Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ: Tôi muốn góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam

04:10, 17/10/2020

Hơn 20 năm hoạt động trong nghề sản xuất nút áo, Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) đã trở thành doanh nghiệp Việt hàng đầu tại Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng, bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty vẫn luôn đau đáu một mong muốn là sẽ xây dựng được thương hiệu và vị thế của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ Quan Ngọc Liên
Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ Quan Ngọc Liên

Hơn 20 năm hoạt động trong nghề sản xuất nút áo, Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) đã trở thành doanh nghiệp Việt hàng đầu tại Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng, bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty vẫn luôn đau đáu một mong muốn là sẽ xây dựng được thương hiệu và vị thế của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Năm 1999, bà Liên thành lập công ty chuyên sản xuất các loại nút áo bằng các loại vỏ sò, vỏ ốc để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Với một phụ nữ lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, xây dựng được một doanh nghiệp có tên tuổi như hiện nay là điều không dễ dàng. Bà đã nếm trải nhiều thất bại, nhưng vẫn nỗ lực vươn lên.

Tự lực cánh sinh

* Từ một thợ trang điểm, kinh doanh áo cưới, vì sao bà lại rẽ ngang qua ngành sản xuất nút áo?

- Tôi đến với nghề sản xuất nút áo như một duyên nợ đã định sẵn từ trước. Chuyện bắt đầu từ khi tôi và một chàng trai Hàn Quốc thuê chung một căn hộ ở TP.Biên Hòa. Tôi thuê tầng dưới để kinh doanh tiệm áo cưới, còn chàng trai Hàn Quốc thuê lầu trên để ở và làm việc trong một công ty nút áo nước ngoài. Chúng tôi có một sở thích chung là cùng mê thiết kế nên dễ trở thành thân thiết, rồi yêu và kết hôn. Lấy nhau một thời gian, công ty chồng tôi làm việc phá sản. Thấy chồng tâm huyết với nghề làm nút áo và lòng nhiệt huyết của anh ấy cũng truyền qua tôi nên tôi bàn với anh ấy mở cơ sở sản xuất nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc. Lúc đó, tôi và chồng tôi đều nghèo, nhưng lòng đam mê sẽ thiết kế ra các loại nút áo từ những sản phẩm lâu nay đang bị bỏ phí ở nhiều vùng biển đã thôi thúc tôi thực hiện bằng được.

* Quá trình khởi nghiệp không thuận buồm xuôi gió, bà đã làm thế nào để vượt qua và trụ lại?

- Trước tôi, có không ít công ty trong nước, nước ngoài sản xuất nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc đã phá sản vì không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước khác. Ngày đầu mới thành lập, cơ sở sản xuất nút áo, tôi cũng phải chịu nhiều áp lực. Thế nhưng, tôi đã quyết tâm chọn nghề này nên chấp nhận mọi  vất vả, rủi ro. Vì không có sẵn vốn nên tôi và chồng phải tự tay làm gần hết mọi việc, từ khâu dựng nhà xưởng, đến thiết kế các mẫu nút và đi tìm mua nguyên liệu ở các đảo, vùng biển trong nước. Nguồn nguyên liệu trong nước rất hiếm, không đáp ứng được yêu cầu nên có những khi tôi phải ra nước ngoài để đặt hàng. Khi ấy vốn kinh doanh còn ít, phần lớn là vay mượn nên tôi tiết kiệm mọi khâu. Một, hai năm đầu, khi cơ sở mới đi vào hoạt động, nhiều lần đi thu gom nguyên liệu, tôi tự mình khuân vác ra tàu, vào đất liền lại tự mang vác hàng ra xe buýt chở về để giảm bớt chi phí.

Những đơn hàng đầu tiên xuất xưởng, tôi phải lặn lội đến các công ty may mặc trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm. Để chen chân vào được chuỗi cung ứng cho các công ty may mặc, tôi phải tốn khá nhiều tâm sức. Sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, đa dạng và giá cạnh tranh. Dần dần sản phẩm của tôi cũng được nhiều công ty may chấp nhận và đặt hàng.

* Đâu là bí quyết để bà điều hành một cơ sở sản xuất nhỏ, trở thành công ty cạnh tranh được với hàng ngoại nhập?

- Tôi có được như hôm nay là nhờ chịu được vất vả và kiên trì. Nghề thiết kế nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc không có trường lớp dạy, tôi phải tự học hỏi kinh nghiệm trong nước, nước ngoài. May mắn của tôi là có chồng từng làm nghề thiết kế nút áo tại Hàn Quốc nên có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi tìm hiểu những công ty trong ngành đã thất bại do nguyên nhân nào, để từ đó rút kinh nghiệm và tránh để không đi phải vết xe đổ. Nghề làm nút áo từ các loại vỏ sò, vỏ ốc khâu chọn lựa nguyên liệu rất quan trọng, nếu không chú ý kỹ càng khó đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Các công ty đặt hàng nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng họ sẽ hủy ngay đơn hàng. Vì vậy, đảm bảo chất lượng hàng hóa, giao sản phẩm đúng thời gian quy định là yếu tố sống còn của một cơ sở sản xuất muốn tồn tại lâu dài và phát triển. Tôi coi đây là kim chỉ nam cho suốt quá trình hoạt động từ cơ sở sản xuất nhỏ đến khi thành lập công ty và đến hiện tại.

