Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đang phát triển công nghiệp bậc nhất cả nước. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó khoảng 70% là lao động ngoại tỉnh. Vì đặc thù này, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp là bài toán nan giải nhiều năm nay của các cấp chính quyền.
Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đang phát triển công nghiệp bậc nhất cả nước. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó khoảng 70% là lao động ngoại tỉnh. Vì đặc thù này, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp là bài toán nan giải nhiều năm nay của các cấp chính quyền.
Ban giám đốc Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam trao nhà chữ thập đỏ tại huyện Cẩm Mỹ |
Với mong muốn chia sẻ với người lao động, nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) đã và đang trích một phần lợi nhuận, xây dựng từ vài căn đến vài chục căn nhà mỗi năm cho công nhân viên, người dân khó khăn về nhà ở. Việc làm này vừa giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hiện thực hóa giấc mơ “an cư”, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của DN.
Xây nhà cho công nhân ở
Dãy nhà 9 tầng, với tổng cộng hơn 300 phòng khép kín của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa nằm ở trung tâm TT.Hiệp Phước là một trong những khu nhà dành cho người lao động hiện đại bậc nhất ở H.Nhơn Trạch. Nơi đây có khoảng 1,4-1,8 ngàn công nhân ở thường xuyên.
Đối với nhiều công nhân xa quê như anh Lê Văn Bảo (quê Hà Tĩnh), đây là nơi ở lý tưởng vì anh không phải trả tiền nhà hằng tháng, không phải bỏ tiền mua sắm các vật dụng thiết yếu như: giường, tủ lạnh, tivi, máy lạnh. Ngoài ra, mỗi ngày anh được ăn 3 bữa cơm miễn phí, hưởng thụ tất cả các dịch vụ giải trí có trong tòa nhà như: tập gym, xem phim, đọc sách báo.
Theo chia sẻ của đại diện công ty, chi phí đầu tư ban đầu cho tòa nhà là hơn 6,2 triệu USD. Từ năm 2005 đến nay, mỗi tháng DN bỏ ra hàng tỷ đồng phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho công nhân trong khu nhà và chi trả các chi phí quản lý, bảo trì, điện nước. Bên cạnh xây nhà cho công nhân ở, công ty còn hỗ trợ công nhân “an cư” bằng cách trả lãi suất trong vòng 10 năm cho những công nhân vay vốn ngân hàng dưới 200 triệu đồng để mua đất, làm nhà hoặc sửa nhà. Điều kiện là công nhân làm việc trên 3 năm và chưa có nhà ở hoặc nhà xuống cấp. Đến nay có khoảng 100 công nhân được hưởng chính sách này.
Tại Công ty CP hữu hạn Vedan (H.Long Thành), từ năm 2013 đến nay, Ban lãnh đạo công ty có chủ trương hỗ trợ từ 20-25 căn nhà/năm (trị giá 50 triệu đồng/căn) cho đoàn thể trong DN và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các địa phương xây nhà tặng công nhân, người dân, người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc đối ngoại Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam cho biết, năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng công ty vẫn tài trợ hơn 20 căn nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ, nhà đại đoàn kết cho công nhân, người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh lân cận. Đến nay, công ty đã trao xong 7 căn, các căn còn lại đang và sắp xây dựng. Mong muốn của công ty là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có căn nhà mơ ước, an tâm làm việc và học tập.
Một gia đình công nhân cao su được hỗ trợ nhà Nghĩa tình cao su |
Còn tại Tổng công ty Cao su Đồng Nai (TP.Long Khánh), hằng năm, Ban giám đốc, Công đoàn công ty hỗ trợ xây dựng 5-10 căn nhà cho công nhân lao động. Vào các dịp đặc biệt như kỷ niệm 40 năm thành lập công ty, công ty thực hiện cùng lúc 40 căn nhà Nghĩa tình cao su (trị giá 40 triệu đồng/căn) dành tặng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, có từ 2 thế hệ trở lên gắn bó với ngành Cao su.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho biết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là truyền thống tốt đẹp của ngành Cao su. Không chỉ duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, Ban giám đốc và các tổ chức đoàn thể còn có nhiều chương trình, kế hoạch chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên, giúp họ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài và cống hiến cho sự phát triển của tổng công ty.
