Tay vợt nam Dominic Thiem đi vào lịch sử khi lần đầu tiên giành được chức vô địch Grand Slam tại Giải quần vợt Mỹ mở rộng - US Open 2020. Bên phía nữ, tay vợt Naomi Osaka xuất sắc giành danh hiệu US Open thứ hai.
Tay vợt nam Dominic Thiem đi vào lịch sử khi lần đầu tiên giành được chức vô địch Grand Slam tại Giải quần vợt Mỹ mở rộng - US Open 2020. Bên phía nữ, tay vợt Naomi Osaka xuất sắc giành danh hiệu US Open thứ hai. Những gương mặt này sẽ đến với Giải quần vợt Pháp mở rộng Roland Garros 2020 với sự tự tin cực lớn để tiếp tục “làm nên lịch sử”.
Dominic Thiem và Naomi Osaka lên ngôi tại US Open 2020. Ảnh: USOpen |
* Tân vương US Open 2020
Là tay vợt xuất sắc bậc nhất của thế hệ quần vợt “NextGen”, Dominic Thiem vừa có tài vừa có phần “may mắn” khi đăng quang US Open 2020 mà không phải đối đầu với bất cứ ai trong nhóm “Big Three” (Nhóm ba tay vợt mạnh nhất) gồm Roger Federer (chấn thương không thi đấu), Rafael Nadal (bỏ giải vì Covid-19) và Novak Djokovic (đột ngột bị truất quyền thi đấu ở vòng 4 vì lỡ tay đánh banh trúng cổ một trọng tài dây).
Dù vậy, tay vợt chuyên nghiệp người Áo vừa bước qua sinh nhật tuổi 27 ngày 3-9 hoàn toàn xứng đáng để đăng quang chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp sau 3 lần vấp ngã “trước cửa thiên đường”. Lọt vào trận chung kết Grand Slam lần thứ 4, Dominic Thiem đã lội ngược dòng ngoạn mục trước Alexander Zverev - một tài năng trẻ khác của thế hệ “NextGen” và chiến thắng ở set thứ 5 bằng bản lĩnh và kinh nghiệm.
“Chiến thắng tại US Open hiện thực hóa giấc mơ của đời tôi trong quần vợt, một giấc mơ mà tôi đã nỗ lực rất lớn qua nhiều năm để đạt được nó” - nhà vô địch đơn nam Grand Slam đầu tiên của thế hệ 9X nói. Thiem giờ đây đã có sự tự tin hơn rất nhiều để trở lại châu Âu và tham gia tranh tài giải quần vợt Pháp mở rộng. Mặt sân đất nện là sở trường của Thiem và anh đang có lợi thế về sức trẻ, tuổi tác để đối đầu với ông vua kỷ lục đất nện Rafael Nadal.
* Osaka tiếp tục thăng hoa
Trong khi đó, tay vợt nữ Naomi Osaka thể hiện sự quyết tâm cao độ tại giải Mỹ mở rộng để vào chung kết và vượt qua thử thách từ đối thủ Victoria Azarenka - cựu số 1 thế giới năm 2012. Osaka đăng quang ngôi vô địch US Open lần thứ hai trong sự nghiệp. Như vậy Osaka trở thành tay vợt nữ trẻ nhất (22 tuổi) kể từ Maria Sharapova (2008) giành được danh hiệu Grand Slam thứ ba trong sự nghiệp (cùng danh hiệu vô địch Australia mở rộng 2019).
Tương lai và vinh quang vẫn còn vẫy gọi tay vợt nữ mang hai dòng máu Nhật Bản và Haiti này. Osaka là tay vợt gốc Á đầu tiên chiếm vị trí No.1 bảng xếp hạng WTA (tháng 1-2019) và hiện cô đứng vị trí thứ 3 thế giới. Osaka quyết định không thi đấu ở giải Ý mở rộng đang diễn ra (từ 12 đến 21-9), nhưng cô bỏ ngỏ việc đến Pháp tranh tài ở Roland Garros 2020. Nguyên do là Osaka cần có thời gian phục hồi thể lực, đồng thời cũng có phần lo ngại về sự an toàn sức khỏe do đại dịch Covid-19 vẫn đang “âm ỉ” tại nhiều nước châu Âu. Nếu đến Paris, đây sẽ là nơi Osaka cố gắng giành danh hiệu đầu tiên của mình trên sân đất nện.
