. Sau đó, họ mới tắm rửa thi thể, thay quần áo và đưa vào phòng lạnh.

Theo ông Tùng, các trường hợp chết do tai nạn giao thông ngày càng trẻ, có người mới hơn 20, thậm chí mới hơn 10 tuổi. Ông Tùng trầm tư: “Tôi thấy đau xót lắm khi chứng kiến cảnh gia đình nạn nhân đến nhận xác. Cảnh người “đầu bạc tiễn người đầu xanh” khiến tôi luôn thấy lòng mình chùng xuống”.

Hiện ở nhà xác Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, ngoài ông Tùng còn có thêm 2 nhân viên nữa thay nhau trực tiếp phụ trách công việc chăm sóc tử thi. Vì thiếu người nên ban ngày có 2 nhân viên làm việc, còn đêm chỉ có 1 người trực. Cách làm việc là khi nhận được thông báo từ bệnh viện, nhân viên nhà xác sẽ nhanh chóng đến nhận xác về. Nếu không liên quan đến vi phạm pháp luật, người mất sẽ được xử lý theo nguyện vọng của gia đình họ, hỗ trợ hoàn thành thủ tục để giao xác cho người nhà. Trước khi giao cho người nhà, những người như ông Tùng, ông Hưởng đều phải tắm rửa, thay quần áo cho thi thể sạch sẽ.

Chia sẻ thêm về nghề của mình, ông Hưởng nói: khu vực làm việc là nơi thường xuyên vắng bóng người, thường chỉ có người chết và người thân đến nhận xác. Dù vậy, đây cũng là nơi rất “nhạy cảm” vì tiếp xúc với người nhà tử thi trong những trường hợp “đặc biệt”. “Việc giao xác phải theo quy trình và thủ tục, nhiều gia đình không hiểu. Họ nghĩ chúng tôi đòi hỏi, làm khó nên nổi nóng, thậm chí chửi mắng. Nhưng tôi hiểu rằng họ đang phải chịu cảnh mất mát, đau thương nên mình phải nhẫn nhịn, chia sẻ để tránh xảy ra xung đột không cần thiết” - ông Hưởng kể.

Trong cuộc đời hành nghề, nhân viên trông coi nhà đại thể cũng phải đối mặt với tình huống cướp xác. Ông Hưởng cũng đã 1 lần bị người nhà nạn nhân ép vào tường đe dọa để lấy xác đưa về nhà. Còn ông Tùng cũng có lần phải đối mặt với nhóm giang hồ muốn cướp xác, sau trận ẩu đả, nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu và tử vong trước đó. Nhưng theo quy định, nạn nhân vẫn phải được đưa xuống nhà đại thể. Chỉ vài chục phút sau, một nhóm người khá hung hăng xông vào nhà đại thể đòi cướp xác. Theo kinh nghiệm của ông Tùng, trước những tình huống cướp xác hay người nhà đang trong lúc nóng giận thì phải tìm... “kế hoãn binh”. “Mình không nên căng thẳng, tạo thêm xung đột giữa hai bên vì họ thường đi theo nhóm, đông người và hung hãn. Do đó, mình phải đảm bảo an toàn cho cả bản thân mình và người trong bệnh viện. Ngoài thái độ nhẹ nhàng và báo công an, tôi phải tìm cách kéo dài thời gian để công an phường vào giải quyết” - ông Tùng chia sẻ.

* Khó tuyển người thay thế

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có 8 hộc đựng tử thi. Không phải ngày nào, nhà đại thể cũng có tử thi nhưng cũng có ngày nơi này quá tải, nhất là khi tiếp nhận các ca tai nạn tập thể. BS CKI Đặng Văn Phụng, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, khu nhà đại thể chỉ có 3 nhân viên làm việc nhưng 2 người đã sắp đến tuổi về hưu. Thực tế, công việc này không phải ai cũng dám làm nên việc tuyển người cũng rất khó khăn. Bởi việc chọn người phù hợp với công việc này không hề dễ dàng. Tiêu chí là phải có sức khỏe vì làm việc trong môi trường độc hại nhiều. “Môi trường làm việc cũng “nhạy cảm” nên nhân viên nhà xác chỉ cần có lời nói hay hành động không đúng, thái độ không chuẩn mực cũng sẽ làm cho người nhà nạn nhân bức xúc. Khi mất người thân, ai cũng đau xót và khó kiềm chế cảm xúc nên thỉnh thoảng có lời lẽ xúc phạm nhân viên nhà xác. Do đó, người làm công việc này phải thực sự biết chia sẻ và nhẫn nhịn” - BS Phụng nói.

Theo BS Phụng, việc giữ xác phải đảm bảo sự chính xác, không viết bằng giấy mà có mã rõ ràng. Trước đây, nhà xác chỉ có 2 người làm việc. Do vậy, họ gần như không được nghỉ, làm việc liên tục. Vài năm nay, khoa đã tăng cường thêm 1 người để mỗi đêm lại có 2 người thay nhau trực. Nhưng ngày nào có người bận việc gia đình, thì có một người trực tại nhà xác. “Lực lượng như thế đã là... hùng hậu lắm rồi. Trước đây, suốt thời gian dài chỉ 2 người thay nhau trực cả tuần, ròng rã hết tháng này qua năm khác. Điều đó cũng có nghĩa là chỉ một người sống giữa cả chục tử thi được đưa vào đó” - BS Phụng nói.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều