Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình sử đất Biên Hòa và tấm gương sĩ khí vằng vặc trăng thu

04:10, 02/10/2020

Lời Tòa soạn: Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) quê ở tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc TP.Cần Thơ). Ông học giỏi, có ý chí, đỗ đầu kỳ thi hương năm 1835, nên được tôn danh là Thủ khoa Nghĩa.

Lời Tòa soạn: Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) quê ở tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc TP.Cần Thơ). Ông học giỏi, có ý chí, đỗ đầu kỳ thi hương năm 1835, nên được tôn danh là Thủ khoa Nghĩa. Ông là một vị quan thanh liêm, chính trực, một nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng của miền Nam cuối thế kỷ XIX. Cuộc đời, sự nghiệp của ông còn gắn với một người phụ nữ hiền thục, đoan hạnh, tiết liệt ở Biên Hòa. Mối tình của ông bà đã trở thành biểu tượng đẹp của tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, tiếng thơm đi vào văn chương, sử sách.

Quang cảnh mộ ông Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Quang cảnh mộ ông Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

* Chuyện tình đẹp bên dòng Phước Long Giang

Người trai trẻ họ Bùi, tên Hữu Nghĩa, quê miền sông nước Hậu Giang, thông minh sáng dạ nhưng học hành lỡ dở do gia cảnh khó khăn. Người cậu ruột quen biết ông hộ trưởng Nguyễn Văn Lý ở Biên Hòa, nơi có thầy đồ Hoành hay chữ nên gửi cháu lên đó trọ học.

Ông hộ trưởng có người con gái lớn tên Nguyễn Thị Diệu, tục gọi là Tồn, tuổi vừa đôi tám, nết na, nhan sắc. Chàng trai trẻ đã hòa nhập nhanh chóng vào gia đình ông hộ trưởng giàu lòng nhân ái. Đôi trai tài gái sắc bén duyên nhau như lẽ tự nhiên. Sớm mồ côi cha mẹ, trong sự chăm sóc của cô gái, chàng trai cảm nhận như có hơi ấm của bàn tay má thân yêu. Chiều chiều, đứng bên bờ Phước Long Giang nhìn dòng nước thong thả trôi về phía biển, chàng không khỏi nao nao nhớ quê nhà. Nỗi nhớ quê hương cùng với tình yêu của người con gái thảo hiền càng tiếp thêm động lực cho chàng dùi mài kinh sử, chờ ngày ứng thí.

Thầy đồ Hoành hay chữ, yêu cậu học trò sáng dạ, siêng năng, ông còn truyền cho học trò khí phách đấng nam nhi, yêu nước, thương dân, trọng nghĩa, khinh tài, bất khuất trước cường quyền áp bức. Những năm tháng học tập này ảnh hưởng suốt cả cuộc đời sau này của Bùi Hữu Nghĩa.

Nhưng rồi gần đến ngày mở khoa thi, chàng trai lâm bệnh nặng. Cô thôn nữ tận tình chăm sóc, động viên chàng ráng vượt qua bệnh tật, chờ kỳ thi sau. Một cuộc biến loạn nổi lên tại địa phương, kỳ thi tiếp theo cũng phải đình lại. May mà biến loạn được dẹp yên, kỳ thi sau đó được mở. Bùi Hữu Nghĩa ứng thí và đoạt Giải nguyên (Thủ khoa) kỳ thi Hương năm Ất Mùi (1835) trường thi Gia Định. Tiếng thơm dậy đất gần xa, mang lại vinh dự cho cả hai nơi: Vĩnh Long quê hương và Biên Hòa nơi đào tạo, nuôi dưỡng.

Bùi Hữu Nghĩa tiếp tục trẩy kinh ứng thí Hội, Đình. Nhưng đường lên kinh xa đằng đẵng, sĩ tử chen chân mà phận danh hiếm hoi mưa móc. Xứ Nam bộ cho đến bấy giờ và mãi về sau này chỉ có một Phan Tiến sĩ. Bùi Cử nhân được đưa vào tập sự ở Bộ Lễ (bổ nhiệm tạm thời chức Hành tẩu Bộ Lễ). Được một thời gian, Bùi Hữu Nghĩa được rời Bộ Lễ, bổ nhiệm Tri huyện Phước Chánh, thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa.

Công đã thành, danh đã toại, như một kết thúc có hậu của các truyện xưa, Thủ khoa họ Bùi sánh duyên Châu Trần với ái nữ Bạch Đàm Hộ trưởng Nguyễn tộc danh giá làng Mỹ Khánh. Nguyễn Thị Diệu thành bà Thủ khoa Nghĩa. Họ đã có những tháng ngày mặn nồng hương lửa trong ngôi nhà nhỏ bên dòng Phước Long Giang êm đềm.

* Tấm gương sĩ khí

Ngoài ba mươi tuổi, một chức quan nhỏ (tri huyện), bước đầu để Bùi Hữu Nghĩa thi thố tài năng, dốc lòng “trí quân, trạch dân”. Dân lành Phước Chánh được nhờ vì có một vị quan sáng suốt “thiết diện vô tư”, thương dân.

Nhưng không lâu sau, Bùi Hữu Nghĩa phải đổi về miền biên viễn làm tri phủ Trà Vang thuộc tỉnh Vĩnh Long (tức Trà Vinh bây giờ). Thời đó, đất miền biên viễn nhiều ngược ngạo, hoang dã. Bản tính cương trực, bất khuất, trọng nghĩa khinh tài của vị quan trẻ Bùi Hữu Nghĩa đã va đập dữ dội với nạn tham quan ô lại, ỷ thế cường quyền bức hiếp dân lành ở đây.

Tên công tử con quan huyện, em vợ quan Bố chánh Truyện (quan trên của tri phủ Bùi Hữu Nghĩa) lâu nay hoành hành ngạo ngược ở miền này. Một lần hắn qua cửa phủ quen thói bất chấp kỷ cương phép nước, nghênh ngang không xuống ngựa, không lột nón theo quy định. Quan tri phủ Bùi Hữu Nghĩa đã thẳng tay trừng trị, sai lính nọc ra đánh mười hèo giữa công đường và còn bồi thêm 5 hèo “gửi về nhà cho quan Bố chánh”(!) vì không biết dạy dỗ con cháu. Bùi Hữu Nghĩa đã thay mặt nhân dân cảnh cáo Bố chánh Truyện và bè lũ của y. Tên công tử vô lại bị một phen bẽ mặt. Bà con trong vùng hả dạ.

Bố chánh Truyện giận bầm gan tím ruột. Nuôi thù oán nhỏ nhen, hắn toa rập với tên Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long quyết ra tay hại Bùi Hữu Nghĩa khi có dịp.

Và dịp đó đã đến. Sử sách và dân gian kể lại: Để đền đáp công lao đã giúp đỡ mình lúc khởi nghiệp, từ năm 1802, vua Gia Long hạ chiếu cho thổ dân Khmer được khai thác con kinh Láng Thé và hưởng mọi nguồn lợi thiên nhiên ở đây. Bấy giờ, có một người Hoa kiều giàu có thấy Láng Thé có nguồn lợi thủy sản rất lớn, liền rắp tâm chiếm đoạt. Y bỏ tiền lo lót Bố chánh Truyện và Tổng đốc Vĩnh Long Trương Chí Uyển xin vô khai thác vùng Láng Thé. Hai tên quan tham được của đút lót liền chấp nhận.

Tên Hoa kiều liền đem theo đám tay chân đến Láng Thé ngăn sông, cất vó, làm nò, đặt lợp, đóng đáy… tận thu thủy sản, lấn át hầu hết quyền lợi của người dân Khmer trong vùng. Bất bình, phẫn nộ, những người dân Khmer kéo lên huyện đường hỏi ý kiến quan tri phủ.

Sau khi tra xét sự việc, Bùi Hữu Nghĩa đã dõng dạc trả lời dân chúng: “Khoảng rạch Láng Thé, vua đã hạ chiếu cho người Thổ (Khmer) ở đó được hưởng, nếu ai nhỏ hơn vua mà đứng ra bán rạch cho kẻ khác thì dù có chém đầu họ cũng không hề gì”. Đây là một phán quyết tỏ rõ lòng trung quân và rất dũng cảm. Những người Khơmer sau khi hỏi ý kiến quan tri huyện, liền tự phát hành động đòi lại quyền lợi của mình. Họ triệt phá hết các phương tiện bắt cá của tên Hoa kiều trên dòng kinh. Một cuộc xung đột xảy ra. Tên Hoa kiều và đám tay chân của y đã bị những người Khmer giết chết.

Chuyện lớn xảy ra! Bố chánh Truyện và Tổng đốc Vĩnh Long Trương Chí Uyển là thủ phạm, đầu mối gây ra chuyện này, nhưng chúng lại lấy thế quan trên, dâng sớ về Kinh vu cho Bùi Hữu Nghĩa đã kích động, xúi dục người Khmer ở Láng Thé làm loạn và giết người. Vua Tự Đức nghe theo lời sàm tấu của lũ gian thần hung ác, châu phê ngay án tử hình Bùi Hữu Nghĩa.

* Vợ cứu chồng khỏi nỗi oan khiên

Nỗi oan khiên ngút trời giáng xuống đầu quan tri phủ thanh liêm, trung chính. Mạng sống của Bùi Hữu Nghĩa chỉ còn ngày một ngày hai, trong khi kẻ thủ ác nhởn nhơ tiểu nhân đắc chí.

Đền thờ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại TP.Cần Thơ
Đền thờ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại TP.Cần Thơ

Nhưng trời chưa triệt hết đường người nghĩa khí. Nguyễn Thị Diệu đã không từ nguy nan, thân gái dặm trường lặn lội ra Huế kêu oan cho chồng. May mắn bà được vị quan lớn khả kính Phan Thanh Giản quê gốc Vĩnh Long giúp đỡ, thảo giùm sớ dâng vua và chỉ cho đường đi nước bước. Một hồi trống kêu oan thanh động chốn cung đình buổi sớm. Lời kêu oan của bà đã đến được chốn ngàn trùng. Vua giao Bộ Hình thẩm định vụ án và Bùi Hữu Nghĩa được tha tội chết nhưng phải chịu “quân tiền hiệu lực” để “đoái công chuộc tội”(!?). Bà Nguyễn Thị Diệu (Tồn) cũng được Thái hậu ban thưởng bốn chữ vàng Tiết phụ khả gia.

Ra khỏi nhà lao, Bùi Hữu Nghĩa ngay lập tức bị đày làm lính ở đồn biên giới Vĩnh Thông thuộc tổng Châu Phú (Châu Đốc). Và ông mãi mãi không được gặp lại người vợ hiền, can đảm, bởi trên chuyến ghe bầu vượt biển trở về bà đã gặp nạn, lâm bệnh mất khi trở lại quê hương.

Tin đau đến bàng hoàng, tê dại. Bùi Hữu Nghĩa trút nỗi lòng vào những câu văn tế vợ thống thiết: “Gương ân ái không mài mà lẻm lẻm, người ta mặn nồng chồng vợ, bao đành dứt mối tình duyên; Ngựa quang âm không dậm bỗng đùng đùng, người ta mắc cuộc tai nàn, sao nỡ dứt đường sinh tử”. Cuộc đời đã cho ông một người vợ “Tính đúc sen vàng/ Lòng không đen bạc”; “Ở với mẹ trọn niềm hiếu hạnh, chiều lòng theo luân lý anh em. Lúc theo chồng kết nghĩa xướng tùy, đẹp đẽ láng giềng chú bác”. Nàng còn can đảm, thông minh, tháo vát đã cứu ông khỏi nỗi oan khiên chất ngất. Ông nợ nàng cả một cuộc đời mà không thể nào báo đáp: “Ngã chi bần, khanh độc năng trợ; ngã chi oan khanh độc năng minh, triều quận công xưng khanh thị phụ/ Khanh chi bệnh, ngã bất đắc dưỡng; khanh chi tử ngã bất đắc táng, thế gian ưng tiếu ngã phi phu”. Dịch: “Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng.”                                                               

 Phước Long Giang

Tin xem nhiều