Họa sĩ Võ Tấn Thành (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được biết đến là người chuyên vẽ các bức ký họa chân dung về mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ thông qua lời kể của người thân, đồng đội. Từ nét vẽ độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, ông đã góp phần tri ân công lao to lớn của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Họa sĩ Võ Tấn Thành (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được biết đến là người chuyên vẽ các bức ký họa chân dung về mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ thông qua lời kể của người thân, đồng đội. Từ nét vẽ độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, ông đã góp phần tri ân công lao to lớn của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông đến với nghề, chủ yếu tự mình rèn luyện, chứ không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về vẽ ký họa phục hồi từ tư liệu. Làm nhiều, ông chắt lọc kinh nghiệm để tự nâng cao khả năng chuyên sâu của mình, nhờ đó những tấm chấn dung khi hoàn thành có độ giống lên đến 80-90%.
“Hồi sinh” chân dung những người đã khuất
* Ông được biết đến là họa sĩ chuyên phục dựng lại chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ qua hồi ức. Vậy cơ duyên nào đưa ông đến với công việc này?
- Người đã khuất có khi chẳng còn tấm ảnh nào được lưu giữ, ngoài hình ảnh trong ký ức, trong hồi tưởng của người thân, gia đình và bè bạn. Trong đời sống tâm linh của người Á Đông, không gì ám ảnh xé lòng bằng việc người thân mất đi mà không có tấm ảnh nào để thờ phụng, tưởng nhớ. Người cậu ruột của tôi là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi ông ngã xuống nơi chiến trường, không hể để lại bất cứ di vật hay tấm ảnh chân dung nào. Vào ngày giỗ kỵ hằng nằm, mọi người trong gia đình đều đau đáu với sự thiếu sót này.
Dù đã ở tuổi 70, họa sĩ Võ Tấn Thành vẫn muốn đi khắp nơi để giúp đỡ những gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng chẳng may không giữ lại bức di ảnh của người thân trước khi mất. Những lúc như thế, họa sĩ Thành lại thấy đam mê, yêu cái nghiệp cầm cọ, lọ sơn hơn bao giờ hết. |
Tôi bắt tay vào phục dựng ảnh ông qua lời kể từ những người thân trong gia đình, đồng đội. Đến năm 1985 thì hoàn thành, khi nhìn vào bức ảnh, mọi người đều thừa nhận giống đến 70-80% với đời thực. Từ đó, tiếp nối công việc này tôi bắt đầu nghiên cứu và tập trung tư duy để phục dựng hàng ngàn bức chân dung anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng trên mọi miền Tổ quốc.
* Việc vẽ chân dung những người đã khuất, đặc biệt là các chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ mang lại cho ông những cảm xúc gì?
- Có người chỉ nhớ được mái tóc, màu áo người đã khuất hay mặc, có người chỉ nhớ được chân mày, mắt, cằm… Từ những “tư liệu” này tôi đã tổng hợp những đặc điểm đó rồi vẽ lại. Kết quả là với những tấm chân dung phục dựng được thân nhân người đã khuất thừa nhận rất giống nguyên mẫu. Chứng kiến những khoảnh khắc này, lòng tôi dâng trào cảm xúc như khi người thân gia đình mình đón nhận bức chân dung mà tôi đã vẽ cậu mình.
Mỗi tấm chân dung được hoàn thành, tôi xem đó là cách tri ân công lao to lớn của các liệt sĩ đã hy sinh mà không kịp để lại tấm ảnh nào cho gia đình để người thân tưởng nhớ mỗi dịp giỗ chạp, lễ Tết. Và mỗi lần như thế, tôi không chỉ tập trung sức nặng vào giá vẽ, cây bút, mà thẳm sâu từ trái tim mình, mong cho người ra đi và ở lại đều được thanh thản, ấm lòng.
* Với hàng trăm bức chân dung được phục dựng thành công, đâu là tác phẩm để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?
- Đó là tấm chân dung về Anh hùng liệt sĩ Điểu Cải (1949-1969). Ông là người con ưu tú của dân tộc Chơro tại xã Túc Trưng (H.Định Quán) đã dũng cảm bắn rơi máy bay địch và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. 45 năm sau ngày ông hy sinh, bà con nơi đây chưa có tấm ảnh nào của liệt sĩ nên địa phương đã đưa ra ý tưởng phục dựng lại chân dung liệt sĩ để phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống.
Ngay khi nhận được lời đề nghị phục dựng chân dung liệt sĩ Điểu Cải từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Quán, tôi liền bắt tay ngay vào công việc. Ðó là niềm tự hào, là hạnh phúc đối với tôi, bởi không dễ gì được vẽ lại bức chân dung người anh hùng mà từ lâu đồng bào dân tộc Chơro đã xem ông là tấm gương hy sinh cho quê hương. Vẽ một người bình thường đã khó, vẽ người anh hùng mà cả dân tộc Chơro coi trọng còn áp lực hơn. Cảm xúc hoàn toàn khác với những tấm chân dung tôi đã vẽ trước đây.
