Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp sức cùng đồng bào miền Trung phòng dịch bệnh

10:10, 30/10/2020

Những ngày qua, nhiều bệnh viện ở Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần cứu trợ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung phòng dịch sau lũ.

Những ngày qua, nhiều bệnh viện ở Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần cứu trợ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung phòng dịch sau lũ.

Cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung

* Bệnh viện tổ chức đoàn cứu trợ

BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai chia sẻ, dù công việc quản lý bệnh viện rất bận rộn, BS Tuấn vẫn theo dõi sát tất cả các thông tin về lũ lụt ở các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Trong thời gian lũ lụt diễn ra, 5 tỉnh này bị tổn thất rất nhiều về con người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. “Trong khó khăn, tình người lại bừng sáng. Trên tinh thần lá lành đùm lá rách, hàng trăm đoàn thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức từ khắp cả nước hướng về “khúc ruột” miền Trung thân thương” - BS Tuấn chia sẻ.

Công đoàn ngành Y tế đã có công văn gửi các đơn vị kêu gọi tất cả các đơn vị hỗ trợ đồng bào miền trung bị lũ lụt. Hiện tại, BVĐK khu vực Định Quán đã đóng góp 71 triệu đồng vào tài khoản của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Các đơn vị khác vẫn đang tiếp tục ủng hộ người dân.

Trước khó khăn của đồng bào miền Trung, ngay buổi giao ban đầu tuần (ngày 19-10), Ban giám đốc BVĐK Đồng Nai đã phát động toàn thể nhân viên bệnh viện tham gia đóng góp, ủng hộ cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Sự đóng góp không chỉ dừng lại ở trong khuôn viên bệnh viện mà nhiều mạnh thường quân từng có sự hợp tác với bệnh viện cũng chung tay đóng góp. Chỉ sau 5 ngày phát động, bệnh viện đã thu được khoảng 250 triệu đồng. “Bản thân tôi sẽ làm trưởng đoàn y, BS của bệnh viện để trực tiếp ra giúp sức cho các tỉnh miền Trung phục hồi sau lũ” - BS Tuấn cho biết.

BVĐK khu vực Long Khánh cũng có kế hoạch đưa một đoàn y, BS khoảng 30 người ra miền Trung giúp người dân phục hồi sau lũ. BS Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh chia sẻ: “Dự kiến, ngày 30-10, đoàn cứu trợ của bệnh viện sẽ khởi hành ra miền Trung. Chúng tôi sẽ ở lại 5 ngày để cùng bà con khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra” - BS Huyên cho hay.

Thành phần đoàn cứu trợ của BVĐK khu vực Long Khánh gồm Ban giám đốc, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Bệnh viện đã gửi công văn đến Sở Y tế tỉnh Quảng Trị về chuyến đi này. Đoàn sẽ đến các xã bị sạt lở nghiêm trọng (H.Hướng Hóa) và vùng bị ngập nặng (các huyện Triệu Phong, Hải Lăng).

* Hành động thiết thực

Sau lũ lụt thường để lại hậu quả là dịch bệnh và những thiệt hại nặng nề về trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, đoàn cứu trợ của các bệnh viện ở Đồng Nai xác định nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh và hỗ trợ tiền mặt cho người dân để bà con mua con giống, cây giống tái thiết cuộc sống sau lũ. BS Tuấn cho hay, bệnh viện sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và xây nhà tình thương hoặc xây cầu cho người dân.

