Cho đến nay, bộ biên khảo về Nam bộ (trước đây thường gọi là Nam kỳ lục tỉnh gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (quan đầu triều thời Gia Long, Minh Mạng) là bộ sách cái cho mọi công trình biên khảo về vùng đất này.
Cho đến nay, bộ biên khảo về Nam bộ (trước đây thường gọi là Nam kỳ lục tỉnh gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (quan đầu triều thời Gia Long, Minh Mạng) là bộ sách cái cho mọi công trình biên khảo về vùng đất này.
Tượng danh nhân Trịnh Hoài Đức tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa). Ảnh: Vĩnh Huy |
Trước đó Lê Quý Đôn có sách Phủ Biên tạp lục nhưng phần viết về Nam bộ không nhiều, dưới dạng là những ghi chép hơn là nghiên cứu, biên khảo. Gia Định thành thông chí là công trình để đời của Trịnh Hoài Đức. Hai chữ Gia Định ở đây chỉ toàn miền Nam kỳ lục tỉnh, từ Biên Hòa trở xuống Hà Tiên, không chỉ là tỉnh Gia Định. Đất Gia Định được hiểu là toàn vùng Nam bộ, còn đất Đồng Nai chủ yếu là nói đến các tỉnh miền Đông.
Gia Định thành thông chí hiện đang lưu hành 4 bản dịch, trước năm 1975, Trung tâm Học liệu quốc gia của Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn có xuất bản bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo (Tu Trai là hiệu của Nguyễn Tạo), gồm 2 tập; Viện Sử học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có bản dịch do Đào Duy Anh hiệu đính. Trong dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đặt hàng nhà Hán học Lý Việt Dũng, hiện đang ngụ P.An Hòa (TP.Biên Hòa) dịch ra quốc ngữ, bản nguyên văn chữ Hán viết lại in rất đẹp do một thượng tọa ở Q.Thủ Đức, TP.HCM thực hiện. Mới đây nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Vân ở Tiền Giang có bản dịch do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Cả 4 bản dịch đều có những ưu khuyết khác nhau nhưng về cơ bản đã cung cấp những tri thức quý giá đương thời của tác giả Trịnh Hoài Đức và ngày nay còn nguyên giá trị. Trong đó có những thông tin quý, cụ thể như trước khi Pháp xây cầu Rạch Cát (nối Biên Hòa - cù lao Phố), đã có cây cầu gỗ từ Biên Hòa bắc ngang qua Sa Hà, tức sông Cái qua cù lao Phố, nay là P.Hiệp Hòa.
Ngoài bộ sách Gia Định thành thông chí, sự nghiệp văn chương Trịnh Hoài Đức đồ sộ, dẫn đầu Gia Định tam gia cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh. Thi tập quan trọng của ông là Cẩn Trai thi tập gồm 3 tập nhỏ: Thối thực truy biên tập, Quan Quang tập và Khả Dĩ tập.
Nguồn: internet |
Đất Tân Triều nổi tiếng từ lâu, nay thuộc xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu, có các giống bưởi Tân Triều danh tiếng được xuất khẩu, ít ai để ý đây là một cù lao vì chiếc cầu ngay Bến Cá qua Tân Triều khá nhỏ và mặc dù Khu du lịch Năm Huệ có ghe máy đưa du khách tham quan quanh cù lao. Nói tới cù lao là phải nói đến bến đò và Trịnh Hoài Đức có bài Tân Triều đãi độ (Đợi đò ở bến Tân Triều) mà nhiều tuyển tập thơ văn Biên Hòa - Đồng Nai trích dẫn:
Tân Triều đãi độ cô chu hoành
Nhật lạc vi mang hà thủy hành
Mã túc mạn yêm thiên lý tráng
Khách tâm lao chú nhất gia thanh
Hàm hoa mỹ lý trường lưu khứ
Bô quả từ ô thâm thụ minh
Thôn điếm quy lai môn thập khấu
Trúc liêm vân quyển nguyệt song minh
Sách Gia Định tam gia có bản dịch như sau:
Thuyền ngang nằm lẻ bến Tân Triều
Vừa lặn mặt trời sông phẳng phiu
Chân ngựa dầm mang luồng tráng khí
Lòng người gởi với nước trong veo
Ngậm hoa cá chép xuôi dòng lướt
Mớm quả quạ hiền nép bụi kêu
Tới quán trong thôn vừa gõ cửa
Rèm tre mấy cuốn nguyệt vào theo
Láng giềng sát vách Biên Hòa - Đồng Nai ngày nay có cù lao Rùa, tức cù lao Thạnh Hội, trước đây thuộc Biên Hòa. Để đến cù lao Rùa, có thể đến bến đò ngang ở P.Bửu Long qua sông Đồng Nai đoạn rất hẹp ngay chợ cũ Bửu Long đối diện Thiên Hậu cổ miếu ở P.Bửu Long là tới. Trịnh Hoài Đức có bài Quy dữ vãn hà, nghĩa là Ráng chiều ở hòn Rùa. Có bản dịch:
Quy dữ thanh u vẽ nổi đâu
Ráng chiều rừng rực tỏa trên đầu
Nửa non ngang mở hang hoa thắm
Cách nước nghiêng bay lụa mấy màu
Chén ngọc say nâng xen kẽ ảnh
Vịt vàng quay chín nấu chung nhau
Bên trời cò lẻ bay man mác
Thổi sao kìa ai đứng tựa lầu
Bến sông, bến đò thường nảy ra tứ thơ, xem ra nội dung thơ Trịnh Hoài Đức còn phong phú hơn bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường bên Tàu. Thơ Trịnh Hoài Đức ngoài phong cảnh có tài nguyên, sản vật được thi vị hóa như “ngậm hoa cá chép xuôi dòng lướt” mà vẫn “Rèm tre mây cuốn nguyệt vào theo”.
Trên đường Trịnh Hoài Đức ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) có khu di tích văn hóa - lịch sử mộ Trịnh Hoài Đức; khu di tích này đã có dự án tôn tạo, mở rộng. Ngoài ra có Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức cũng ở P.Trung Dũng với chất lượng dạy học đã được khẳng định.
Trần Trị An