Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua bán đồ cũ - thị trường đang thịnh

11:10, 23/10/2020

Mua đồ cũ rồi tân trang và bán lại cho người cần là nghề đang thịnh, thu hút nhiều người làm hiện nay. Nghề này cũng có tính cạnh tranh cao. Thị trường đồ cũ thường sôi động vào các tháng cuối năm. Nguồn hàng khá đa dạng và sẵn có nên người mua dễ dàng lựa chọn với giá cả khá "mềm", chỉ bằng một nửa so với hàng mới cho sản phẩm có chất lượng tốt.

Mua đồ cũ rồi tân trang và bán lại cho người cần là nghề đang thịnh, thu hút nhiều người làm hiện nay. Nghề này cũng có tính cạnh tranh cao. Thị trường đồ cũ thường sôi động vào các tháng cuối năm. Nguồn hàng khá đa dạng và sẵn có nên người mua dễ dàng lựa chọn với giá cả khá “mềm”, chỉ bằng một nửa so với hàng mới cho sản phẩm có chất lượng tốt.

Một quán cà phê mua đồ thanh lý để tiết kiệm chi phí
Một quán cà phê mua đồ thanh lý để tiết kiệm chi phí

* Lập kho để thu mua đồ cũ

Sau nhiều năm kinh doanh đủ các loại mặt hàng, hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Tùng, chủ cửa hàng mua bán đồ cũ Văn Long (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chỉ chuyên tâm vào việc mua bán đồ cũ. Các mặt hàng của anh Tùng khá đa dạng, nhiều chủng loại từ đồ nội thất gia đình, nhà hàng đến các loại hàng hiếm, độc. Anh Tùng chia sẻ, khách hàng của cửa hàng được chia thành 2 nhóm chính, gồm khách chuyên săn các loại hàng hiếm, độc lạ và khách hàng mua đồ dùng bình dân phục vụ cho gia đình hoặc công việc.

Theo anh Tùng, những người lớn tuổi thường hoài niệm nên có nhu cầu mua các mặt hàng nội thất thuộc loại cổ. Nhiều khách hàng yêu cầu cửa hàng anh Tùng tìm những bộ bàn ghế, phản, sập... là các loại gỗ gần như đã “vắng bóng” nhiều năm nay và không còn sử dụng để làm đồ nội thất nữa. “Để “săn” được các loại hàng này là điều không dễ dàng và tính cạnh tranh cũng rất cao. Những mặt hàng này chính người bán cũng bán hàng theo kiểu “đấu giá”. Ai trả giá cao mới mua được hàng. Khi “săn” được hàng độc, xe chưa chở về tới cửa hàng là khách đã mua ngay” - anh Tùng cho hay.

Khi gõ cụm từ “mua bán đồ cũ” trên công cụ Google, chỉ trong 0,29 giây đã có 16,4 triệu lượt tìm kiếm. Theo nhiều người chuyên mua bán đồ cũ, hoạt động mua bán thường bằng hình thức onnline, trên các trang về đồ cũ, Facebook... là chính. Đây chính là một thị trường “khổng lồ” song song với thị trường thực tế.

Giá trị của các món hàng độc thường tính lên đến cả trăm triệu đồng. Anh Tùng cũng đã từng bán một chiếc phản cổ với giá 850 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng khách mua mặt hàng này không thường xuyên và không nhiều. Do đó, cửa hàng đồ cũ của anh Tùng vẫn “sống” chủ yếu nhờ vào khách hàng mua các đồ bình dân. Sau khi mua hàng, trước khi bán lại cho khách, cửa hàng Văn Long sẽ tùy vào thực trạng cụ thể của hàng hóa để sửa chữa theo yêu cầu của khách hàng.

Cũng là người chuyên thu mua đồ cũ, anh Phạm Huy Bách, chủ kho đồ cũ Hậu Hà (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) vào nghề này đã 3 năm. Trước đây, anh Bách mở quán cà phê nên có kinh nghiệm mua đồ thanh lý. “Tôi được xem hàng trực tiếp, hàng thật và nếu lựa chọn kỹ sẽ có nhiều mặt hàng còn mới. Tuy nhiên, giá cũng chỉ bằng 50% so với hàng mới” - anh Bách chia sẻ.

Sự hấp dẫn của việc “mua giùm người chán, bán cho người cần” và làm việc không gò bó thời gian nên anh Bách cũng chuyển hẳn từ kinh doanh quán cà phê sang làm nghề chuyên thanh lý. Hiện nay, anh và một người bạn đã thuê 5 kho để dự trữ hàng. Tất cả các mặt hàng nội thất, đồ gia dụng như: bàn, ghế, sofa, tủ lạnh, tivi... đều có sẵn trong kho dự trữ.

* “Cũ người, mới ta”

Sau nhiều năm tích cóp, mới đây vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ tại P.Long Bình đã mua được đất và xây nhà. Công việc chính của chồng chị là thợ điện, còn chị làm công nhân may mặc. Thu nhập không cao, lại nuôi 2 con ăn học nên việc mua sắm vật dụng cho căn nhà mới của vợ chồng chị Thanh là cả vấn đề lớn. Do vậy, vợ chồng chị Thanh quyết định tìm mua nội thất từ giường, bàn, ghế... đều là đồ thanh lý để tiết kiệm.

Anh chị đã mua được 1 chiếc giường ngủ giá 2,5 triệu đồng và 1 bộ bàn ghế để ở phòng ăn giá 3 triệu đồng tại một cửa hàng đồ cũ online. “Sau khi liên hệ qua điện thoại, chúng tôi đến tận kho hàng lựa đồ. Tôi thấy nhiều mặt hàng khá mới, giá lại khá mềm, chỉ bằng 50% so với hàng nguyên tem. Giờ kinh tế khó khăn nên tôi chấp nhận “cũ người mới ta” vậy” - chị Thanh bộc bạch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty của anh Nguyễn Đằng (ngụ tại P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cắt giảm nhân sự. Nghỉ việc, anh Đằng nghĩ đến việc “start up” (khởi nghiệp) bằng việc mở một quán cà phê nhỏ. Số vốn tích lũy trong những năm làm không nhiều nên việc mua các đồ dùng cho quán cà phê của anh Đằng cũng được tính toán kỹ lưỡng.

Anh Đằng cho hay: “Tôi thấy nhiều nơi sang quán, bán lại các đồ nội thất đi kèm nên nảy ra ý định mua hàng thanh lý. Vào thời điểm này, việc mua hàng thanh lý khá dễ dàng vì người bán cũng nhiều. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được một khoản tiền so với mua đồ mới. Số tiền này đối với những người mới vào nghề là rất quý giá”.

Theo anh Bách, từ cuối năm 2019 đến nay, lượng người cần thanh lý và người mua đồ thanh lý cũng ngang nhau. Riêng trong những tháng xảy ra dịch Covid-19, nhiều quán cà phê, nhà hàng phải đóng cửa do tình trạng giãn cách xã hội, kinh doanh ế ẩm nên việc sang nhượng nhà hàng, quán cà phê khá lớn. “Nhưng khi dịch đã được kiểm soát tốt, nhiều người bắt đầu mở các dịch vụ ăn uống, cà phê trở lại. Do đó, lượng người mua hàng thanh lý cũng bắt đầu tăng so với thời điểm trước đây” - anh Bách nói.

* Mua đồ cũ chỉ cần đi chợ... online

Nhiều cơ sở kinh doanh đồ cũ liên tục cập nhật hàng hóa lên internet để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm của mình. Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, anh Tùng cũng tự tạo riêng cho cửa hàng mình một website (sieuthihangcu.net). Ngoài ra, anh Tùng quảng cáo qua công cụ Google hay tham gia các nhóm trao đổi, mua bán đồ cũ trên mạng xã hội để vừa thu hút khách hàng, vừa tìm kiếm nguồn hàng đa dạng.

Còn anh Bách cho rằng, hiện nay nghề mua bán đồ cũ cũng có sự cạnh tranh cao. Thực tế, các hoạt động mua đi bán lại này chủ yếu bằng hình thức online nên việc tạo uy tín là điều rất quan trọng. Những người phải sang quán, nhà hàng thường do làm ăn ế ẩm, thua lỗ. Do đó, họ mang tâm trạng buồn vì công việc làm ăn không như ý. “Tôi thường cân đối để người bán không quá thiệt, còn mình cũng có lợi nhuận vừa phải để hai bên cùng vui vẻ. Có thể sau này, họ có điều kiện và muốn kinh doanh trở lại sẽ nghĩ đến mình và trở lại mua hàng khi thấy mình làm ăn đàng hoàng” - anh Bách tâm sự.

Theo anh Bách, nhiều lần anh bán hàng không lấy lời vì bán cho các nhóm từ thiện. Một nhóm từ thiện (ở H.Trảng Bom) là khách hàng thường xuyên của cửa hàng anh Bách. Họ thường giúp đỡ các trường hợp khó khăn mở quán ăn hoặc làm nhà cho những hộ nghèo. Khi đoàn từ thiện tìm mua các đồ dùng ở cửa hàng, anh Bách luôn lấy giá gốc và đưa xe gia đình chở miễn phí đến tận nơi. Không chỉ vậy, tất cả các mặt hàng, anh Bách đều bảo hành cho khách từ 6-12 tháng. Trong quá trình sử dụng, nhất là các thiết bị điện máy bị hư hỏng, cửa hàng Hậu Hà sẽ mang về sửa. Trong thời gian sửa, cửa hàng cũng chuyển một thiết bị khác cho khách sử dụng.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều