Là đơn vị có quy mô lớn nhất trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Tổng công ty Cao su Đồng Nai) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tập đoàn cũng như kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Đứng trước những thách thức phát triển mới, theo định hướng của Chính phủ và tập đoàn, ngành Cao su đang có sự thay đổi chiến lược để hướng tới phát triển bền vững hơn, thích nghi với nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ông Đỗ Minh Tuấn |
Là đơn vị có quy mô lớn nhất trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Tổng công ty Cao su Đồng Nai) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tập đoàn cũng như kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Đứng trước những thách thức phát triển mới, theo định hướng của Chính phủ và tập đoàn, ngành Cao su đang có sự thay đổi chiến lược để hướng tới phát triển bền vững hơn, thích nghi với nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai Đỗ Minh Tuấn cho hay, hướng phát triển trong tương lai của đơn vị là vừa tiếp tục giữ vững vai trò lá cờ đầu trong quản lý, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su, vừa đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực có nhiều lợi thế như: bất động sản công nghiệp, đô thị, chuyển đổi dần một phần diện tích đất cao su sang các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh.
Tinh gọn bộ máy, giữ vững lá cờ đầu trong sản xuất, chế biến cao su
* Thưa ông, Tổng công ty Cao su Đồng Nai là đơn vị lớn nhất trong số các thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, ông có thể cho biết, một số nét về tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong những năm gần đây?
- Tổng công ty Cao su Đồng Nai là đơn vị có quy mô lớn nhất và cũng là đơn vị có mô hình tổng công ty duy nhất của tập đoàn. 5 năm qua, chúng tôi đã khai thác được hơn 132,6 ngàn tấn mủ (vượt hơn 3,2 ngàn tấn); đảm bảo thu nhập bình quân hơn 8,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu đạt gần 9,6 ngàn tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh hơn 1 ngàn tỷ đồng, nộp về tập đoàn hơn 2,5 ngàn tỷ đồng.
Năm 2020, tổng công ty dự kiến khai thác 28,2 ngàn tấn mủ (tăng gần 2 ngàn tấn so với năm 2019). Thu nhập bình quân của người lao động năm 2019 đạt 9,5 triệu đồng /người/tháng, đây là mức thu nhập cao nhất trong vài năm trở lại nay (gấp 1,5 lần so với năm 2015).
* Như vậy, mặc dù ngành Cao su gặp nhiều khó khăn do giá mủ sụt giảm song kết quả sản xuất, kinh doanh vẫn được đảm bảo và có chiều hướng tốt lên, tổng công ty đã có những giải pháp gì?
- Trước hết, đối với quản lý, khai thác vườn cây, về tổ chức sản xuất, tổng công ty đã chủ động điều phối hợp lý giữa vườn cây và lao động. Trong điều kiện lao động thiếu hụt, tổng công ty đã lựa chọn các phương án khai thác với tỷ lệ hợp lý, những vườn cây có năng suất cao luôn được khai thác ở nhịp độ tối đa, một số nông trường chuyển hẳn sang chế độ cạo mủ đông. Thực hiện tốt công tác phòng trị bệnh, áp dụng cơ giới hóa triệt để trong việc thu hoạch, chăm sóc vườn cây nên đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần gia tăng sản lượng.
Bên cạnh đó, phong trào rèn luyện tay nghề được chúng tôi đẩy mạnh, thường xuyên tổ chức tập huấn về lý thuyết và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ công nhân khai thác đã góp phần để người lao động thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động.
* Được biết, đứng trước các yêu cầu phát triển, đơn vị đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong doanh nghiệp theo hướng tinh gọn. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
- Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã định hình tái cơ cấu hoạt động theo hướng tập trung vào 5 lĩnh vực ngành nghề chính được Chính phủ cho phép. Trong quá trình tái cơ cấu, tổng công ty đã chủ động sắp xếp các tổ chức ngành nghề phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai, từng bước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo yêu cầu của tỉnh khoảng 10 ngàn ha để hướng đến diện tích cao su ổn định khoảng 28 ngàn ha (đến năm 2020 đã bàn giao 3,3 ngàn ha).
Về tổ chức sản xuất, tổng công ty đã bỏ cấp đội tại các nông trường, thực hiện mô hình quản lý 3 cấp, sáp nhập 13 nông trường còn 10 nông trường, sáp nhập 12 phòng nghiệp vụ còn 10 phòng nghiệp vụ, sáp nhập 4 nhà máy chế biến còn 3 nhà máy, sáp nhập 2 xí nghiệp thành 1, sáp nhập Trung tâm Văn hóa Suối Tre vào Văn phòng tổng công ty. Năm 2020, tổng công ty bắt đầu thực hiện đề án tinh giảm lực lượng lao động gián tiếp với mục tiêu giảm tỷ lệ lao động gián tiếp từ 14,5% xuống còn 9% vào năm 2021.