* Trách nhiệm chung
Ông Hồ Tăng Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch) cho rằng, các DN luôn đặt mục tiêu là doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu. Muốn đạt được điều này, DN trước hết phải có đội ngũ lao động làm việc hiệu quả, có sản phẩm tốt, có đối tác làm ăn lâu dài. Do đó, chi bộ, Công đoàn, các bộ phận liên quan phải nghiên cứu tham mưu, đề xuất cho DN thực hiện đẩy đủ các chế độ theo quy định và từng bước tăng phúc lợi cho người lao động bằng các khoản tiền thưởng, trợ cấp, phụ cấp, chương trình hỗ trợ thiết thực.
Cũng theo ông Tuấn, chỉ tính riêng chương trình hỗ trợ nhà ở, trung bình mỗi năm Ban giám đốc tài trợ tiền xây dựng 3-5 căn nhà. Sau khi hoàn thiện nhà, ban lãnh đạo công ty sẽ tặng thêm 1 món quà mừng nhà mới như: tivi, tủ lạnh, máy giặt hoặc máy lạnh theo nguyện vọng của người lao động. “Với số lượng hơn 20 ngàn công nhân đang làm việc, dự án này chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu nhà ở của công nhân. Tuy nhiên, điều đó cũng mở ra những hy vọng an cư cho người lao động” - ông Tuấn cho hay.
Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty TNHH Hwaseung Vina mới được trao tặng số tiền 50 triệu đồng để xây nhà cho biết, đây là khoản tiền lớn với công nhân. Chị sẽ vay mượn thêm để xây dựng căn nhà khoảng 100 triệu đồng làm chỗ ở cho cả gia đình. Chị Lan không quên cảm ơn Ban giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn nơi chị làm việc và hứa sẽ sử dụng số tiền đúng mục đích, làm việc hết mình để góp sức cùng công ty phát triển, để ngày càng có nhiều công nhân như chị có nhà ở.
Ban giám đốc Công ty TNHH Hwaseung Vina trao tặng số tiền 50 triệu đồng cho công nhân được hỗ trợ nhà ở |
Ông Nguyễn Văn Đồng (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) mới hoàn thành việc sửa chữa căn nhà do một DN hỗ trợ kinh phí chia sẻ, gia đình có 6 nhân khẩu, trụ cột gia đình là ông nhưng bị bệnh nặng, giảm khả năng lao động, mọi chi phí trông chờ công việc thời vụ của vợ. Kinh tế gia đình vì thế cứ thiếu trước hụt sau. Căn nhà được che bằng tôn ván cũ cũng đã mục, nhưng không có điều kiện tu sửa. Được chính quyền địa phương kết nối, một DN hỗ trợ 50 triệu đồng, anh em cho vay gần 30 triệu đồng, mùa mưa năm nay ông Đồng không phải lo tôn bay, nước dột nữa.
Để giảm áp lực về nhà ở cho các huyện, thành phố phát triển mạnh công nghiệp, nhiều năm nay tỉnh có chủ trương kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa về thủ tục pháp lý, chi phí thuê đất để các DN đầu tư làm nhà ở xã hội, nhà ký túc xá cho người lao động. Hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa dành tặng công nhân. Đã có hàng chục ngàn căn nhà, phòng ở do DN hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với hơn 1 triệu lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp tập trung, đây là con số rất nhỏ so với nhu cầu. Cần có sự chung tay của toàn xã hội để những người có thu nhập thấp an tâm lạc nghiệp.
Để hỗ trợ những công nhân, người dân gặp khó khăn về nhà ở, nhiều công ty, DN trên địa bàn tỉnh đã và đang có các chính sách hỗ trợ như: xây nhà, ký túc xá cho công nhân ở miễn phí; tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xây nhà cho các trường hợp khó khăn; hỗ trợ chi phí thuê nhà hằng tháng; trả lãi suất ngân hàng cho công nhân vay tiền mua nhà, mua đất. Đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm người lao động và cũng là cách tạo dựng hình ảnh cho DN. Một số DN có chính sách xây dựng, hỗ trợ xây dựng mỗi năm từ 5-20 căn nhà tình thương, tình nghĩa, Công đoàn cho công nhân viên và người dân là: Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch), Công ty CP TaeKwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu)… Tuy mức hỗ trợ không nhiều nhưng giúp người lao động, người nghèo có thêm quyết tâm, động lực để an cư. |
Hoàng Lộc