Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến: Tôi muốn đưa gốm Biên Hòa đi xa

09:10, 10/10/2020

Ngay từ nhỏ, Hoàng Ngọc Hiến ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) đã có niềm đam mê với gốm. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT anh đã chọn Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai để được trau dồi thêm kiến thức về ngành Gốm. Ước mơ của ông là đưa gốm Biên Hòa đến với nhiều người yêu thích gốm trong nước và quốc tế.

Ngay từ nhỏ, Hoàng Ngọc Hiến ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) đã có niềm đam mê với gốm. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT anh đã chọn Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai để được trau dồi thêm kiến thức về ngành Gốm. Ước mơ của ông là đưa gốm Biên Hòa đến với nhiều người yêu thích gốm trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, ông Hoàng Ngọc Hiến đến làm việc ở nhiều cơ sở gốm để học hỏi thêm kinh nghiệm với mong muốn sau này sẽ mở một cơ sở chuyên sản xuất gốm trang trí. Những tác phẩm gốm của ông kế thừa truyền thống, song được thổi thêm luồng gió sáng tạo mới cuốn hút hơn.

Đam mê với gốm

* Điều gì khiến cho ông có niềm đam mê với gốm từ nhỏ?

- Quê tôi ở Nghệ An, năm 9 tuổi tôi cùng gia đình chuyển vào Đồng Nai sinh sống. Từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với một số thợ làm gốm của Biên Hòa và ngày ngày được nhìn họ tạo ra những sản phẩm gốm với nhiều màu sắc khác nhau, tôi từ thích thú muốn tìm hiểu rồi chuyển sang đam mê. Vậy là mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại theo các thợ làm gốm lâu năm tập tành làm những sản phẩm gốm đơn giản và học hỏi kinh nghiệm. Biết được gốm Biên Hòa có bề dày lịch sử hàng trăm năm, từng nổi danh trong và ngoài nước, tôi đã có một ước mơ, sau này lớn lên sẽ trở thành thợ gốm giỏi nghề, thành lập được xưởng riêng để chuyên sản xuất dòng gốm mỹ thuật cao cấp. Sau đó sẽ đưa sản phẩm gốm Biên Hòa đến với những người thích gốm ở mọi vùng miền trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

* Hội tụ cả năng khiếu lẫn đam mê dòng gốm mỹ thuật từ nhỏ, vì sao đến năm 2013 khi đã ngoài 30 tuổi ông mới thành lập cơ sở sản xuất gốm?

- Dù theo học nghề gốm mỹ thuật từ nhỏ và cũng được một số nghệ nhân, thợ giỏi chỉ dạy, song tôi nghĩ mình cần phải có trải nghiệm thực tế nhiều hơn nữa trước khi thành lập xưởng tự mình sản xuất. Vì thế ra trường, tôi chọn làm việc ở một số cơ sở gốm lâu năm tại TP.Biên Hòa để lĩnh hội thêm những bí quyết trong nghề gốm mỹ thuật từ khâu tạo hình đến khâu chấm men và đưa gốm vào nung cho ra những sắc màu đặc sắc như ý. Đến năm 2013, khi đã tích lũy kiến thức về gốm vững vàng và đủ tiềm lực tài chính, tôi mới tiến hành thành lập Cơ sở Sản xuất gốm Phú Hiến Nam tại P.Hóa An.

Làm chủ một cơ sở gốm vất vả gấp nhiều lần so với làm một thợ gốm giỏi nghề. Tôi phải lo sáng tạo ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ đặc sắc, tìm thị trường tiêu thụ để có vốn duy trì sản xuất. Tuy nhiên, tôi gặp may mắn là sản phẩm của xưởng khi đưa đi giới thiệu tại các cuộc triển lãm đã được người yêu gốm đón nhận nhiệt tình. Từ đó, các đại lý tìm đến tôi đặt hàng ngày một nhiều.

* Hiện nay, sản phẩm gốm mỹ thuật của ông ngoài tiêu thụ trong nước đã đến được những quốc gia nào trên thế giới?

- Sản phẩm gốm mỹ thuật của tôi chia làm 2 trường phái là cổ điển và hiện đại. Với trường phái cổ điển, tôi tập trung phục hồi và phát triển các sản phẩm gốm: tượng, tranh, phù điêu, hoa văn. Còn với trường phái hiện đại, tôi tự sáng tạo ra các sản phẩm gốm cao cấp đan xen giữa nét truyền thống và hiện đại để đưa đi triển lãm, giới thiệu cho mọi người biết về gốm Biên Hòa và khi khách có nhu cầu sưu tầm thì bán. Từ khi thành lập xưởng gốm và chuyển thành công ty, tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các đền chùa trên cả nước, các đại lý, công ty.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tạo hình cho tượng gốm
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến tạo hình cho tượng gốm

Những đơn hàng nhận được dù nhỏ hay lớn, tôi đều dồn tâm sức vào thực hiện với mong muốn sẽ góp phần lưu giữ và phát triển gốm Biên Hòa. Hiện những mặt hàng gốm tôi sản xuất ra, ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, còn xuất khẩu sang một số nước châu Âu, ASEAN.

Giữ nghề truyền thống

* Nhiều năm gắn bó với nghề Gốm mỹ nghệ, điều gì khiến ông thấy thú vị nhất?

- Tôi chọn nghề vì yêu thích và đam mê nên trong quá trình làm việc luôn đem lại cho tôi nhiều thú vị. Mỗi khi một mẻ gốm ra lò được khách hàng đón nhận nhiệt tình, đó cũng là niềm vui lớn cho những người làm gốm. Có những tác phẩm gốm, tôi phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo mới hình thành và trở thành hàng “độc” được những người mê gốm đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cũng là khích lệ lớn. Tuy nhiên, cũng có một số tác phẩm gốm đặc sắc, tôi sẽ giữ lại làm kỷ niệm và để khách hàng đến với cơ sở gốm Phú Hiến Nam có thể chiêm ngưỡng.

Ngoài ra, cũng có một kỷ niệm trong nghề khiến tôi rất tự hào là tôi từng nhận được đơn đặt hàng làm các loại bình gốm mỹ thuật mang nét đặc trưng riêng của gốm Biên Hòa từ làng gốm Bát Tràng. Ngoài ra, nhiều đại lý kinh doanh gốm ở miền Bắc, miền Trung cũng đến tận cơ sở của tôi đặt mua nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa như: tranh gốm, tượng gốm, bình gốm, các vật trang trí trong nhà bằng gốm...

* Gốm Biên Hòa đã trải qua nhiều thăng trầm, theo ông, muốn nghề gốm trở lại thời “hoàng kim” như nhiều năm trước, các cơ sở gốm cần những gì?

- Các nghệ nhân, thợ giỏi đi trước đã có công phát triển gốm Biên Hòa trở thành một trong 14 làng nghề gốm nổi tiếng nhất cả nước. Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX gốm Biên Hòa đã xuất qua gần 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy có nhiều thời điểm gốm Biên Hòa đứng trước nguy cơ mai một, song những người yêu nghề đã liên kết đưa ra thị trường những sản phẩm đặc sắc vừa kế thừa những đặc trưng của gốm Biên Hòa xưa nhưng cũng đan xen những nét hiện đại giúp sản phẩm đẹp, hấp dẫn hơn.

Chúng tôi, thế hệ đi sau tiếp tục kế thừa, nâng giá trị cho gốm Biên Hòa với việc xuất khẩu vào khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian qua, tôi cố gắng liên kết với một số công ty nâng chất lượng, số lượng sản phẩm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gốm.

* Nhiều cơ sở gốm cho biết, rất ít người trẻ muốn kế thừa và phát triển nghề gốm truyền thống. Theo ông phải làm sao để thu hút được những bạn trẻ theo và gắn bó với nghề?

- Muốn trở thành thợ gốm mỹ nghệ giỏi đòi hỏi người theo nghề phải có năng khiếu, tỉ mỉ, cần mẫn và chịu được vất vả. Hiện nay, công ty, nhà máy được thành lập khá nhiều và cần lượng lao động lớn. Công việc tại các nhà máy nhẹ nhàng, thu nhập ổn định hơn so với theo nghề gốm nên nhiều bạn trẻ không mặn mà. Thế nhưng theo tôi, sẽ vẫn có những bạn trẻ yêu thích nghề gốm và sẵn sàng gắn bó với nghề lâu dài. Bằng chứng là có nhiều cơ sở gốm tại Biên Hòa đã chuyển đổi thành công ty, thuê đất trong cụm công nghiệp và xây dựng nhà xưởng rộng rãi khang trang, tuyển thêm nhiều lao động để đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác trong nước và nước ngoài.

Tôi và các cơ sở gốm ở Biên Hòa cũng liên tục tuyển dụng và đào tạo thêm các thợ gốm, nhằm duy trì và phát triển làng nghề. Đồng thời tìm cách truyền lửa niềm đam mê, tự hào về gốm Biên Hòa cho các bạn trẻ để đưa nghề truyền thống ngày một phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

Là người được phong Nghệ nhân gốm trẻ nhất ở Đồng Nai, ông cảm nhận về điều này như thế nào?

- Với những người gắn bó nghề gốm như tôi thì được phong nghệ nhân là niềm tự hào rất lớn. Vì để trở thành nghệ nhân, người đó phải có nhiều tác phẩm xuất sắc, đoạt giải cao và được người trong nghề xem trọng. Bên cạnh đó, cũng phải có những đóng góp nhất định trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Tôi may mắn là tuổi đời, tuổi nghề chưa nhiều như một số thợ giỏi khác nhưng đã được phong nghệ nhân. Đây sẽ là động lực giúp tôi nỗ lực nhiều hơn trong nghề để tiếp tục khôi phục, lưu giữ và nâng giá trị cho gốm Biên Hòa, đưa gốm Biên Hòa ngày một đi xa đến nhiều quốc gia khác.

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều