Báo Đồng Nai điện tử
En

"Đánh thức" tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ

07:10, 10/10/2020

Tiếp tục thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm "đánh thức" tinh thần khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ.

Tiếp tục thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm “đánh thức” tinh thần khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ.

Cán bộ, hội viên phụ nữ P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) học cắm hoa tại hội trường UBND P.Thống Nhất. Ảnh: N.Sơn
Cán bộ, hội viên phụ nữ P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) học cắm hoa tại hội trường UBND P.Thống Nhất. Ảnh: N.Sơn

Nổi bật là chương trình Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp; tập huấn kiến thức khởi nghiệp; các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp mỗi xã một sản phẩm; hoạt động giúp vốn cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp…

* Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp được tổ chức mỗi năm một lần với nhiều hoạt động. Cụ thể, như tại Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã bố trí để hội viên phụ nữ trưng bày 30 gian hàng sản phẩm do phụ nữ làm; ký kết thỏa thuận hợp tác với ngân hàng nhằm tạo điều kiện để hội viên dễ dàng tiếp cận với các gói vay ưu đãi.

Theo Ban tổ chức cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Ban tổ chức đã chọn được 9 ý tưởng/dự án khởi nghiệp xuất sắc tiếp tục thi chung kết diễn ra ngày 20-10 tới đây. Trước đó, để giúp các thí sinh hoàn thành tốt phần thi tại vòng chung kết, Ban tổ chức đã hướng dẫn thí sinh các bước để hoàn thiện ý tưởng/dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo; mời chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi khởi nghiệp, cách thức vượt qua khó khăn để khởi nghiệp thành công… góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cán bộ, hội viên phụ nữ.

Nhằm hỗ trợ hội viên trong quá trình khởi nghiệp, cuối năm 2019, Hội LHPN tỉnh và Sở LĐ-TBXH đã phối hợp tổ chức lễ ra mắt CLB Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai. Một trong số thành viên Ban chủ nhiệm CLB đã thành lập nhóm Facebook mang tên CLB Phụ nữ khởi nghiệp Đồng Nai với 600 thành viên tham gia. Chị Nguyễn Trọng Nhật Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Nhật Hà - người thành lập nhóm CLB phụ nữ khởi nghiệp Đồng Nai cho hay, ngoài mục đích kết nối những phụ nữ khởi nghiệp, đây còn là diễn đàn để chị em trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các lớp tập huấn khởi nghiệp. CLB cũng là kênh để phụ nữ giới thiệu các sản phẩm mà mình đang sản xuất hoặc kinh doanh.

Bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, hỗ trợ vốn để phát triển kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, Hội LHPN ở cơ sở còn kết nối mở các lớp dạy nghề cho hội viên. Hơn 2 tháng nay, vào buổi tối các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, hội trường UBND P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) luôn sáng đèn. Chủ tịch Hội LHPN P.Thống Nhất Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, từ cuối tháng 7, Hội LHPN phường và Trung tâm Học tập cộng đồng phường đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Biên Hòa tổ chức lớp dạy nghề cắm hoa, trang điểm cho hội viên phụ nữ. Trong số 28 phụ nữ tham gia khóa học, có người học nghề để phục vụ nhu cầu bản thân song cũng có nhiều người học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp hiện tại…

* Xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp

Từ các chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội LHPN, tinh thần khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ như được “đánh thức”, làm xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ hội viên phụ nữ. Tại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm nay, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 45 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Trong đó có một số dự án khởi nghiệp đáng chú ý. Có thể kể đến là dự án khởi nghiệp phát triển sản phẩm rau củ quả sạch của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường của thí sinh Nguyễn Thị Hồng Tươi, ở xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ).

Chị Hồng Tươi chia sẻ, với mong muốn đem lại nguồn rau, củ, quả sạch phục vụ cho số đông người tiêu dùng với giá cả hợp lý, từ năm 2016 chị đã trồng thử nghiệm 100 cây cà chua được bao phủ bởi những chiếc màn thông thường và canh tác theo hướng không hóa chất nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình và bạn bè. Sau 3,5 tháng, 100 cây cà chua đã cho kết quả khả quan, sản phẩm được người thân, bạn bè và một số người dân trên địa bàn đón nhận một cách nhiệt tình.

Chị Bùi Thị Nguyệt Thùy (giữa), chủ Cơ sở sản xuất rau, củ, quả sấy Cường Hoa ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) chia sẻ với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện về ý tưởng sản xuất snack chuối phô mai
Chị Bùi Thị Nguyệt Thùy (giữa), chủ Cơ sở sản xuất rau, củ, quả sấy Cường Hoa ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) chia sẻ với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện về ý tưởng sản xuất snack chuối phô mai

Năm 2018, ngoài cà chua chị trồng thêm một số loại rau, củ, quả như: dưa leo, dưa lưới, dưa hấu, bầu, bí, mướp, khổ qua và các loại rau cải… để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Để cho ra sản lượng lớn rau, củ, quả sạch phục vụ người tiêu dùng, những chiếc màn thông thường không còn đáp ứng. Vì vậy, chị đã đầu tư nhà màn, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa côn trùng gây hại và thuốc bảo vệ thực vật.

Với ý tưởng khởi nghiệp với snack chuối phô mai, chị Bùi Thị Nguyệt Thùy, chủ Cơ sở Sản xuất rau, củ, quả sấy Cường Hoa, ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) là một trong 9 thí sinh có ý tưởng/dự án khởi nghiệp được vào chung kết cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Chị Nguyệt Thùy chia sẻ, gia đình chị nhiều năm nay theo nghề chế biến các loại rau, củ, quả sấy. Từ 1-2 món chuối sấy dẻo và sấy giòn những năm đầu khởi nghiệp, đến nay do nhu cầu của thị trường, cơ sở của chị đã chế biến rất nhiều sản phẩm sấy từ rau, củ, quả. Tuy nhiên, so với các sản phẩm hiện đã được sản xuất tại cơ sở của gia đình thì snack chuối phô mai có ưu điểm vừa giòn lại vừa được bổ sung thêm phô mai nên khi tung ra thị trường hy vọng nhận được sự đón nhận của khách hàng, nhất là những khách hàng nhí.

Trong số các ý tưởng/dự án khởi nghiệp vào chung kết cuộc thi, đáng chú ý hơn cả là ý tưởng/dự án khởi nghiệp mang tên Duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ của chị Ka’Điều, ở xã Tà Lài (H.Tân Phú). Theo chị Ka’Điều, dệt thổ cẩm là công việc hằng ngày của phụ nữ Mạ. Hầu như gia đình nào cũng có khung dệt, đồ cán sợi, se chỉ. Thổ cẩm của người Mạ có rất nhiều hoa văn trang trí với những màu sắc được phối trộn bắt mắt. Thổ cẩm sau khi dệt có thể bán trực tiếp, hoặc có thể làm thành những chiếc khăn, chiếc ví, túi xách, ba lô, móc khóa… bán cho khách du lịch để làm quà lưu niệm.

ý tưởng khởi nghiệp của chị Ka’Điều nếu được triển khai thực hiện không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là phụ nữ Mạ mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm - biểu tượng văn hóa truyền thống của người Châu Mạ.

Nga Sơn

Tin xem nhiều