Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng cơ sở 2 Đại học Y dược - tầm nhìn "trăm năm"

11:09, 18/09/2020

Vừa qua, Bộ Y tế và Trường đại học Y dược TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về dự án Xây dựng cơ sở 2 Đại học Y dược TP.HCM tại Đồng Nai. Đây là dự án được nhiều người quan tâm và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM về dự án này.

PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM Ảnh: V.N
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM Ảnh: V.N

Vừa qua, Bộ Y tế và Trường đại học Y dược TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về dự án Xây dựng cơ sở 2 Đại học Y dược TP.HCM tại Đồng Nai. Đây là dự án được nhiều người quan tâm và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM về dự án này.

 

* Kết quả buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về dự án xây dựng cơ sở 2 Đại học Y dược TP.HCM có được như mong đợi không, thưa ông?

- Chúng tôi đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về dự án này, thật vui mừng là lãnh đạo địa phương và lãnh đạo Bộ Y tế đều tạo điều kiện cho nhà trường. Chúng tôi cũng cam kết gắn bó với Đồng Nai và xây dựng cơ sở 2 Trường đại học Y dược TP.HCM tại xã Tân Hiệp, H.Long Thành. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Y tế, sẽ mang đến sự chuyển đổi cho địa phương cũng như ngành Y tế của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

* Qua khảo sát thực địa, đoàn công tác của trường đánh giá như thế nào về khu vực dự kiến sẽ xây dựng trường?

- Về khu đất để xây dựng cơ sở 2 Trường đại học Y dược TP.HCM tại Đồng Nai, thời gian qua nhà trường đã được địa phương hướng dẫn và giới thiệu cho nhiều địa điểm khác nhau, chúng tôi đánh giá rất cao thiện chí của địa phương. Sau một thời gian khảo sát nhiều nơi, hiện nhà trường chọn địa điểm ở xã Tân Hiệp, H.Long Thành. Địa điểm này rất thuận lợi vì nguồn gốc đất thuộc đất cao su do Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) quản lý và dự án cũng được lãnh đạo tập đoàn rất ủng hộ.  Trên tinh thần đó sẽ thuận lợi rất nhiều, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng, đây là khâu khó khăn và mất nhiều thời gian.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: “Quan điểm của Đồng Nai là rất quan tâm đến y tế, giáo dục và nâng cao sức khỏe của người dân. Ngay từ đầu khi Trường đại học Y dược TP.HCM đặt vấn đề xây dựng cơ sở 2 ở Đồng Nai thì tỉnh đã có sự ủng hộ cao, làm sao để dự án triển khai càng nhanh càng tốt. Hiện tại, khu vực trường xin xây dựng giai đoạn 1 đã phù hợp với quy hoạch. Với giai đoạn 2 nhà trường cần sớm cung cấp thông tin, hồ sơ để tỉnh đưa vào quy hoạch sử dụng đất”.

* Diện tích dự án cần tới gần 100ha, con số này là khá lớn, ông có thể cho biết cụ thể nhu cầu đất nói trên là để xây dựng những hạng mục gì?

- Trường đại học Y dược TP.HCM là trường nghiên cứu sức khỏe hàng đầu khu vực phía Nam, trong đó có rất nhiều khoa, sắp tới mô hình phát triển là Đại học Sức khỏe với nhiều trường đại học thành viên. Cụ thể, có khoảng 7 trường thành viên, ngoài ra còn phải xây dựng các cơ sở thực hành, bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa, viện nghiên cứu. Như vậy, chỉ tính bình quân mỗi cơ sở cần từ 8-10ha thì gần 100ha đất không phải lớn.

