Nhiều người đã nói: thời tiết ngày càng cực đoan và khắc nghiệt. Những người chịu khó ghi nhận sự thay đổi của nắng mưa chừng hai mươi năm qua sẽ nhận ra sự khác biệt khá rõ. Càng nhìn xa hơn, càng thấy đậm nét.
Nhiều người đã nói: thời tiết ngày càng cực đoan và khắc nghiệt. Những người chịu khó ghi nhận sự thay đổi của nắng mưa chừng hai mươi năm qua sẽ nhận ra sự khác biệt khá rõ. Càng nhìn xa hơn, càng thấy đậm nét. Như tôi, chỉ cảm nhận qua những mùa mưa của quê hương Đồng Nai cũng đã thấy sự thất thường hiển hiện…
Trẻ em tắm mưa (hình minh họa). Nguồn: internet |
Gần bốn mươi năm trước, tôi theo ba tôi đi khai hoang ở H.Tân Phú; khu vực đó bây giờ thuộc xã Phú Thịnh, từ Tà Lài đi vào gần chục cây số, rồi đi theo đường be vào vài cây số nữa. Nhà tôi nhìn ra mấy ngọn đồi, khi đó cây cối vẫn còn nhiều; người đi đốn gỗ hầm than hay đi rừng lấy măng cũng sống được. Leo lên gác, tôi còn nhìn rõ người ta đốn gỗ rồi thả lăn theo những con đường mòn từ đỉnh đồi xuống, lúc trời lặng thì tiếng vọng đến vài cây số.
Mùa mưa, nước như trút từ trên trời xuống, lắm khi kèm theo gió quăng quật. Những ngọn đồi cao và to trước mắt đã như biến mất trong màn mưa dày đặc. Có những hôm, gió như tràn qua đỉnh đồi rồi xuống vùng thấp trũng, không muốn tan đi, cứ gào thét, cuống quýt. Ngôi nhà gỗ lợp tranh thuộc hàng kiên cố của gia đình tôi cứ lắc lư, những tấm tranh dù đã được nẹp kỹ nhưng cứ rung lên như chực cuốn theo cơn gió mạnh. Vách gỗ bị nước tạt ướt sũng, anh em chúng tôi lật đật cuốn mền gối dời tới dời lui để khỏi ướt…
Những cơn mưa rừng kéo dài hàng tiếng đồng hồ, ngưng một chút rồi lại tiếp tục, lắm khi ngày này qua ngày khác, rất đúng với một bài tập đọc hồi tiểu học mà đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc: “Mưa rả rích suốt đêm ngày. Mưa tối tăm mặt mũi. Mưa thối đất thối cát. Trận này chưa qua trận khác đã tới. Ráo riết, hung tợn hơn. Tưởng như biển có bao nhiêu nước, trời hút lên đổ xuống đất liền…”. Khi mưa đã tạnh, vẫn nghe tiếng thác nước đổ từ các con suối cách đó nhiều cây số, ầm ì, ầm ì…
Mưa tan, nước ở đường be ngập lút. Rẫy nhà tôi như trở thành ruộng. Cứ mỗi lần như vậy, đám bắp lại ngả nghiêng, các bụi chuối ở đầu rẫy như bị đẩy lệch về một phía. Đất sũng nước như giẽ lại, đi phải bấm các ngón chân xuống, không thì bị trượt. Sau mỗi cơn mưa, người ta đi bán nhiều hơn các loại: cá rô, cá sặt, ếch nhái, cua đồng…, họ bắt từ các con suối, từ các bàu trong vùng. Mẹ tôi hay than: “Mưa không làm gì được mà cứ đói bụng hoài”…
Gần ba mươi năm trước, gia đình tôi chuyển đến sống ở vùng Định Quán. Nơi này xa rừng, xa suối. Nhưng mưa thì vẫn như cũ. Từ cuối tháng hai âm lịch, mùa mưa đã bắt đầu. Sau vài trận mưa, người làm nông trong vùng lục tục lo cuốc đất tỉa bắp, đậu. Bám theo thời tiết nên nhà nào cũng phải làm, khó có thể đổi công cho nhau, nên lắm khi phải huy động trẻ con cùng tham gia, nhất là với các công việc nhẹ như lấp lỗ, nhỏ cỏ. Người làm công nhật cũng đổ về rất nhiều. Sáng sớm, ở chợ Tân Phú (cây