Theo BS Tuấn, trong thời gian xảy ra lũ lụt, nhiều đoàn đã hỗ trợ thực phẩm cho người dân nên đoàn cứu trợ của bệnh viện sẽ không hướng đến vấn đề cung cấp thực phẩm mà tập trung giúp đồng bào vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh dịch. Bệnh viện sẽ chuẩn bị các loại thuốc về da liễu, đường tiêu hóa, cảm cúm, giảm đau, huyết áp, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thậm chí là các vật dụng thông thường như cồn, băng keo.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh dự kiến sẽ mang thêm nước sạch trao tặng người dân miền Trung
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh dự kiến sẽ mang thêm nước sạch trao tặng người dân miền Trung

Hành trang mà các y, BS BVĐK khu vực Long Khánh mang ra tỉnh Quảng Trị lần này là thuốc, máy đo huyết áp, máy đo điện tâm đồ, máy siêu âm xách tay. Ngoài ra, bệnh viện còn bố trí riêng một xe chuyên chở nước uống đóng chai để trao cho người dân. BS Huyên giải thích, sau lũ người dân không có nước sạch để uống, nhất là những hộ sử dụng nước giếng. Nguồn nước ô nhiễm cũng làm bùng phát các dịch bệnh như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn...

Hiện nay, BVĐK khu vực Long Khánh vẫn đang huy động sự đóng góp của tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện và mạnh thường quân đã từng đồng hành với bệnh viện trong nhiều chương trình thiện nguyện những năm qua. “Tất cả số tiền mà chúng tôi quyên góp được sẽ chia hết cho bà con. Hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã bị cuốn trôi theo lũ nên họ cần tiền để mua lại cây giống, con giống và nông cụ. Khó khăn của người dân không chỉ ngắn hạn mà còn kéo rất dài. Sau lũ, người dân rất cần tiền để ổn định cuộc sống, công việc” - BS Huyên nói.

BS Tuấn tâm sự: “Tôi sinh ra và ở Huế 25 năm. Gần như năm nào quê tôi cũng đều phải hứng chịu các trận lũ lụt. Nhưng trước đây, các cơn lũ có vẻ nhẹ nhàng hơn, không bị ngập quá nhiều và “lũ chồng lũ” như năm nay, hậu quả sẽ rất nặng nề. Sau lũ, người dân sẽ phải đối mặt với việc thiếu nước sạch để uống, thức ăn và thuốc, còn nhà cửa thì bị hư hỏng”.

* Góp sức phòng ngừa dịch bệnh

BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, kinh tế của người dân sau lũ sẽ bị tê liệt. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với dịch bệnh hoành hành; việc học hành của các trẻ em vùng lũ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, không đi học ngay được. Người dân sẽ rất khó khăn và để phục hồi cần mất khoảng thời gian dài vì lũ đã cuốn trôi hết những tích lũy của họ. Chính vì vậy, việc các cá nhân, tổ chức chung tay góp sức hỗ trợ người dân vùng lũ là vô cùng đáng quý. Đối với ngành Y tế, nhiệm vụ chính vẫn là khám, chữa bệnh nên việc nhiều bệnh viện có kế hoạch đưa đoàn BS đến khám, chữa bệnh cho người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của lũ là điều đáng quý.

Không chỉ ủng hộ đồng bào đang ở miền Trung phải chịu trực tiếp những mất mát do lũ lụt gây ra, Đoàn thanh niên của BVĐK Thống Nhất Đồng Nai còn đưa ra ý tưởng hỗ trợ cho nhân viên của bệnh viện là những người sinh ra tại các tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt. BS Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc bệnh viện cho hay, lãnh đạo bệnh viện sẽ xem xét ý tưởng trên để thực hiện. Trước mắt, bệnh viện đã kêu gọi toàn bộ hơn 1.300 nhân viên ủng hộ 1 ngày lương cho người dân miền Trung. Riêng giám đốc bệnh viện đã ủng hộ 3 ngày lương. “Đây chỉ là đợt 1 của sự ủng hộ này. Việc hỗ trợ người dân phục hồi sau lũ là cả quá trình dài. Bệnh viện sẽ theo dõi thông tin để có sự hỗ trợ cụ thể cho người dân miền Trung, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân” - BS Loan bày tỏ. Riêng cá nhân BS Loan đã cùng gia đình làm vài trăm chiếc bánh chưng, bánh tét để gửi đến những người dân vùng lũ trong những ngày vừa qua.     

Bích Nhàn

Tin xem nhiều