Để tập trung nguồn lực vào ngành nghề chính, tổng công ty đã và đang thực hiện thoái vốn gồm 1 công ty con, 4 công ty liên kết; 3 khoản đầu tư tài chính. Vào năm 2018 và đầu năm 2020, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn xong 1 khoản đầu tư tài chính và 1 công ty con. Các đơn vị còn lại đang tiếp tục thực hiện.
Chuyển hướng phát triển các ngành nghề có tiềm năng
* Thiếu hụt lao động là vấn đề chung của các doanh nghiệp trong ngành Cao su cả nước. để giải quyết tình trạng trước mắt, đơn vị đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Quả thực vấn đề hóc búa nhất hiện nay đối với chúng tôi cũng chính là lực lượng lao động ngày càng có xu hướng giảm. Để giải quyết thực trạng này, một mặt như đã nói, về lâu về dài chúng tôi phải thực hiện tinh giản lực lượng lao động, sắp xếp lại hình thức khai thác, đan xen nhau một cách hợp lý nhằm giữ vững được sản lượng khai thác.
Phát triển hạ tầng khu công nghiệp là một trong những định hướng lớn của Tổng công ty Cao su Đồng Nai trong những năm tới. Ảnh: V.GIA |
Giải pháp trực tiếp nhất là về các địa phương, tỉnh thành vùng sâu, vùng xa tuyển dụng lao động; đồng thời có chế độ đãi ngộ hợp lý, cung cấp nhà ở và các vật dụng sinh hoạt cho công nhân… nhằm giữ chân họ. Trong năm 2020, chúng tôi đã tuyển dụng được 250 lao động để phân bố bổ sung cho các nông trường thực hiện khai thác mủ. Việc tuyển dụng lao động mới sẽ tiếp tục được thực hiện tùy theo nhu cầu của từng đơn vị.
* Trong định hướng phát triển những năm tới, ngành Cao su đang có sự chuyển hướng phát triển tới các dịch vụ mang lại giá trị cao. Đối với cao su Đồng Nai, sẽ có những nét đáng chú ý nào, thưa ông?
- Hiện chúng tôi được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 7 lĩnh vực, trong đó có 5 lĩnh vực chính là: khai thác cao su sơ chế; tái chế nguyên liệu cao su; kinh doanh hạ tầng, dịch vụ khu công nghiệp, đô thị; chế biến gỗ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Trong cơ cấu doanh thu của đơn vị, hằng năm khai thác và chế biến mủ cao su đóng góp khoảng 70-75% giá trị sản xuất. 5 năm tới, tỉ trọng đóng góp của khai thác, sơ chế mủ cao su chỉ còn khoảng 40-50% tổng giá trị, cùng với đó là nâng dần tỷ lệ đóng góp của các lĩnh vực như: chế biến gỗ, dịch vụ bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới là dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Từ năm 2020, sẽ triển khai mở rộng 500ha đối với KCN Long Khánh và 70ha đối với KCN Dầu Giây. Dự kiến đến năm 2025, tổng công ty sẽ chuyển đổi 2 ngàn ha đất cao su sang đầu tư KCN, một lĩnh vực có doanh thu, lợi nhuận tốt.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030, ngành Cao su cũng sẽ đề xuất chuyển đổi tổng cộng hơn 18 ngàn ha từ quỹ đất cao su sang trồng cây nông nghiệp ngoài cây cao su; phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu dân cư và công trình hạ tầng xã hội tại các địa phương.
Sự chuyển hướng này nhằm thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu từ thị trường tiêu thụ, đồng thời là cơ sở để chúng tôi tiếp tục giữ được lợi thế phát triển một cách bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
Tổng công ty Cao su Đồng Nai là đơn vị lớn nhất và duy nhất trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam hoạt động theo mô hình tổng công ty. Hiện Cao su Đồng Nai có quy mô hơn 5 ngàn lao động, thực hiện đầu tư góp vốn vào 21 dự án, trong đó có 8 công ty con, 8 công ty liên kết, tổng công ty cũng thực hiện đầu tư tài chính vào 5 đơn vị thuộc lĩnh vực hạ tầng KCN và các ngành nghề khác. |
Văn Gia (thực hiện)