Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm chỉ lao động để vươn lên

07:10, 10/10/2020

Cùng với những chính sách quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó cuộc sống ngày càng ổn định, cải thiện và nâng cao.

Cùng với những chính sách quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó cuộc sống ngày càng ổn định, cải thiện và nâng cao.

Ông Mai Văn Lượng cùng vợ vui mừng vì nhờ chăm chỉ, chịu khó, đồng lòng, cuộc sống của gia đình ngày càng đổi thay rõ nét
Ông Mai Văn Lượng cùng vợ vui mừng vì nhờ chăm chỉ, chịu khó, đồng lòng, cuộc sống của gia đình ngày càng đổi thay rõ nét

Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình lao động làm kinh tế giỏi và tích cực giúp đỡ cộng đồng trong đồng bào DTTS.

* Chăm chỉ, nhạy bén trong lao động sản xuất

Ông Lầu Sy Sương, dân tộc Nùng (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) là gương sáng trong đồng bào DTTS nhờ tinh thần chăm chỉ, nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp để vươn lên thoát nghèo.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, bằng tinh thần ham học hỏi, ông Sương chủ động nâng cao hiểu biết, kỹ thuật trong sản xuất bằng việc tích cực tham gia các lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp, đồng thời tự tìm tòi học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau. Khi tích lũy được chút kinh nghiệm, ông Sương đã mạnh dạn đầu tư trồng bưởi da xanh. Nhờ có kiến thức, kỹ thuật và tích cực áp dụng kiến thức ấy vào thực tiễn, vườn bưởi của ông Sương luôn đạt năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út, qua triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS, đến nay tại vùng dân tộc, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng được đảm bảo, cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng phù hợp, các mô hình sản xuất mới bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống của đồng bào dần được cải thiện. Giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh có trên 1,2 ngàn hộ đồng bào DTTS sản xuất kinh doanh giỏi. Hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm mạnh.

Không dừng lại ở đó, ông Sương còn chủ động chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm từ mô hình của gia đình mình tới bà con địa phương. Từ đó, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng không hiệu quả sang trồng bưởi da xanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Sương cho biết, ông cùng bà con luôn nỗ lực tạo ra sản phẩm sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị của sản phẩm, hướng đến các thị trường khó tính như các siêu thị và xuất khẩu.

Ngoài tham gia phát triển kinh tế, ông Sương còn được bà con nể phục, yêu mến bởi tấm lòng với các hoạt động từ thiện như: giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Không may bị tàn tật do tai nạn lao động, song ông Mai Văn Lượng, dân tộc Chơro (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) không hề chán nản mà vẫn luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu.

Ông Lương kể, trước đây để mưu sinh, ông rong ruổi khắp nơi làm thuê với rất nhiều công việc nặng nhọc khác nhau. Trong một lần đi đào giếng thuê, miệng giếng sụp đổ khiến ông bị chôn vùi trong đất. Ông bị gãy xương đùi và phải nằm viện suốt thời gian dài. Cuộc sống vốn đã khó khăn, từ đó lại càng vất vả hơn.

Không hề tuyệt vọng và nản chí, khi đôi chân bắt đầu có thể đi lại khập khiễng, ông cùng vợ lại bảo nhau làm ăn, quyết tâm bám đất, bám ruộng để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Nhờ sự chăm chỉ, đồng lòng của 2 vợ chồng, từ chỗ chỉ làm 2 mẫu đất với năng suất, chất lượng hiệu quả, vợ chồng ông thuê thêm lên 4-5 mẫu. Từ đó, thu nhập ngày càng tăng lên, cuộc sống gia đình ông ổn định dần. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông đầu tư sắm thêm nhiều máy móc vừa phục vụ cho sản xuất của gia đình mình, vừa cho thuê.

Những nỗ lực ấy đã giúp vợ chồng ông Lượng vượt khó, vươn lên thoát nghèo và nuôi 6 người con khôn lớn trưởng thành.“ Đôi chân khập khiễng chẳng thành vấn đề. Chỉ cần mình cố gắng hơn nhiều lần là cũng làm được như người ta”- ông Lượng chia sẻ.

* Mạnh dạn thay đổi để vươn lên

Nhiều năm trước đây, cuộc sống của vợ chồng chị Vòng Mỹ Phống, dân tộc Hoa (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) chật vật với nhiều khó khăn. Hai vợ chồng anh chị đều là công nhân, nuôi con nhỏ, trong khi đồng lương khiêm tốn nên cuộc sống chỉ đủ ăn, không dư giả. Mặt khác, do môi trường làm việc áp lực, không còn nhiều thời gian chăm lo cho con nhỏ, càng khiến anh chị trăn trở tìm một hướng đi mới trong công việc để vươn lên thoát nghèo.

Chị Vòng Mỹ Phống tại cơ sở gia công của mình. Ảnh: T.Lâm
Chị Vòng Mỹ Phống tại cơ sở gia công của mình. Ảnh: T.Lâm

Nhiều năm làm việc ở công ty, chị Phống được biết, có nhiều mặt hàng công ty vẫn đặt thuê thêm gia công ở ngoài. Thấy mình có thể làm được, chị cùng chồng bàn bạc, tính toán rồi mạnh dạn quyết định nghỉ việc để nhận hàng gia công về nhà làm mặt hàng sản phẩm túi đựng mũ bảo hiểm. Được công ty chấp thuận, vợ chồng chị đã vay mượn người thân vốn để đầu tư thiết bị máy móc và thuê một số công nhân về làm.

Chị Phống chia sẻ, thời gian đầu, do vợ chồng chị và cả công nhân đều chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nên hàng bị hỏng khá nhiều; những lô hàng đầu tiên đã không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thua lỗ. Không bỏ cuộc, vợ chồng chị tiếp tục nỗ lực mày mò tìm hiểu cách làm rồi học hỏi kinh nghiệm từ những người từng làm sản phẩm tương tự.

Nhờ đó, kỹ thuật, tay nghề của anh chị và công nhân ngày càng hoàn thiện, những lô hàng sau đó đã đáp ứng được đúng yêu cầu chất lượng mà công ty đề ra. Cũng từ đó, anh chị tiếp tục nỗ lực mở rộng quy mô của cơ sở và làm ăn ngày càng thuận lợi. Từ chỗ chỉ thuê 3 người đến nay đã lên đến 20 người, tạo thêm cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều phụ nữ ở địa phương, nhất là những chị em đang nuôi con nhỏ, làm nội trợ.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó, lại biết tính toán, ông Thạch Vương, dân tộc Khmer (ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) không những thoát nghèo mà còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi trong đồng bào DTTS. Đến nay, mỗi năm ông có thu nhập khoảng từ 200-300 triệu đồng từ mô hình trồng bắp và mì hiệu quả. Vào mùa vụ, ông còn tạo thêm nhiều việc làm cho bà con tại địa phương. Nhờ đó, ông luôn được bà con tin tưởng, yêu mến và bầu chọn là người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.

“Với vai trò là người uy tín trong đồng bào DTTS, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào để phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương. Tích cực vận động đồng bào tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương nhằm phát huy được sức mạnh đoàn kết trong đồng bào DTTS” - ông Thạch Vương chia sẻ.

Thảo Lâm

Tin xem nhiều