số 125, vẫn được gọi là “chợ Hăm lăm”) hay các ngã ba ven quốc lộ 20 mà người trong vùng gọi là “Hai mươi”, “Hai mươi rưỡi”, “Hăm mốt”…, người đi làm công từ Phương Lâm, Ngọc Lâm đạp xe đến từ tờ mờ sáng. Chủ rẫy nào có nhu cầu cứ ra đó gọi. Những người làm thuê này siêng năng, chịu khó; họ xách theo cơm để ăn buổi trưa, trong chiếc cà mên thường có vài thức ăn như cá khô, rau luộc, trái chuối… Lúc này, rừng đặc dụng giá tỵ vốn đã rụng trụi lá, trơ cành đã bắt đầu nhú những chồi non mơn mởn…
Qua những cơn mưa còn khá thưa vào đầu mùa, người làm rẫy tranh thủ xạc cỏ, bỏ phân, dặm giống… Đến khi thu hoạch vụ một (trong ba vụ của năm), mưa bắt đầu dày. Từ sau “hạn bà chằn” (tháng bảy âm lịch) thì đến những tháng mưa ngâu. Lại những cơn mưa trắng trời trắng đất. Những người hái mãng cầu tranh thủ lúc ngớt mưa hái vội, để cho ráo rồi xếp vào các giỏ, các bội, ì ạch đẩy xe thồ trên các con đường be đầy nước. Người lái, người đẩy, lắm khi chiếc xe ngã oạch giữa vũng nước, trái bị bầm, thế nào cũng có tiếng xuýt xoa: “Lại bị dạt nữa rồi”…
Có những ngày ngồi nhà nhìn mưa thôi, vì chờ mãi không thấy mưa tạnh. Mẹ tôi lại than thở: “Mưa hoài, đồ giặt không khô, hết củi chắc rút vách mà chụm!”. Còn ba tôi hay kể chuyện ngày xưa, thời mỗi lần mưa thì chịu cảnh hết gạo hết củi, nhà dột cột xiêu. Bấy giờ, dù không lo củi gạo, dột xiêu nhưng cả nhà lại lo những khu rẫy trũng bị ngập nước, thuốc lá mới trồng chắc chết, mãng cầu chắc chín đầy trên cây, hay e rằng lại sạt mấy bờ đá, cả nhà lại mất công xếp lại…
Đến tháng chín, sông La Ngà đã ngập các bãi vốn được người ta trồng tỉa như các đám rẫy vào mùa khô. Các nhà bè nuôi cá dạt vào các bờ, chứ không còn túm tụm ở giữa dòng như mấy tháng trước. Dòng nước đục ngầu nhưng hiếm khi nghe nói ai đó bị chết cá, thời đó những nhà máy ven sông còn chưa mọc lên…
Rồi tôi đi xa, không sống thường ở quê nữa. Nhưng tôi vẫn thường về và thích trở lại công việc vườn tược như thuở thanh niên. Bây giờ, không còn những mùa mưa như ngày trước. Mưa đến khá muộn, có khi đến đầu tháng tư âm lịch mới có vài cơn mưa đầu mùa, khiến trời nóng hầm hập. Người ta cũng không còn nói nhiều đến “hạn bà chằn” nữa bởi những ngày nắng khô giữa mùa mưa diễn ra thường xuyên. Còn mưa thì đã hết ngâu, bởi hiếm khi có những đợt mưa nặng hạt dài ngày như trước. Sông La Ngà đến tháng sáu âm lịch vẫn còn cạn sát đáy, các bè cá (giờ đã nhiều hơn) lại chen nhau trong dòng nước đục. Đến tháng chín mà nước chỉ mới lên được một chút. Năm nào mưa khá, đến gần tết thì nước tương đối đầy nhưng lại rút đi nhanh, không còn cảnh nước dềnh cao sát bờ như xưa nữa.
Ở rẫy, rất hiếm khi còn cảnh mưa ngập đường, ngập đất. Nhưng ở các khu dân cư thì lại thường xảy ra “ngập lụt”, không phải do mưa lớn, mưa dầm mà do nước không còn chỗ thoát. Ta vẫn nghe nói Trái đất nóng dần lên, có lẽ chính những người làm ruộng rẫy thấy rõ điều đó khi mùa nắng kéo dài, mưa ít hơn mà lại rất thất thường, thời tiết trở nên nóng bức…
Nhớ mùa mưa của những ngày xưa...
Hải Minh