Giữa những bộn bề khó khăn của ngành Du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với tâm huyết của mình, nữ Giám đốc Công ty TNHH Thế giới hoang dã Dương Thị Ngọc Phương (H.Tân Phú) vẫn có những bước chuyển hướng kinh doanh hợp lý để thích ứng với tình hình chung.
Bà Dương Thị Ngọc Phương |
Giữa những bộn bề khó khăn của ngành Du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với tâm huyết của mình, nữ Giám đốc Công ty TNHH Thế giới hoang dã Dương Thị Ngọc Phương (H.Tân Phú) vẫn có những bước chuyển hướng kinh doanh hợp lý để thích ứng với tình hình chung.
Với những thay đổi đó, sau thời gian dài tình hình kinh doanh “tĩnh lặng”, đến nay, điểm du lịch của bà thu hút khách trong nước với các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới hướng tới sự trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe, khám phá bản thân… phù hợp nhiều đối tượng khách hàng về giá cả cũng như những giá trị tinh thần, thể chất, trí tuệ mà du khách nhận được sau kỳ nghỉ tại Khu nghỉ dưỡng Cát Tiên Jungle Lodge của Công ty TGHD.
* Từ đâu bà có ý tưởng này, thưa bà?
- Trước khi xảy ra dịch Covid-19, khu nghỉ dưỡng của tôi đón 90% lượng khách là người nước ngoài. Do đó, khi du lịch quốc tế tạm dừng, tôi đã gặp khó khăn lớn. Trong khoảng thời gian đó, tôi có thời gian tham gia các sự kiện du lịch trong nước nhiều hơn, tìm hiểu xu hướng du lịch của du khách hiện nay. Cùng với những yếu tố không gian thiên nhiên ngay tại bìa rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên rất phù hợp cho các sản phẩm du lịch sức khỏe.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đang rất được ưa chuộng và đánh giá cao ở một số nước như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Do đó, khi đưa ra những sản phẩm này thì tôi cho rằng nó phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà con người đang phải đối diện với dịch bệnh thì sẽ tìm đến sự bình an, sức khỏe tốt.
Một lý do nữa là hiện nay các khách hàng phần lớn làm việc tại các thành phố nên bị rất nhiều áp lực. Đời sống công nghiệp ở các tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Biên Hòa… luôn mang đến áp lực cho con người, vì vậy để tạo được sân chơi, giải tỏa áp lực về trí óc, mang lại những giá trị về sức khỏe, trí tuệ cho người Việt.
* Bà mong muốn điều gì từ các sản phẩm du lịch mới của mình?
- Ngoài giúp du khách có nơi nghỉ dưỡng, chúng tôi còn quan tâm đến vấn đề thực dưỡng cho du khách. Trong thực đơn phục vụ du khách, chúng tôi áp dụng ăn uống sạch, các phương pháp thanh lọc cơ thể qua đường uống để sau những ngày nghỉ dưỡng, du khách có cơ thể khỏe mạnh hơn, nhẹ nhàng hơn.
Đồng thời, với phương pháp trị liệu âm thanh tuy còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng các quốc gia khác như Ấn Độ, Nepal đã có từ nhiều năm. Chúng tôi có đầy đủ khí cụ, cách thức để tổ chức chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe mới lạ và hoàn hảo về chất lượng.
Tôi hy vọng rằng, sản phẩm du lịch mới của mình sẽ góp phần nâng cao giá trị, sự phong phú cho thị trường du lịch Đồng Nai.
Bà Phương đang chia sẻ với du khách cách giải tỏa áp lực bản thân để cân bằng cuộc sống. Ảnh: N.LIÊN |
* Theo bà, tâm lý đi du lịch của người Việt hiện nay như thế nào?
- Hiện nay, người Việt đang tìm hiểu những điểm đến trong nước để trải nghiệm. Khi chọn rừng là điểm đến, khách du lịch chú ý đến vấn đề chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Những hoạt động du lịch gần gũi với thiên nhiên khiến cho du khách có những hoạt động thư giãn, những năng lượng tích cực và bớt đi những đòi hỏi đối với các dịch vụ (karaoke, khu vui chơi sầm uất).
Cùng với những xúc tiến, việc tuyên truyền phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường như hiện nay từ các cơ quan chức năng đã tác động phần nào đến ý thức du khách khi đi du lịch.
* Vườn quốc gia Cát Tiên đã mang về giá trị rất nhiều cho ngành Du lịch và người dân địa phương trong việc phát triển du lịch. Đặc biệt hiện nay vấn đề người dân làm du lịch phát triển khá mạnh ở xã Nam Cát Tiên, theo bà họ cần phải làm gì để môi trường du lịch chuyên nghiệp hơn?
- Những năm gần đây, tại H.Tân Phú, tôi đã khai thác được thuận lợi từ rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, đây là vườn quốc gia được bảo tồn rất nghiệm ngặt, giữ nguyên những nét đặc trưng của rừng nhiệt đới, tạo tiềm năng du lịch lớn cho địa phương. Rừng quốc gia Cát Tiên là một trong những điểm đến của du khách Việt Nam và quốc tế. Đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch tại địa phương.
Người dân Nam Cát Tiên cũng bắt đầu có những đầu tư vào du lịch với những homestay, nhà nghỉ. Phát triển du lịch ở Nam Cát Tiên bắt đầu “nóng” trong những năm gần đây. Nhiều người cho rằng Nam Cát Tiên đang trở thành “phố Tây” ở Đồng Nai vì trước đó, nơi đây phần lớn du khách nước ngoài về tham quan rừng và nghỉ dưỡng.
* Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch của Đồng Nai? Theo bà, thế mạnh du lịch Đồng Nai hiện nay là gì?
- Đồng Nai có những đặc thù mà những nơi khác khó có thể so sánh được. Về tự nhiên, Đồng Nai có hệ thống rừng, thác, hồ đa dạng… đây là điều kiện tuyệt vời để phát triển du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch trải nghiệm không gian thiên nhiên tại Đồng Nai.
Hiện nay, Đồng Nai đã bắt đầu có một số nhà đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng ở những vùng có không gian thiên nhiên trong lành với cảnh quan, khí hậu mà ít nơi có được. Do đó, Đồng Nai đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong thời gian tới.
Đối với Đồng Nai thì tôi cho rằng du lịch sinh thái vẫn là điểm mạnh. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch theo mô hình du lịch sinh thái.
* Theo bà, du lịch Đồng Nai đã phát triển xứng tầm với những tiềm năng của mình chưa? Những hạn chế của du lịch Đồng Nai hiện nay là gì? Đồng Nai cần làm gì để khắc phục điểm yếu đó?
- Tám năm trước khi tôi mới về Cát Tiên, đường sá nơi đây còn rất nhiều hạn chế, đi lại chưa thuận tiện. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đã được cải thiện đáng kể. Tôi được biết, chính quyền địa phương vẫn đang có những phương án đầu tư hạ tầng nhiều hơn nữa trong thời gian tới để tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển, tạo ra những chuỗi liên kết trong phát triển du lịch.
Tôi cho rằng, hạn chế ở Nam Cát Tiên hiện nay là chưa có điểm rút tiền ATM, khách du lịch muốn rút tiền phải đi khá xa ra thị trấn mới có trạm ATM. Do đó, nếu hệ thống ATM được đầu tư tại Nam Cát Tiên sẽ là điều kiện để khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch nhiều hơn.
Trong quá trình làm du lịch, việc tương tác giữa khách du lịch với người nông dân cũng đã được thực hiện khá tốt. Các mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành điểm tham quan của nhiều du khách như: mô hình nuôi tằm, mô hình du lịch vườn…
Theo tôi, để ngành Du lịch phát triển xứng tầm với những tiềm năng của Đồng Nai thì không thể trong một sớm một chiều mà cần có sự chuẩn bị dài hơi, đồng bộ từ người dân, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương trong tương lai. Trong đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông giữa các vùng, miền là rất cần thiết.
* Quay lại với những sản phẩm du lịch của mình, bà có kế hoạch tiếp theo nào trong thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn về chất lượng phục vụ cho khách du lịch, nhất là người Việt, đồng thời có sự điều chỉnh giá dịch vụ cho hợp lý để biến nơi đây là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước, giúp họ được trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe, giải phóng cảm xúc của bản thân sau những ngày làm việc căng thẳng.
* Xin cảm ơn bà!
Ngọc Liên (thực hiện)