Một trong những vấn đề nan giải nhất mà hầu hết các hãng dược đối mặt khi chạy đua phát triển vaccine Covid-19 là làm sao có thể tuyển hàng chục ngàn tình nguyện viên sẵn sàng tham gia các thử nghiệm lâm sàng với một loại dược phẩm chưa được kiểm nghiệm về độ an toàn hay hiệu quả, thậm chí là những tác dụng phụ trên cơ thể người.
Một trong những vấn đề nan giải nhất mà hầu hết các hãng dược đối mặt khi chạy đua phát triển vaccine Covid-19 là làm sao có thể tuyển hàng chục ngàn tình nguyện viên sẵn sàng tham gia các thử nghiệm lâm sàng với một loại dược phẩm chưa được kiểm nghiệm về độ an toàn hay hiệu quả, thậm chí là những tác dụng phụ trên cơ thể người. Hơn nữa, khi dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp, khiến hàng chục triệu người mắc bệnh và hơn 1 triệu người đã tử vong, mọi người được khuyên giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, việc tìm được các tình nguyện viên sẵn sàng “phơi nhiễm” cũng trở nên khó khăn hơn.
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 cho tình nguyện viên tại Jerusalem, ngày 1-11-2020. Ảnh minh họa của THX/TTXVN |
Leila Macor, một cộng tác viên của Hãng tin AFP của Pháp tại Miami (Mỹ) đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về hành trình tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 của Hãng dược Moderna. Cô bắt đầu tham gia thử nghiệm từ giữa tháng 8, rất lâu trước khi Moderna công bố kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine của hãng có hiệu quả ngăn ngừa bệnh 95%. Với Macor, đây là một quyết định khó khăn, được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi cha cô qua đời vì Covid-19 tại Chile trong sự đơn độc giống như bao bệnh nhân phải cách ly khác. Ngay sau khi học được cách sống chung với biến cố lớn của cuộc đời, TP.Miami nơi cô sinh sống lại trở thành điểm nóng dịch bệnh tại Mỹ. Điều này đặc biệt khó khăn với một cộng tác viên báo chí luôn phải ra ngoài, tiếp xúc và “xông trận” bất chấp các nguy cơ lây nhiễm để đưa thông tin kịp thời như Macor. Hơn nữa, cô lại là người có bệnh lý hen suyễn, thứ bệnh nền có thể khiến biến chứng khi mắc bệnh Covid-19 trở nên trầm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định trở thành một trong số khoảng 30 ngàn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của Moderna với ý nghĩ rằng sẽ góp phần nhỏ tìm ra cách để khống chế đại dịch đang làm đảo lộn cuộc sống của thế giới này.
2 ngày sau khi đưa tin về việc khởi động thử nghiệm vaccine Covid-19 tại Florida, Macor trở lại phòng thí nghiệm nhưng với vai trò là người đăng ký tham gia thử nghiệm. Giống như hàng chục phòng thí nghiệm khác trên toàn nước Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Miami cũng phục vụ thực hiện các thử nghiệm với vaccine Covid-19 của cả Pfizer và Moderna. Những người làm việc trong các ngành nghề nguy cơ lây nhiễm cao như: bác sĩ, lái xe taxi, người bán hàng hay phóng viên đều sẽ được chấp nhận tham gia thử nghiệm. Ngày Macor đăng ký tham gia tình cờ là ngày thử nghiệm vaccine của Moderna.
Trước khi bắt đầu, cô được nhân viên phòng thí nghiệm gắn bảng tên, giải thích về những điều có thể xảy ra và đưa cô một tập tài liệu khoảng 22 trang nêu rõ những chi tiết liên quan. Tình nguyện viên được cho dùng 2 liều thuốc và được hỗ trợ 2.400 USD/người trong quá trình tham gia nghiên cứu kéo dài 2 năm. Họ được cảnh báo về những tác dụng phụ của thuốc từ đau mỏi, tới sốt hoặc ớn lạnh.
Khoảng 30 ngàn tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm, một nhóm được dùng vaccine trong khi nhóm còn lại dùng giả dược. Tuy nhiên, không nhóm nào được biết chính xác họ đang được dùng gì, thậm chí cả những y tá tiêm thuốc, chỉ các chuyên gia của Moderna biết nhưng cũng phải tới lúc các dữ liệu được thu thập và phân tích. Khi đang hoang mang vì quyết định tham gia một việc mà mình không thực sự biết rõ, Macor đã nhận được một lời động viên từ người y tá “giả dược cũng quan trọng như vaccine và thử nghiệm luôn cần có một nhóm có thể kiểm soát. Dù sao thì bạn cũng đang làm một việc giúp nhân loại”. Chính lời động viên này đã giúp Macor vượt qua mọi mối hoài nghi và tập trung vào mục tiêu ban đầu.
Macor được lấy máu, thử thai và được lưu ý đặc biệt về việc tránh mang thai khi tham gia thử nghiệm vì những tác dụng phụ của vaccine đối với thai nhi hiện vẫn chưa được xác định. Sau đó 2 y tá bước vào với một liều không rõ là vaccine hay giả dược để trong thùng lạnh. Macor chia sẻ mũi tiêm đầu không hề đau, cô được đưa tới phòng chờ trong 30 phút để theo dõi sau tiêm. Sau đó, Macor được phép rời phòng thí nghiệm với một bọc quà gồm những miếng dán trang trí, một chiếc áo phông và một khẩu trang ghi dòng chữ “Chiến binh Covid” hoặc “Anh hùng Covid”.
Macor được hướng dẫn tải về một ứng dụng để theo dõi nhiệt độ và mọi triệu chứng bất thường. Trở về với mũi tiêm và vô vàn câu hỏi, Macor cố gắng tìm kiếm thông tin về những triệu chứng nhưng vẫn không thể tìm ra câu trả lời. Gần 1 tháng sau, cô trở lại để thực hiện mũi tiêm thứ 2, đau hơn nhiều và còn xuất hiện một nốt mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Cũng như lần trước, cô không thể biết mình được tiêm vaccine hay giả dược.
Tới nay, khi biết rằng vaccine của Moderna cho kết quả thử nghiệm khả quan, Macor vẫn chưa được biết mình đã được dùng giả dược hay vaccine. Nhưng cô cũng dần nhận ra việc tham gia thử nghiệm cũng là một cách để xoa dịu nỗi đau phải chứng kiến người thân qua đời và cuộc sống của mọi người xung quanh đảo lộn vì Covid-19. Với cô, đó dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng cũng là cách duy nhất giúp cô tin rằng mọi người đang làm điều gì đó để chiến đấu với đại dịch này.
TTXVN