Không chỉ vậy, nơi đây có vị trí rất gần với cảng hàng không quốc tế Long Thành và chủ trương của nhà trường là xây dựng các cơ sở đào tạo và bệnh viện mang tầm quốc tế.  Như vậy, sinh viên được đào tạo, làm việc với môi trường quốc tế và đào tạo cho cả sinh viên quốc tế. Đối với hệ thống bệnh viện sẽ thu hút được bệnh nhân quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là dự án rất lớn của ngành Y tế tại Đồng Nai nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Trường đại học Y dược TP.HCM cơ sở 1 tại TP.HCM. Ảnh: M.H
Trường đại học Y dược TP.HCM cơ sở 1 tại TP.HCM. Ảnh: M.H

Theo tôi, việc xây dựng cơ sở 2 Đại học Y dược với một sứ mệnh như vậy thì tầm nhìn không phải chỉ là 10-20 năm, mà phải có tầm nhìn phát triển cho cả trăm năm. Chúng ta có một diện tích đất đủ lớn, ngay trong giai đoạn sớm chưa thể lấp đầy được ngay, nhưng về tương lai không phải là rộng. Việc phát triển hệ thống giáo dục y tế cần có tầm nhìn dài hạn.

* Có ý kiến cho rằng, xây dựng hệ thống Trường đại học Y dược TP.HCM ở Long Thành cũng được xem như tạo một “lá phổi xanh” cho các khu đô thị trên địa bàn sau này, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Khi xây dựng khuôn viên trường đại học thì không xây dựng kín như một khu dân cư, như vậy nó không bị bê tông hóa. Đối với một cơ sở giáo dục và y tế mật độ xây dựng thấp chỉ khoảng 30% diện tích và có nhiều cây xanh được trồng trong khuôn viên, do đó cách nghĩ dự án sẽ trở thành “lá phổi xanh” cho khu đô thị mới sau này tôi cho là hoàn toàn đúng. Về lâu dài, ở các khu dân cư xung quanh, tốc độ bê tông hóa là rất lớn, nhưng ở giữa có một khuôn viên trường đại học có nhiều cây xanh sẽ đóng vai trò “lá phổi” là cần thiết.

Sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: V.T
Sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: V.T

* Ông dự đoán như thế nào về sự tác động của hệ thống Trường đại học Y dược TP.HCM khi được xây dựng đối với khu vực Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung?

- Theo tôi, xây dựng hệ thống trường, bệnh viện và viện nghiên cứu của Trường đại học Y dược TP.HCM ở Long Thành sẽ mang lại tác động tích cực rất lớn cho địa phương, cái được đầu tiên tôi khẳng định là nguồn nhân lực y tế Đồng Nai được hưởng lợi và mạnh lên rất nhiều, cùng với đó sẽ kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội ở một mức độ nào đó.

* Mong muốn của nhà trường với tỉnh Đồng Nai ở dự án này là gì?

- Nhà trường mong muốn tỉnh Đồng Nai dành quỹ đất lâu dài cho dự án. Vì khi chúng tôi xây dựng giai đoạn 1 gần 20ha xong, phần còn lại nếu không được cam kết sẽ rất khó khăn để triển khai giai đoạn 2 ở những năm tiếp theo. Chúng tôi không mong muốn là sau khi xây dựng xong giai đoạn 1 lại phải đi tìm đất nơi khác để xây dựng các trường thành viên hoặc cơ sở thực nghiệm. Nguyện vọng của nhà trường là mong muốn tỉnh Đồng Nai đồng hành lâu dài trong dự án.

* Xin cảm ơn ông!

Theo đề xuất của Trường đại học Y dược TP.HCM, dự án dự kiến sử dụng 90ha đất. Trên diện tích này trường xây dựng 7 khoa tương ứng với 7 trường thành viên là: đại học Y, Răng hàm mặt, Dược, Y tế công cộng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng - Kỹ thuật y học… và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, các viện nghiên cứu liên quan đến ngành Y, khoa học sức khỏe. Dự án được đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư với diện tích gần 20ha và giai đoạn 2 gần 80ha.

Được biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phát triển nguồn nhân lực y tế, giai đoạn 2. Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở 2 Đại học Y dược TP.HCM tại Đồng Nai với quy mô là 6.050 sinh viên để từng bước phát triển thành Đại học Sức khỏe ngang tầm với khu vực và thế giới, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế có chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Dự án sử dụng vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Vân Nam (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích