Là nhà văn đầu tiên được vinh danh Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn tại lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ I-2020 do Báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN tổ chức (ngày 29-9), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết viết về tuổi thơ là cách ông tái hiện lại những ngày tháng tươi đẹp "mà thời gian đã lấy đi của chúng ta và sẽ không bao giờ trả lại".
Là nhà văn đầu tiên được vinh danh Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn tại lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ I-2020 do Báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN tổ chức (ngày 29-9), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết viết về tuổi thơ là cách ông tái hiện lại những ngày tháng tươi đẹp “mà thời gian đã lấy đi của chúng ta và sẽ không bao giờ trả lại”.
“Trung thu năm ngoái, tôi ra mắt sách. Trung thu năm nay, tôi nhận được giải thưởng này. Đối với tôi, đó là một bất ngờ thú vị” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói về “cái duyên” của cuốn sách Làm bạn với bầu trời sau đúng một năm ra mắt công chúng. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng tặng toàn bộ tiền thưởng (30 triệu đồng) từ giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn mà ông nhận được cho quỹ động viên, khuyến khích, hỗ trợ các cây bút sáng tác cho thiếu nhi.
* Viết từ “nỗi ám ảnh tuổi thơ”
Không chỉ đợi đến khi nhận Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn tại lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ I-2020 với tác phẩm Làm bạn với bầu trời, đã từ lâu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được xem là “Hiệp sĩ của tuổi thơ”, “Hoàng tử bé của thế giới tuổi thơ” khi ông là nhà văn có số lượng tác phẩm về tuổi thơ và dành cho tuổi thơ kỷ lục tại Việt Nam.
“Tuổi Thơ kỳ diệu của mỗi người! Tôi tin rằng tôi yêu mến và nhớ tiếc tuổi thơ của mình như thế nào, bạn cũng yêu mến và nhớ tiếc tuổi thơ của bạn như vậy. Tôi hy vọng những trang viết của tôi sẽ giúp bật cái công-tắc trong ký ức của bạn, giúp tuổi thơ kỳ diệu của bạn một lần nữa tỏa sáng lung linh như những ngọn nến hồng… Nếu được như vậy, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc” - nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH chia sẻ. |
Ông là một trong những tác giả đi đầu trong lĩnh vực sáng tạo văn học cho thiếu nhi - những chủ nhân tương lai của đất nước với hàng loạt tác phẩm best-seller (ăn khách) nhất Việt Nam như: Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Cảm ơn người lớn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tôi là Bêtô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch rằng chính “nỗi ám ảnh tuổi thơ” là cảm xúc cho ông viết các tác phẩm được độc giả yêu thích. Ông chia sẻ trong ấn phẩm Cho tôi một vé đi tuổi thơ bản tiếng Nhật phát hành ở Nhật Bản đầu tháng 9-2020 như sau: “Tôi nghĩ bất cứ ai trong chúng ta, các bạn và tôi, đều có những kỷ niệm đẹp về quãng đời tuổi nhỏ - là quãng đời mà thời gian đã lấy đi của chúng ta và sẽ không bao giờ trả lại. Vì vậy, viết về tuổi thơ là cách duy nhất để tôi trục vớt những kỷ niệm đã chìm sâu dưới đáy thời gian, tái hiện lại những ngày tháng tươi đẹp đó và bày chúng trên trang sách như bày ra một thứ bánh ngon để hương vị quyến rũ của chúng mãi mãi ở lại với chúng ta”.
Nguyễn Nhật Ánh cũng bày tỏ quan niệm: “Người hạnh phúc nhất là người có cảm xúc về tuổi thơ bền bỉ nhất”. Ông lý giải: “Vì bởi trong khi không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, thì các bạn và tôi, có thể ngụp lặn nhiều lần trong dòng sông tuổi thơ qua thế giới của những trang sách”.
* Cậu bé “mơ mộng nhất trần gian”
Tác phẩm Làm bạn với bầu trời mang về cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn chính là cuốn sách gần nhất của ông phát hành cuối năm 2019, tiếp tục cho thấy phong độ sáng tác đều đặn đáng ngạc nhiên với đề tài và nhân vật trẻ thơ.
Vẫn trung thành với phong cách viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh quen thuộc, tác giả Nguyễn Nhật Ánh kể câu chuyện về cậu bé Tèo - một cậu nhỏ “vui tươi và sinh động”, lúc nào cũng đáp chuyện với mọi người xung quanh một cách hồn nhiên và nồng hậu. Tèo ham đọc sách, giỏi làm toán, vẽ đẹp, “luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp… và không bao giờ nghĩ xấu về ai”.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh bám sát đời sống, thấu hiểu tâm lý của thiếu nhi, giới trẻ. Ở đó cái đẹp, lòng nhân ái được dựng lên. Tác phẩm cùng quá trình cống hiến hàng chục năm qua của Nguyễn Nhật Ánh cho văn học thiếu nhi hoàn toàn xứng đáng được trao giải thưởng Hiệp sĩ Dế mèn” - nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU nhận định. |
Nhưng, cậu bé này “có một số phận kém may mắn so với những đứa trẻ bình thường”. Quá khứ khá bất hạnh của cậu cũng dần hiện lên qua phần kể lại rằng Tèo sinh ra không biết ai là cha mẹ ruột của mình. Cậu hay bị người dượng say xỉn mắng mỏ, đánh đòn đau (mà nó ngây thơ nghĩ vì dượng thương nó nhiều nên mới “được” đánh nhiều). Và cũng chính người dượng này đã làm Tèo rơi xuống suối, bị chấn thương cột sống và buộc phải nằm một chỗ sau tai nạn.
Vậy mà Tèo không hề bi quan hay suy sụp, cậu “bao giờ cũng nhìn thấy sự may mắn trong một hoàn cảnh không may mắn, bao giờ cũng tươi vui trong một số phận kém vui tươi, bao giờ cũng đối xử tốt với cuộc đời mặc dù không phải lúc nào cuộc đời cũng đối xử tốt với mình - những phẩm chất đó có lẽ chỉ có ở thằng Tèo, đứa bé xem việc được làm bạn với bầu trời cao xanh và khoáng đạt là niềm vui lớn lao. Lớn lao hơn nhiều so với những mất mát của bản thân mình” - Nguyễn Nhật Ánh viết về Tèo như thế, mang đến niềm lạc quan cho bạn đọc của ông.
* Cảm hứng sống yêu đời
Làm bạn với bầu trời có nhiều chi tiết tinh tế và dễ thương, như Tèo thích trái khế nhất vì “khế cắt lát sẽ giống hình ngôi sao”; Tèo yêu thiên nhiên đến mức có thể “biết ba hạt mưa đầu tiên rơi trúng người mình ở chỗ nào”; Tèo yêu bầu trời xanh với những cụm mây, yêu màn đêm với Mặt Trăng và ngôi sao vì “nó là đứa bé mơ mộng nhất trần gian”.
Thủ pháp viết được Nguyễn Nhật Ánh áp dụng khi sáng tác là tác giả chọn Tèo là nhân vật trung tâm, còn nhân vật xưng ngôi thứ nhất “Tôi” lại là người kể chuyện và cảm nhận. Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật “Tôi” đã không tiếc lời tỏ bày lòng quý mến và ngưỡng mộ cậu bé Tèo (như câu cuối cùng trong sách: “… tôi xếp thằng Tèo đứng hạng nhất trong trái tim tôi!”).
Nếu như trong truyện, Tèo đã “truyền tình yêu và lòng tin vào cuộc sống, vào mỗi người cậu gặp, hồn nhiên coi thường mọi bất hạnh”, giúp những người chung quanh khám phá sâu sắc hơn tình yêu của họ đối với người thân, bạn bè..., thì bạn đọc sau khi đọc Làm bạn với bầu trời cũng cảm thấy được truyền cảm hứng sống yêu đời, vị tha và lạc quan như nhân vật “Tôi” trong truyện đã thốt lên “Và tôi biết tại sao tâm hồn tôi đẹp dần lên mỗi ngày...”.
Làm sao để tâm hồn mình đẹp dần lên mỗi ngày? Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thông qua nhân vật Tèo của ông có thể là một ví dụ gợi mở dành cho bạn suy ngẫm: “...Dường như trái tim thằng Tèo luôn nhúng vào tình yêu. Nó luôn tìm thấy cơ hội để tha thứ cho cuộc đời, nhờ vậy tâm hồn nó lúc nào cũng bình yên”.
Gấp sách lại, bạn đọc hẳn sẽ cảm nhận một luồng gió nhẹ trong lành như vừa thổi qua, góp phần xua đi, xoa dịu những mệt mỏi, âu lo, trầm cảm… thường ngày, nhất là đối diện những khó khăn phức tạp như thời dịch Covid-19. Và thêm niềm cảm hứng sống vui, sống yêu đời hơn!
Trung Nghĩa