Armand Doucet, Jelmer Evers, Elisa Guerra, TS Nadia Lopez, Michael Soskil và Koen Timmers -
6 ứng viên lọt vào chung kết Giải thưởng Giáo viên toàn cầu "tạo ra một khuôn mẫu tích cực và đầy hy vọng cho tương lai của giáo dục" thông qua một tác phẩm giá trị dành cho mọi giáo viên lẫn các quý phụ huynh quan tâm đến chuyện học hành tương lai của con em mình.
Armand Doucet, Jelmer Evers, Elisa Guerra, TS Nadia Lopez, Michael Soskil và Koen Timmers -
6 ứng viên lọt vào chung kết Giải thưởng Giáo viên toàn cầu “tạo ra một khuôn mẫu tích cực và đầy hy vọng cho tương lai của giáo dục” thông qua một tác phẩm giá trị dành cho mọi giáo viên lẫn các quý phụ huynh quan tâm đến chuyện học hành tương lai của con em mình.
Trong Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thầy cô giáo là tác giả đã “nêu lên các vấn đề khó khăn về đạo đức, nguyên tắc và sư phạm mà giáo dục ngày nay đang đối mặt để sự tiến bộ có thể phục vụ xã hội thay vì phá hủy nó từ chính bên trong các lớp học”. Họ đã “chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về tác động của công nghệ đối với tính chất công việc của họ và các thông lệ tốt nhất để tích hợp thành công những thay đổi này trong lớp học nhằm mang lại lợi ích cho việc học của học sinh”.
Việc thiết kế một hệ thống giáo dục phù hợp với nhu cầu của tương lai có thể “hướng tới việc mở ra một thời kỳ hoàng kim nữa trong giáo dục” - GS Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (2017) đánh giá.
* Câu chuyện dạy học
Với các ví dụ sống động, chân thật từ các giáo viên trực tiếp đứng lớp và có bề dày kinh nghiệm giảng dạy, cuốn sách “tiếp cận toàn diện” giáo dục bằng cách mang đến cho người đọc những câu chuyện mạnh mẽ, nhằm nêu lên những điều mà “cải cách giáo dục còn thiếu sót trước sự thay đổi chóng vánh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
“Dạy học là nghề tuyệt vời nhất thế giới. Ta không chỉ tạo ra sự khác biệt mỗi ngày trong cuộc sống của người khác, mà ta còn dạy cho thế hệ tiếp theo cách thay đổi để thế giới tốt đẹp hơn. Học sinh của tôi liên tục nhắc nhở tôi rằng giải pháp cho tất cả các vấn đề của thế giới đều nằm bên trong niềm đam mê của lớp trẻ. Tôi cảm ơn các em vì đã truyền cảm hứng và làm cho công việc của tôi trở nên rất vui thú” - Michael Soskil (đồng tác giả Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư) chia sẻ. |
Từng tác giả đã tìm ra và giới thiệu các phương pháp sử dụng công nghệ nhằm phát triển việc giảng dạy của họ một cách độc đáo và đầy sáng tạo. Tâm huyết của các thầy cô không gì hơn là “góp phần định hình tương lai tốt hơn cho thế hệ tiếp theo, đồng thời đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có thể hưởng lợi từ những biến đổi đang diễn ra”. Chính vì vậy mà Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư hết sức bổ ích cho bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực giáo dục giới trẻ trong thời đại hôm nay (vốn “không có gì là chắc chắn”).
Lời nói đầu của quyển sách dẫn giải rằng: “Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra, cách chúng ta học hỏi, kiếm tiền, làm việc và sinh tồn chắc chắn sẽ trải qua những thay đổi cơ bản. Nhiều hệ thống giáo dục hiện tại đã ngừng kết nối với các năng lực cần thiết để vận hành trong thị trường lao động ngày nay, và tốc độ thay đổi công nghệ và kinh tế theo cấp số nhân đang có nguy cơ làm gia tăng thêm khoảng cách giữa giáo dục và nhu cầu của lực lượng lao động toàn cầu.
Điều này gây nên những rào cản cho khả năng tạo giá trị của các cá nhân trong hệ thống kinh tế toàn cầu và quan trọng hơn là cho việc nhận biết đầy đủ tiềm năng của họ. Hơn bao giờ hết, điều quan trọng bây giờ là phải tạo ra một hệ thống giáo dục mới có tính tích hợp, nhạy bén, bền vững và kéo dài trọn đời phù hợp với nhu cầu của tương lai. May mắn thay, những phương thức dạy học hoàn toàn mới cũng đã bắt đầu xuất hiện và có thể định hướng cho tương lai”.
* “Giáo dục 4.0 trông như thế nào?”
Câu hỏi lớn: “Giáo dục 4.0 trông như thế nào?” được đặt ra và giải đáp, trong đó có một xác tín: giáo viên sẽ luôn luôn đóng vai trò quan trọng.
GS Klaus Schwab nhận định: “Rõ ràng là chúng ta phải cải cách chương trình giảng dạy của mình để dạy một loạt các tài liệu mới hơn cho thanh thiếu niên và người trưởng thành vì công nghệ đã thay đổi hầu như mọi lĩnh vực. Ngoài ra, khả năng tìm hiểu và sử dụng công nghệ sẽ rất quan trọng đối với học sinh.
Học sinh phát triển kỹ năng qua đọc sách. Ảnh: Thái Song Khê |
Tuy nhiên, học sinh không chỉ phải hiểu biết tốt về thay đổi công nghệ và sử dụng công nghệ mà còn phải phát triển các kỹ năng con người một cách sâu sắc như: khả năng lãnh đạo, trí tuệ cảm xúc xã hội và tư duy phản biện. Nếu sự cạnh tranh đã định hình nền giáo dục của quá khứ, thì sự hợp tác, đồng cảm và tinh thần đồng đội sẽ định hình nền giáo dục của tương lai”.
GS Klaus Schwab còn cho rằng: “Chúng ta cần truyền đạt cho học sinh một tư duy mới linh hoạt và dễ thích nghi trong học tập, một tư duy nhấn mạnh nhu cầu học tập liên tục và suốt đời. Để có được một tư duy như vậy, học sinh phải học cách tò mò về môi trường thay đổi của họ và phát triển sức bật cần thiết để không chỉ quản lý được mà còn thăng hoa nhờ sự thay đổi”.
Chính vì vậy, “tương lai của nội dung giáo dục không phải hoàn toàn là kỹ thuật số hay hoàn toàn là con người mà sẽ là sự kết hợp của cả hai. Điều này cũng áp dụng cho việc giảng dạy. Việc nắm bắt công nghệ như một công cụ hỗ trợ trong lớp học có thể giúp phát triển việc giảng dạy”.
Theo GS Schwab, “những đổi mới trong công nghệ ngày nay cho phép tổng hợp và phân tích dữ liệu để điều chỉnh phương pháp sư phạm theo nhu cầu của từng học sinh và cung cấp phản hồi trong thời gian thực. Chúng giúp giảm đáng kể chi phí, cho phép học sinh từ các khu vực khác nhau hoàn toàn trên thế giới hợp tác trong các dự án, đồng thời tạo ra các nền tảng để chia sẻ các thông lệ tốt nhất trên toàn thế giới. Do đó, giáo viên phải làm việc song song với công nghệ để cung cấp sự giáo dục toàn diện nhằm chuẩn bị học sinh cho tương lai. Chỉ có sự tích hợp có tính chiến lược giữa việc huấn luyện cá nhân và học tập kỹ thuật số mới cung cấp được cả các kỹ năng công nghệ và kỹ năng tập trung vào con người, điều cần thiết để phát triển mạnh mẽ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Ai cũng biết rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng loài người có khả năng “giải quyết các thách thức và nắm lấy các cơ hội mới”. Trong trường hợp của giáo dục, “việc tạo ra một chiến lược thành công để tích hợp công nghệ và giáo dục nhằm đối mặt với những thách thức phía trước cuối cùng sẽ cần đến sự hợp tác hiệu quả giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, doanh nghiệp và xã hội” - GS Schwab viết. Sự thay đổi sẽ mang lại kết quả vô cùng tích cực và con chúng ta rồi sẽ ổn thôi trên bước đường học vấn tương lai.
Y.Thanh