* Roland Garros 2020: khán giả sẽ vào xem!
Do đại dịch Covid-19 nên giải Grand Slam sân đất nện duy nhất trong năm Roland Garros đã phải dời từ tháng 5 sang tháng 9 với ngày khai mạc năm nay là 21-9 và kết thúc ngày 11-10. Việc dời ngày âu cũng có điều tích cực là Roland Garros sẽ được phép đón trở lại một lượng khán giả nhất định trực tiếp vào sân xem các trận đấu. “Kể từ khi các giải quần vợt quốc tế bắt đầu lại, Roland Garros sẽ là giải đấu đầu tiên có đặc quyền tổ chức cho khán giả vào xem” - Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Pháp Bernard Giudicelli vui mừng nói.
Dominic Thiem liệu sẽ “phục thù” được đàn anh Rafael Nadal tại Roland Garros 2020?. Ảnh: Getty |
Các nhà tổ chức ở Paris sẽ cố gắng đáp ứng khoảng 20 ngàn người hâm mộ đến mỗi ngày, được chia thành 3 khu vực riêng biệt để đáp ứng các quy định giới hạn về việc tụ tập đông người tại một chỗ. Người hâm mộ có trách nhiệm đeo khẩu trang mọi lúc, ngay cả khi ngồi vào ghế xem trận đấu. Các quy trình nghiêm ngặt khác về sức khỏe và phòng, chống lây lan Covid-19 cũng sẽ được áp dụng.
Trong số các tay vợt nam, Roger Federer vắng mặt (và đã tuyên bố nghỉ hết năm 2020) do biến chứng sau phẫu thuật đầu gối. Vì vậy, Roland Garros sẽ chứng kiến cuộc đua tranh “tam mã” giữa tay vợt kỳ cựu Rafael Nadal (kỷ lục 12 chức vô địch Roland Garros), Novak Djokovic (1 lần vô địch, 3 lần vào chung kết) và Dominic Thiem.
Ở phía nữ, hiện tay vợt kỳ cựu Serena Williams từng ba lần vô địch Roland Garros đã xác nhận tham dự: “Tôi chắc chắn sẽ đến Paris”. Còn nhà đương kim vô địch Ashleigh Barty (Australia) lại tuyên bố không tham dự vì lý do Covid-19.
6 trong số những tay vợt nữ có thứ hạng cao nhất đã không thi đấu tại US Open 2020 nhưng hầu hết đã đến ATP Masters 1000 Rome để tranh tài (Simona Halep, Elina Svitolina, Sofia Kenin, Karolina Pliskova...). Giải đất nện ở Italy luôn được xem là giải khởi động cho các tay vợt “làm nóng” trước khi bước vào đấu trường lớn Roland Garros ở Paris.
Sau trận thua ở US Open trước Osaka, tay vợt Victoria Azarenka (từng sang Việt Nam thi đấu biểu diễn tháng 9-2012) nói: “Tôi rất hào hứng với việc được chơi trên sân đất nện. Tôi sẽ xem Roland Garros vượt qua dịch bệnh Covid-19 như thế nào. Tôi hy vọng họ sẽ làm tốt công việc bảo vệ sức khỏe cho các tay vợt hơn là kiếm tiền”.
“Hoàng tử” có lật ngôi “vua”? Mọi ánh mắt đang dồn về tay vợt Dominic Thiem vì anh là tân vương US Open và tay vợt có biệt danh là “hoàng tử sân đất nện” này sẽ đến Grand Slam đất nện với ý chí và mong muốn “phục thù” đàn anh Rafael Nadal - “ông vua sân đất nện”. Nadal đã hai lần đánh bại Thiem ở chung kết Roland Garros. Nhưng tại giải Australian Open 2020, Thiem lại hạ được Nadal ở tứ kết. |
Trung Nghĩa