Cách đây 7 năm, TS Phạm Văn Toản là người đầu tiên mang giải nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ (KH-CN) Việt Nam (Vifotec) về cho Trường đại học Lạc Hồng. Từ đó đến nay, anh cùng cộng sự đã liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi liên quan đến KH-CN từ cấp tỉnh đến quốc tế; chuyển giao gần 70 dự án cải tiến cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
TS Phạm Văn Toản |
Cách đây 7 năm, TS Phạm Văn Toản là người đầu tiên mang giải nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ (KH-CN) Việt Nam (Vifotec) về cho Trường đại học Lạc Hồng. Từ đó đến nay, anh cùng cộng sự đã liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi liên quan đến KH-CN từ cấp tỉnh đến quốc tế; chuyển giao gần 70 dự án cải tiến cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Khi được hỏi làm thế nào để đạt được thành công như ngày hôm nay, TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, hãy cứ kiên trì, chăm chỉ, mạnh dạn theo đuổi đam mê, thành công nhất định sẽ theo đuổi bạn.
Lấy cần cù bù thông minh
* Để đến được giảng đường đại học, tiến sĩ từng phải nghỉ ngang khi đang học phổ thông và đi phụ hồ để có tiền trang trải cuộc sống?
- Tôi sinh ra trong gia đình nông dân ở H.Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên năm 1996, khi tôi đang học lớp 11 thì phải nghỉ giữa chừng để theo gia đình vào Đồng Nai làm kinh tế.
Vào Đồng Nai, tôi chưa có điều kiện học tiếp và phải đi làm phụ hồ để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trong quá trình đi làm hồ, tôi gặp một người bạn làm cùng, anh này cho tôi biết anh đang học Trường bổ túc Văn hóa dân chính tỉnh Đồng Nai vào ban đêm. Biết hoàn cảnh của tôi, anh rủ tôi làm hồ sơ đi học cùng.
Do bảo lưu kết quả năm lớp 10 và học kỳ 1 của lớp 11 nên tôi tiếp tục học học kỳ 2 của lớp 11 cho đến khi tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên. Trong khoảng thời gian đi học tại đây, ban ngày tôi vẫn đi làm hồ, phụ giúp gia đình làm mây tre đan xuất khẩu, còn ban đêm đạp xe đi học.
7 năm qua, TS Phạm Văn Toản đã xuất sắc đoạt 2 giải nhì Vifotec; 2 giải nhì, 1 giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; 5 giải nhất, hơn 10 giải nhì, giải ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai; 2 công trình được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018 và 2020. |
* Tại sao tiến sĩ lại chọn ngành cơ điện - điện tử để theo học ở bậc đại học?
- Năm 1999, sau khi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên, tôi thi vào Trường đại học Lạc Hồng. Hồi đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa tốt như bây giờ, việc chọn ngành nghề chỉ theo những người đi trước chỉ bảo hoặc sự yêu thích của bản thân. Tôi nhận thấy Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nên suy nghĩ nếu học ngành kỹ thuật thì sau khi tốt nghiệp sẽ dễ xin việc làm hơn những ngành nghề khác nên chọn học ngành cơ điện tử.
Bước chân vào giảng đường đại học, do điều kiện kinh tế gia đình lúc đó còn khó khăn nên tôi vẫn phải vừa đi học vừa tranh thủ đi làm hồ hoặc làm bất kỳ việc gì để có tiền trang trải học phí.
Xác định mình còn nhiều hạn chế, không được thông minh như một số bạn bè trong lớp, tôi tự nhủ phải luôn chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại. Ngoài học tập ở lớp, tôi tìm đọc thêm nhiều sách chuyên ngành, học hỏi các anh chị khóa trước, đi theo các thầy mày mò học hỏi thiết kế, lắp ráp, gia công…
* Mức lương của một giảng viên đại học thời điểm năm 2004 khá thấp, vì sao thầy vẫn quyết định ở lại Trường đại học Lạc Hồng?
- Khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường (khi đó đang là Phó trưởng khoa Cơ điện - điện tử) đã gọi tôi đến và hỏi xem tôi có muốn ở lại trường làm công tác giảng dạy không. Tôi đồng ý.
Năm 2004, tôi bắt đầu công việc tại Trường đại học Lạc Hồng với chức danh quản sinh, rồi đi dạy một số môn học thuộc lĩnh vực cơ điện, quản lý phòng thí nghiệm. Thời điểm đó, mức lương của tôi dao động từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với lương của công nhân làm việc trong công ty. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định gắn bó với nơi đây bởi tôi nhận thấy ở đây có nhiều điều kiện thuận lợi để tôi thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học.
Đến năm 2010, 1 năm sau khi lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật cơ khí, tôi được bổ nhiệm chức Phó trưởng khoa Cơ điện - điện tử. Từ khi làm quản lý, tôi có điều kiện về thời gian, quản trị và nhiều yếu tố khác để tiếp tục nghiên cứu và thực hiện chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp.
Thành công nối tiếp thành công
* Đề tài đầu tiên mà tiến sĩ và cộng sự chuyển giao cho doanh nghiệp là gì?
- Năm 2013, Công ty TNHH NEC Tokin Electronics (nay là Công ty Tokin Electronics Việt Nam) đã liên hệ với Trường đại học Lạc Hồng để đặt hàng cải tiến một công đoạn trong dây chuyền lắp ráp điện tử tại công ty.
Do là dự án chuyển giao công nghệ đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình thực hiện, tôi và các cộng sự gặp khá nhiều khó khăn. Mặt khác, khi hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi phải bỏ ra một nguồn vốn đối ứng khá lớn để thực hiện cải tiến. Áp lực về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, kinh phí cũng như cơ sở vật chất của khoa khi đó còn nhiều thiếu thốn đã ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của chúng tôi. Sau một thời gian lên ý tưởng, lắp ráp, thử nghiệm tại nhà trường, phía công ty đưa các chuyên gia người Nhật đến để thẩm định. Điểm nào chưa phù hợp, họ sẽ yêu cầu chúng tôi chỉnh sửa. Đến khi đưa vào doanh nghiệp để chạy thử vẫn có những điểm chưa hợp lý nên có những sinh viên phải túc trực trong công ty cả tháng trời để theo dõi, chỉnh sửa, cải tiến máy móc cho phù hợp.
Phải mất 6 tháng, tôi và cộng sự mới có thể chuyển giao thành công dự án công nghệ đầu tiên cho Công ty TNHH Nec Tokin Electronics. Giải pháp này sau đó đã xuất sắc đoạt giải nhì Vifotec Việt Nam năm 2013, giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2013 và nhiều giải thưởng khác.
TS Phạm Văn Toản hướng dẫn sinh viên thực hiện một dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp |
* Trung bình mỗi năm, tiến sĩ và cộng sự thực hiện khoảng 10 dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Có khó khăn gì khi thực hiện các dự án này?
- Sau dự án chuyển giao công nghệ đầu tiên cho Công ty TNHH NEC Tokin Electronics, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết đến Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng và liên tiếp đặt hàng. Mục đích của các dự án này là cải tiến một công đoạn hay một khâu nào đó trong dây chuyền, quy trình sản xuất tại doanh nghiệp nhằm giảm bớt nhân công, sức lực của người lao động mà nâng cao hiệu quả, năng suất.
Dĩ nhiên, không phải dự án nào cũng diễn ra suôn sẻ. Nhiều dự án thất bại, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khiến bản thân tôi mất ăn, mất ngủ, có khi thức trắng đêm để tìm ra nguyên nhân và tìm cách sửa chữa.
* Từ thực tiễn học tập và công tác, thầy có kinh nghiệm gì muốn truyền đạt cho sinh viên của mình?
- Mục tiêu của Khoa Cơ điện - điện tử là thông qua công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sẽ nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm của giảng viên, sinh viên trong khoa. Thực tế thời gian qua cho thấy, có đến 30% sinh viên của Khoa Cơ điện - điện tử đã được các doanh nghiệp Nhật Bản nhận vào làm việc khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường vì đáp ứng được những yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm…
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với sinh viên rằng, học bất kỳ chuyên ngành gì, làm bất cứ công việc gì cũng phải có đam mê. Nếu không quá thông minh, thì phải luôn kiên trì, chịu khó, cần cù, đừng vội nản lòng trước những thất bại, hãy cứ mạnh dạn theo đuổi đam mê với trái tim đầy nhiệt huyết. Thành công sẽ tự khắc đến với những người không bao giờ đầu hàng trước khó khăn.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Hạnh Dung (thực hiện)