Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà giáo già

11:10, 23/10/2020

Trường mầm non của phường nhìn ra hai mặt đường nên có hai cổng, cổng chính ở đường lớn và cổng phụ ở đường nhỏ. Đường nhỏ chính là đường dẫn vào khu dân cư sau trường. Nhà của Vân nằm đối diện với cổng phụ trường mầm non.

Truyện của Nguyễn Thái Hải

Trường mầm non của phường nhìn ra hai mặt đường nên có hai cổng, cổng chính ở đường lớn và cổng phụ ở đường nhỏ. Đường nhỏ chính là đường dẫn vào khu dân cư sau trường. Nhà của Vân nằm đối diện với cổng phụ trường mầm non.

Bà ngoại của Vân vốn là một nhà giáo đã về hưu nhiều năm. Ông ngoại bị bệnh đã mất từ trước khi bà nghỉ dạy. Ông bà ngoại chỉ có một mình má Vân nên sau khi ông ngoại mất, má Vân đã mời bà ngoại về ở chung. Nhờ vậy, chị em Vân có cơ hội được bà ngoại kèm cặp học tập.

Mặc dù ba má Vân đã nói bà ngoại cứ nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng ngoại bảo: “Ở không, buồn tay buồn chân lắm, lại thấy mình như người thừa, má không chịu nổi đâu. Để má tìm việc gì đó làm cho vui”. Rồi ngoại của Vân lấy căn phòng nhỏ làm thêm ngoài khoảng sân vốn là nơi để xe trước phòng khách để mở cửa hàng bán bánh kẹo, đồ chơi cho đám trẻ đi học trường mầm non. Vốn là nhà giáo, ngoại hiểu tâm lý học trò, lại vốn là người vui vẻ, hòa đồng nên không những lũ trẻ mà cả các phụ huynh, ông bà đi đón cháu cũng yêu mến, thường ghé vào mua quà.

***

Đầu năm học mới, trường mầm non có sự thay đổi. Trường có hai bảo vệ, một người trực cổng chính, một người trực cổng hông (cổng phụ). Bác bảo vệ cổng hông xin nghỉ từ cuối năm học trước vì sức khỏe kém. Thay bác là một chú bảo vệ trạc tuổi ngoài bốn mươi, ngang tuổi với má Vân. Vân được biết chú tên là Phước.

Chú Phước làm được một tuần thì có chuyện.

Trong tuần lễ đầu tiên, chú vẫn làm mọi việc theo nếp cũ. Bốn giờ chiều chuông reo tan học, cổng chính được mở thì cổng hông cũng được mở. Ngoài cổng, số phụ huynh dừng xe đứng chờ lần lượt theo nhau vào sân trướng đón con em. Đa số họ đều là dân trong khu dân cư sau trường. Khá nhiều người ra khỏi cổng hông sau đó đã ghé qua cửa hàng của bà ngoại Vân mua bánh kẹo, chai nước hay món đồ chơi nhỏ cho con cháu mình.

Nguồn: internet
Nguồn: internet

Buổi chiều đầu tuần lễ tiếp theo, phụ huynh vẫn đứng đợi khá đông ngoài cổng hông trường mầm non. Bốn giờ chiều chuông đổ. Cổng chính đã được mở nhưng cổng hông vẫn đóng. Nhìn thấy chú Phước đứng giữa sân trường một cách thảnh thơi, một phụ huynh lên tiếng gọi chú ra mở cổng. Chú chậm rãi bước đến phía sau cánh cổng.

- Mở cổng cho chúng tôi vào đón cháu đi chứ! - Một người ông sốt ruột nói.

Chú Phước lắc đầu đáp trả:

- Từ nay cổng hông chỉ mở buổi sáng còn buổi chiều không mở nữa. Mời các ông bà vòng qua cổng chính đón con em về...

- Sao lạ vậy? Trước nay vẫn mở cổng này vào buổi chiều mà!

- Dạ, đây là lệnh của ban giám hiệu ạ!

Nói rồi, chú Phước quay về giữa sân trường, đứng một chút xíu thì lững thững đi về phía sau cổng trước. Mọi người đành phải chạy xe vòng qua cổng trước để đón con em mình.

***

 

Việc đóng cổng hông của chú Phước kéo dài ba ngày.

Đi học về, Vân hỏi bà ngoại:

- Mấy ngày nay ngoại bán hàng thế nào? Có bị ế không hả ngoại?

Bà ngoại cười móm mém:

- Phụ huynh đón con em ở cổng trước vẫn ghé nhà mình mua quà bánh rồi mới về nhà trong khu dân cư. Ngoại có bị ế ẩm gì đâu, con đừng lo...

- Con thấy việc đóng cổng này có gì khó hiểu ngoại à...

- Khó hiểu hay không thì chưa biết. Nhưng nó vừa làm phiền phụ huynh, vừa khiến cho phía cổng trước bị dồn người. Hay là trường sắp thay cổng hông bằng hàng rào? Thế nào ngoại cũng sẽ qua trường hỏi cho biết...

Ngay sáng hôm sau, ngoại của Vân vào trường để hỏi ban giám hiệu sao lại ra lệnh không mở cửa hông buổi chiều. Cô hiệu trưởng ngạc nhiên nói:

- Tụi con đâu có ra lệnh như vậy!

Có nghĩa là chú Phước tự ý làm, lại còn dám đem ban giám hiệu ra “hù dọa” phụ huynh. Cô hiệu trưởng hứa sẽ làm việc với chú bảo vệ mới.

Ngay chiều hôm đó, cổng hông lại được mở lúc bốn giờ. Nhưng chỉ mười phút sau thì nó lại bị đóng! Nhiều phụ huynh chạy xe vào từ cổng hông nhưng phải đi ra từ cổng chính. Họ cằn nhằn chú Phước nhưng chú im lặng, lảng tránh. Qua chiều hôm sau nữa thì mọi người thấy chú Phước vui vẻ mời họ ra mua quà bánh cho con, cháu ở cái bàn “tạp hóa” của cô em chú bày ngay phía ngoài phòng bảo vệ cổng trước!

Vân nói với ngoại:

- Vậy là rõ rồi. Chú Phước không muốn mọi người mua quà bánh của ngoại mà phải mua hàng của người nhà chú ấy!

Ngoại cười hiền từ:

- Thôi con à. Khách của ai nấy bán. Chắc người thân của chú ấy gặp khó khăn trong cuộc sống, cần có thêm thu nhập để lo cho gia đình. Con đừng trách và cũng đừng suy nghĩ về chuyện này nữa nhé!

Vân rất nể phục ngoại. Nhưng nó không thể không nghĩ đến hành động của chú Phước. Từ ấy, Vân gặp chú Phước, nó chỉ gật đầu chào chứ không chuyện trò gì với chú như thời gian đầu nữa.

***

Một buổi chiều khi chú Phước ra đóng cái cổng hông sau mươi phút mở, ngoại của Vân từ bên cửa hàng bước qua gặp:

- Chú Phước này, chú cho tôi nói chút chuyện được không?

Chú Phước nể ngoại nên đành phải gật đầu:

- Dạ được. Bác có gì cứ nói ạ!

- Thế này nhé. Tôi biết chú tự ý đặt ra cái lệ buổi chiều chỉ mở cổng này mười phút rồi đóng. Ban giám hiệu không quy định như thế và cũng chưa có ai phản ánh nên chú mới làm theo ý mình được. Mà chú làm như thế chỉ vì muốn cô em bán được hàng ở cổng trước phải không?

Chú Phước đỏ mặt không nói được gì. Ngoại lại tiếp:

- Tôi nói với chú là vì muốn các phụ huynh đón con em họ được thuận lợi hơn thôi. Với lại cổng trước sát đường lớn, xe ra vào đông dễ xảy ra tai nạn với xe lưu thông trên đường, nguy hiểm lắm. Tôi nói hoàn toàn không phải để giải quyết việc buôn bán cạnh tranh đâu, chú đừng hiểu thế mà tội nghiệp tôi. Chú biết mà, tôi bán hàng chỉ để có thêm đồng bạc mua quà cho các cháu, chứ ba má con Vân đã lo cho tôi đầy đủ, chẳng thiếu gì từ cái ăn tới cái mặc. Mà chú thấy không, khách quen của tôi họ cũng vẫn vòng từ cổng trước qua nhà tôi mua hàng như trước giờ... Tôi đề nghị với chú thế này, chú cứ để cổng buổi chiều như trước cho phụ huynh họ vào ra đón con em. Việc buôn bán thì khách ai nấy bán... Chú nghĩ sao?

Chú Phước đưa tay gãi đầu, nói lí nhí: “Dạ...”.

Khi ngoại về, Vân nói:

- Việc chú Phước con nghĩ là ngoại chỉ cần nói thẳng với cô hiệu trưởng là được...

- Con không sai. Nhưng nếu làm như thế thì chú ấy sẽ gặp rắc rối, có thể bị mất việc không chừng. Ngoại biết nhiều phụ huynh cũng nghĩ như thế nên chưa ai báo với nhà trường. Nhưng họ cũng không tiện nói với chú Phước... Ngoại nói với chú ấy là tốt nhất.

- Con hiểu rồi ạ!

Một lần nữa, Vân nhận ra tấm lòng nhân ái của bà ngoại.

***

Ngoại của Vân đã thành công.

Ngay buổi chiều hôm sau đó, cổng hông trường mầm non được mở và chỉ đến khi học trò được đón về hết mới đóng lại. Khi chú Phước ra đóng cổng, ngoại của Vân lại qua gặp chú:

- Tôi bàn thêm với chú thế này nhé. Chú bảo em gái qua gặp tôi. Tôi và cô ấy sẽ thương lượng để cô ấy chọn lựa bán mặt hàng nào thì tôi sẽ không bán mặt hàng ấy nữa. Như vậy cô ấy sẽ độc quyền và khách quen của tôi sẽ mua của cô ấy... Hai bên xem như một... Đây chỉ là đề nghị của tôi thôi, còn tính sao thì do cô ấy quyết định...

Chú Phước đứng im không biết nói gì. Rồi mắt chú đỏ lên, chớp chớp, ứa ra hai giọt nước trong như ngọc lăn trên hai gò má sạm nắng...

20-11-2019 

Tin xem nhiều