Sản phẩm của tôi chất lượng đảm bảo, mẫu mã phong phú, giá cạnh tranh nên ngoài nhận được các đơn hàng trong nước, còn có thêm khách hàng nước ngoài. Từ cơ sở sản xuất nhỏ, tôi đã mở rộng dần quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng lớn. Khách hàng đến với công ty của tôi ngày một nhiều.

Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc của Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu)
Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc của Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu)

Tạo uy tín cho hàng Việt

* Hiện nay, Công ty TNHH Hoàn Mỹ trở thành thương hiệu nút áo hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Bà đã hài lòng với kết quả này chưa?

- Tôi có thói quen đã quyết định làm việc gì thì sẽ dồn hết tâm sức để thực hiện. Do đó, suốt quá trình theo nghề làm nút áo, tôi đã trải qua không ít rủi ro, có khi tưởng như trắng tay, sạt nghiệp nhưng vẫn trụ được và mở rộng công ty, thị trường tiêu thụ. Khi phong trào sản xuất nút áo bằng nhựa phát triển ồ ạt, giá rẻ, đơn đặt hàng nhiều, lãi cao, song tôi vẫn không đổi hướng. Tôi vẫn sản xuất nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc và kiên định với nguyên liệu mình đã chọn.

Qua tìm hiểu, tôi biết được, các thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới vẫn ưa chuộng loại nút áo làm bằng  nguyên liệu tự nhiên từ biển. Bởi nút áo làm từ vỏ sò, vỏ ốc có độ tinh xảo và đẹp hơn nhiều so với dòng nút nhựa hiện đại. Vì thế, công ty của tôi đã được nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Ý, Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong đặt hàng với số lượng lớn. Do đó, tôi giảm dần thị phần ở thị trường nội địa, chuyển qua xuất khẩu là chính. Hiện sản phẩm nút áo của tôi có hơn 90% xuất khẩu vào châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hong Kong. Thương hiệu nút áo Việt của Công ty TNHH Hoàn Mỹ từng bước khẳng định được vị trí trên sân nhà và thị trường thời trang quốc tế.

Kết quả này khiến tôi rất hài lòng, nhưng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và trở thành đối tác cung cấp sản phẩm nút cho nhiều thương hiệu quần áo, túi xách lớn trên toàn cầu.

* Vượt qua hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài để trở thành nhà cung ứng hàng đầu cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới, bà thấy đâu là điểm mạnh của doanh nghiệp Việt và đâu là điểm yếu?

- Tôi chuyên về lĩnh vực sản xuất nút áo nên chỉ đánh giá ở góc độ nhỏ với doanh nghiệp cùng ngành. Theo tôi, điểm mạnh của doanh nghiệp Việt là chịu khó học hỏi, bắt kịp xu hướng thời trang thế giới, kịp thời đưa ra các mẫu mã mới, đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, khi khách hàng có những ý tưởng muốn cung cấp những mẫu mã riêng, độc quyền, độ khó cao, tôi cũng như một số công ty khác trong nước đều đáp ứng được. Vì thế, các thương hiệu thời trang, công ty may mặc trên thế giới đánh giá rất cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm nút từ Việt Nam. Các đơn hàng của các thương hiệu thời trang lớn gần đây có sự dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt là sự liên kết với nhau còn lỏng lẻo. Trong khi doanh nghiệp các nước khác cùng ngành hàng liên kết, hỗ trợ nhau khá tốt.

* Bà có thể chia sẻ dự tính của mình trong thời gian tới?

- Hiện nay, tôi đang tiến hành làm thủ tục mở thêm một nhà máy sản xuất nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc tại H.Xuân Lộc để đáp ứng các đơn hàng lớn từ châu Âu. Khi xảy ra đại dịch Covid-19, Việt Nam phòng và chống dịch bệnh khá tốt nên các công ty thời trang trên thế giới rất tin tưởng và đã có sự điều chỉnh dần các đơn hàng về Việt Nam. Ngành nút áo cũng theo xu hướng trên nên hợp đồng đặt hàng đến với tôi nhiều hơn. Tôi sẽ nhân cơ hội này mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ để góp phần khẳng định vị trí của hàng Việt trên trường quốc tế, không thua kém hàng hóa của các quốc gia khác.                                        

* Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều