"Tình hình Covid-19 ở Nepal đang diễn biến rất phức tạp. Vương quốc hiện phong tỏa cấp độ cao nhất do các ca lây nhiễm cộng đồng lẫn người thiệt mạng vì virus đang tăng cao, đến mức rất đáng lo ngại" - chị Võ Thị Kim Cương, một công dân Nepal gốc Việt đang sống ở thủ đô Kathmandu chia sẻ với Đồng Nai Cuối tuần.
“Tình hình Covid-19 ở Nepal đang diễn biến rất phức tạp. Vương quốc hiện phong tỏa cấp độ cao nhất do các ca lây nhiễm cộng đồng lẫn người thiệt mạng vì virus đang tăng cao, đến mức rất đáng lo ngại” - chị Võ Thị Kim Cương, một công dân Nepal gốc Việt đang sống ở thủ đô Kathmandu chia sẻ với Đồng Nai Cuối tuần.
Người nghèo Nepal nhận gạo từ thiện để vượt qua khó khăn thời Covid-19. Ảnh: Kim Cương |
Vương quốc Nepal với dân số hơn 30 triệu người đang rơi vào cảnh khó khăn vì Covid-19. Đã có gần 100 ngàn ca nhiễm SARS-CoV-2 và gần 600 người chết vì đại dịch ở nước này.
* Thất nghiệp, mất nhà...
“Nhiều người thất nghiệp, mất nhà, mất phòng trọ và lao đao ở thủ đô Kathmandu lắm! So với nạn thiên tai động đất, tác hại của Covid-19 khủng khiếp hơn rất nhiều. Vì động đất xong thì mọi người lại đổ ra đường đi làm kiếm cái sinh nhai, chứ Covid-19 khiến phong tỏa toàn tập không ai ra đường dễ dàng. Có đói bụng nhiều khi cũng phải ngồi nhà chịu trận luôn. Nhà hàng, siêu thị, khách sạn, cơ sở buôn bán lớn bé gì cũng dẹp hết để chống dịch Covid-19” - chị Kim Cương tường thuật với nỗi buồn nặng trĩu.
Tình người trong khốn khó Chị Kim Cương (ảnh nhỏ) cho biết hồi cuối tháng 9-2020, chị và anh Trần Hải (sống ở Bình Thuận, từng sang Nepal chơi nhiều lần và rất yêu mến đất nước này) cùng nhiều bạn bè người Việt hảo tâm khác đã cùng đóng góp để có kinh phí tổ chức trao tặng cho người nghèo gặp khốn khó vì dịch Covid-19 ở Nepal 1 ngàn kg gạo, 200kg Dal (các loại đậu nấu trộn với cơm như một món súp vốn là món ăn truyền thống trong bữa ăn của người Nepal) và 200 lít dầu ăn. “Ngày 9-10 này chúng tôi tiếp tục tổ chức trao tặng từ thiện đợt 2. Lần này có 2 ngàn kg gạo, 600kg Dal và 600 lít dầu ăn dành cho dân nghèo, thất nghiệp và vô gia cư ở thủ đô Kathmandu bị ảnh hưởng vì Covid-19. Các bạn trẻ tình nguyện viên địa phương rất nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi trong việc phân phối, mang đồ từ thiện đến tận tay những người khốn khó ngoài đường”. |
Khi được hỏi vì sao Nepal không khống chế được dịch bệnh Covid-19, chị Kim Cương cho biết: “Nepal có vị trí địa lý rất gần với Ấn Độ, hai nước có cùng biên giới đường bộ. Có khoảng 2 triệu người dân Nepal lại đang sống và lao động bên Ấn. Mà Ấn Độ (hiện gần 7 triệu người nhiễm Covid-19 - PV) thì có nguy cơ sắp vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19 rồi. Kể từ hôm dịch bệnh bùng phát đến nay đã có khoảng 1 triệu người lao động Nepal trở về từ Ấn Độ do thất nghiệp và lo sợ nhiễm bệnh. Các nguyên nhân nêu trên khiến Nepal “vỡ trận”, không khống chế được virus lây lan.
Chính quyền Nepal có những khuyến cáo phòng, chống dịch nhưng nhiều người dân lại không thực hiện nghiêm túc lắm. Ở nơi công cộng như: ngân hàng, siêu thị… họ không hề giữ khoảng cách an toàn với nhau. Vì vậy, dù Nepal là quốc gia áp lệnh phong tỏa kéo dài đã nửa năm mà dịch bệnh vẫn chưa không chế được!”.
* Mắt thấy, tai nghe
Chị Kim Cương kể: “Tôi có quen một anh bạn người Nepal tên là Sanjep (xin phép được đổi tên). Anh là một đầu bếp chuyên nấu các món ăn truyền thống Nepal, đã có vợ và 3 con. Trước đây Sanjep có một căn phòng tương đối đầy đủ tiện nghi cho tầng lớp người lao động bình thường. Anh chăm chỉ đi làm hằng ngày kiếm tiền nuôi vợ con.
Thế rồi Covid-19 xuất hiện, nhà hàng chỗ anh làm đóng cửa suốt 3 tháng. Sanjep không còn trả được tiền phòng, đành gửi vợ và 3 con về quê, còn anh một mình lang thang khắp Kathmandu gần nửa năm qua chưa tìm được việc gì làm. Ngày ngày anh tìm đến những nơi phát cơm từ thiện. Đêm xuống Sanjep ngủ đại ở mái hiên nào không bị mưa tạt. Tình cảnh bi đát của anh Sanjep chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện người dân lao động Nepal đang khổ sở thường ngày thời Covid-19.
Tôi cũng mới trò chuyện với anh bạn thân Nepal làm bác sĩ. Anh nói: “Ngày nào bệnh viện tôi cũng có vài người chết vì Covid-19. Hầu hết từ 40 tuổi trở lên. Nhiều bệnh nhân không được xét nghiệm vì thiếu phương tiện y tế nên khi nhập viện thì bệnh quá nặng rồi. Để nằm có máy trợ thở tại bệnh viện thì mỗi ngày bệnh nhân phải trả phí gần 2 lakh rupee (tương đương gần 40 triệu đồng). Với những người lao động Nepal không kiếm được quá 250 ngàn đồng/ngày làm công thì việc trả 40 triệu đồng/ngày để được thở máy là viễn tưởng. Thế nên bệnh nhân không may chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận cái chết mà thôi.
* Người Việt xoay xở
Được biết, cộng đồng người Việt ở Nepal khá ít ỏi. Chị Kim Cương thông tin hiện tại các sư cô, sư thầy sang bên này tu tập thì chưa có nhu cầu về lại Việt Nam. Các vị này sống tu tập trên núi nên có thể an toàn hơn trước dịch bệnh.
Có khoảng 10 phụ nữ Việt lấy chồng Nepal hiện sinh sống ở đây rất mong được về quê hương tránh dịch. Nhưng do chồng và con đều quốc tịch Nepal nên không thể xin visa về trong lúc phong tỏa này.
“Trong số những người Việt đi du lịch ở Nepal thì có một bạn vẫn bị kẹt lại từ tháng 3 đến nay, đang rất tha thiết được về nước nhưng cơ hội về rất ít vì đường bay thương mại giữa Nepal và Việt Nam chưa mở lại” - chị Kim Cương cho biết.
“Nhìn đám đông hàng ngàn người Nepal đứng ngồi la liệt trên phố xá bất chấp hiểm nguy lây nhiễm virus, tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho Nepal và tất cả mọi người bình an. Covid-19 hoành hành đã hơn 7 tháng rồi làm cho người dân nghèo Nepal vốn đã khổ rồi lại càng thêm khổ. Mong sao dịch bệnh sớm kết thúc” - người phụ nữ gốc Việt sống ở Nepal 10 năm qua ngậm ngùi chia sẻ.
Người phụ trách quán Phở 99 ở Nepal: “Chúng tôi không bỏ cuộc”
Từ Kathmandu, doanh nhân Dol Bahadur Thapa Saru (tên gọi tắt là Naveen) - người phụ trách chuỗi quán Phở 99 bán ẩm thực Việt Nam tại Pokhara, Lazimpat, Patan và khu bảo tháp Boudha trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần về tình hình Nepal. Ông Naveen thừa nhận: “Covid-19 đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến nền kinh tế - xã hội, du lịch ở nước chúng tôi. Nepal là đất nước chủ yếu có thu nhập từ 2 nguồn: kiều hối do lao động nước ngoài gửi về và dịch vụ du lịch leo núi và hành hương về đất Phật. Khi Covid-19 xuất hiện, toàn thế giới đóng cửa, ngành Du lịch Nepal tê liệt. Lao động thất nghiệp hồi hương rất nhiều. Hiện tại khổ nhất là vấn nạn người lao động mất việc, người nghèo đói gia tăng mạnh, nhất là ở các vùng xa như Lumbini, Tarai có tin người nghèo khổ chỉ đủ cơm “bữa ăn, bữa nhịn”. Thật đáng buồn! Tôi e rằng Nepal sẽ phải mất rất nhiều thời gian khi mở cửa và đón khách du lịch trở lại hậu Covid-19”. Doanh nhân Naveen cũng cho biết quán Phở 99 thời gian qua vẫn hoạt động cầm chừng lúc giãn cách xã hội. Nếu qua dịch Covid-19 tình hình ổn, có thể Phở 99 sẽ mở thêm vài chi nhánh nữa. “Chúng tôi đang chiến đấu, san sẻ lương thực, thực phẩm với người nghèo, tuy vô cùng khó khăn nhưng sẽ không bỏ cuộc”. |
Trung Nghĩa