Họa sĩ Võ Tấn Thành lúc phục dựng chân dung anh hùng Điểu Cải vào năm 2014 |
Ngoài ra, đó là vào năm 2014, khi tôi bắt đầu phục dựng 5 tấm chân dung của các mẹ Việt Nam anh hùng để thực hiện tại lễ truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn TP.Biên Hòa. So với những bức ký họa trước, lần thực hiện này tôi cất công lặn lội nhiều ngày tìm gặp các nhân chứng để thu thập tư liệu. Trong số này, nhiều người bây giờ đã già yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng một vài chi tiết họ đưa ra cũng là “chất liệu” quý để tôi hoàn thành các bức ảnh.
Áp lực và trách nhiệm
* Với “vốn liếng” dày dạn sau nhiều năm vẽ tranh qua lời kể, ông còn cộng tác với cơ quan công an để phác họa hình ảnh tội phạm giúp lực lượng chức năng phá án thành công. Quá trình này được thực hiện như thế nào?
- Cuối năm 1998, đầu năm 1999, dọc quốc lộ 51, đoạn đường thông suốt từ Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu liên tiếp xảy ra trộm cướp và hiếp dâm gây phẫn nộ trong dư luận. Lợi dụng đêm khuya, hung thủ dùng dao đột nhập vào các hàng quán ven quốc lộ 51 để khống chế, đa phần nạn nhân là phụ nữ, rồi cướp tài sản. Trước khi tẩu thoát, kẻ gây án đã hãm hiếp nạn nhân.
Xác định tính chất nghiêm trọng của hàng loạt vụ án, Công an tỉnh quyết bắt bằng được kẻ gây án. Nhưng khi vào cuộc, ban chuyên án đã gặp không ít khó khăn vì chứng cứ, dấu vết hung thủ để lại không có gì đáng ghi nhận, chỉ duy nhất là khai báo của nạn nhân. Nhiệm vụ đặt ra là phải phác thảo được chân dung thủ phạm. Lúc này, tôi được mời phác thảo. Bỏ ra nhiều ngày tiếp xúc với nạn nhân. Khi tác phẩm hoàn chỉnh, nhiều nạn nhân nhìn vào phác họa đã thốt lên giống kẻ gây án đến 80-90%. Sau thành công của chuyên án này, tôi tiếp tục cộng tác với lực lượng công an, giúp phá thành công nhiều vụ án nghiêm trọng, bắt được những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
* Nhiệm vụ này có khác so với khi vẽ chân dung người bình thường hay không, thưa ông?
- Nghiệp vẽ chân dung gắn bó với tôi hơn 30 năm. Từ năm 1999, tôi trở thành cộng tác viên của ngành Công an với nhiệm vụ phác thảo chân dung tội phạm để phục vụ công tác điều tra. Nhiều người vẫn gọi tôi là công an không quân hàm, không cảnh phục. Nhiều tên tội phạm để lại ít dấu vết tại hiện trường nên lực lượng điều tra gặp khó khăn. Khác với người thường, đối tượng gây án không xác định được nhân thân, lai lịch. Khi đó, những nhân chứng hoặc bị hại nhìn được khuôn mặt kẻ gây án kể lại các đặc điểm tóc, khuôn mặt, mắt, mũi, miệng, màu da… là tư liệu đắt giá cho mình phác thảo. Khi hoàn thành, tôi đưa cho họ xem. Bức ảnh nào giống kẻ gây án nhất, tôi sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để họ truy bắt hung thủ.
* Hàng loạt đối tượng gây án sừng sỏ, nguy hiểm đã bị nhận dạng, bị lôi ra ánh sáng và phải trả giá trước pháp luật. Khi thực hiện các tác phẩm này ông có chịu những áp lực nào không?
- Công việc vẽ chân dung tội phạm rất kén người, ngoài năng khiếu, họa sĩ còn phải kết hợp nhiều khả năng như thủ pháp tâm lý khi tiếp xúc với nạn nhân hay kiến thức về giải phẫu học. Công việc đòi hỏi đi lại nhiều, nghe nhiều chuyện thương tâm nên còn đòi hỏi người họa sĩ, chiến sĩ phải có sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng. Vì vậy, dù ở vai trò nào thì việc vẽ chân dung tội phạm không thể thiếu sự dấn thân, quên mình.
Hơn 30 năm tôi gắn bó với công việc vẽ chân dung qua lời kể bằng kỹ thuật chuyên sâu của ngành giải phẫu, tâm lý học và khoa học hình sự. Với khả năng tạo chân dung bằng cách phác họa ảnh bán diện (thông thường các họa sĩ vẽ ảnh trực diện) nên khi hoàn thành bức ảnh đạt độ giống cao từ 80-90%. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, tôi còn tìm tòi nghiên cứu, tự sáng tạo ra cách vẽ tranh ngược trên mảnh thủy tinh, tạo hình đồ vật trong chai lọ… nhằm giúp bản thân thư giãn, cân bằng lại cảm xúc và tinh thần.
* Xin cảm ơn ông!
Hải Dương (thực hiện)