Vùng đất Đồng Nai giàu truyền thống văn hóa, được các nhà nghiên cứu dựa trên nhiều bình diện, góc độ. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của chính sách bảo tồn văn hóa, một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Đồng Nai đã được xuất bản, ra mắt bạn đọc.
Vùng đất Đồng Nai giàu truyền thống văn hóa, được các nhà nghiên cứu dựa trên nhiều bình diện, góc độ. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của chính sách bảo tồn văn hóa, một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Đồng Nai đã được xuất bản, ra mắt bạn đọc. Có thể kể đến những công trình: Văn hóa các dân tộc thiểu số Đồng Nai (Huỳnh Văn Tới chủ biên và nhóm tác giả), Thành cổ Biên Hòa (Huỳnh Văn Tới, Lê Ngọc Quốc, Phạm Chu Minh), Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai (Phạm Đức Mạnh), Rạng rỡ tài danh đất Đồng Nai (Bùi Thuận)...
Bên cạnh đó, hiện nay các địa phương đã tổ chức biên soạn, xuất bản một số sách lịch sử liên quan các địa phương cấp huyện, xã, phường... Đó là những nguồn tư liệu đa dạng góp phần trong việc nhận diện những sắc thái, chiều kích lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai trong diễn trình lịch sử phương Nam của đất nước, có giá trị giáo dục về tinh thần, truyền thống yêu nước đối với người dân địa phương, nguồn tài liệu phong phú để bảo tồn và phát huy những giá trị của vùng đất này.
Thời gian gần đây, trên cơ sở tư liệu nghiên cứu nhiều năm, một số tác giả đã công bố những công trình về di sản văn hóa Đồng Nai. Nhóm tác giả Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân xuất bản sách Mộ cổ Đồng Nai với dung lượng đồ sộ. Kết quả của công trình này gắn liền với công tác khảo cổ học từ năm 1975 đến nay mà PGS-TS Phạm Đức Mạnh đã gắn bó thời gian dài. Tác giả Nguyễn Hồng Ân - người Đồng Nai tiếp bước người thầy của mình trong việc nghiên cứu văn hóa Đồng Nai ở lĩnh vực khai quật các di chỉ. Loại hình mộ cổ có mối quan hệ mật thiết với những lớp cư dân sinh tụ trên địa bàn Trấn Biên cổ, Biên Hòa xưa, Đồng Nai nay của chiều dài lịch sử khai khẩn, phát triển. Tập quán, phong tục ở chặng cuối của chu kỳ đời người chính là những nguồn tư liệu quý báu phản ánh nếp sống, tín ngưỡng và nhiều mặt khác của các lớp cư dân. Với 487 trang chính văn, nhiều hình ảnh, sơ đồ minh họa, nhóm tác giả đã giới thiệu 71 di tích lăng, mộ cổ ở Đồng Nai trong đối sánh với 447 di tích tiêu biểu ở Nam bộ, 257 di tích cùng thời ở Nam Trung bộ, 62 di tích đặc trưng ở Bắc bộ. Lăng mộ dòng họ Trịnh - trong đó mộ Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) được xếp hạng di tích cấp quốc gia, một địa chỉ văn hóa quan trọng lưu dấu về danh nhân văn hóa của cả xứ Nam bộ. Nhiều lăng mộ ở các địa phương như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa được khai quật để tiến hành các dự án quy hoạch, xây dựng. Trong công cuộc phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, công tác khảo cổ nói chung và việc khảo cứu mộ cổ ở Đồng Nai được tiến hành đã cung cấp nhiều tư liệu về văn hóa Đồng Nai.
Những tư liệu khoa học được thu thập, phát hiện thông qua các mộ cổ Đồng Nai (hoa văn, trang phục, đồ trang sức, đồ tùy táng...) đã bổ sung nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử vùng đất này. Đó không chỉ là “nơi cuối của cuộc đời của mỗi người” còn sót lại mà ẩn giấu trong đó cả những tín niệm, quan niệm, thái độ ứng xử trong cộng đồng, nét văn hóa tộc người, phản ánh sự nhận thức, tính nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng và lòng ước ao của những con người đương thời gửi cho thế hệ mai sau.
Trong dự án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam có công trình về lễ cúng lúa mới của người Chơro ở Đồng Nai do tác giả Phan Đình Dũng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) biên soạn được NXB Văn hóa phát hành. Tộc người Chơro là cư dân sinh sống lâu đời ở Đồng Nai và hiện nay chiếm số lượng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trên cả nước. Người Chơro có những nét văn hóa độc đáo, trong đó có lễ cúng lúa mới - lễ lớn nhất trong năm, gắn với đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, lễ hội đã bị mai một, gián đoạn trong thời gian khá dài sau khi được phục hồi, tái dựng thời gian gần đây. Từ nguồn tài liệu khảo chứng, điền dã, tham dự lễ hội ở các địa bàn dân tộc Chơro trên đất Đồng Nai, tác giả đã phác họa đời sống của tộc người này, đặc biệt về loại hình lễ hội của cộng đồng.
Những giá trị của lễ hội người Chơro hiện nay đang được bảo tồn bằng nhiều cách trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, để giá trị di sản văn hóa này thật sự “sống động” cần đến sự quan tâm, nhận thức của chính cộng đồng Chơro, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách phát triển văn hóa ở địa phương. Công trình gồm 190 trang sách (chính văn, hình ảnh) đã khắc họa khá rõ về nguồn gốc và tín niệm, diễn trình, sinh hoạt cộng đồng và những giá trị vật thể, phi vật thể gắn liền với lễ hội người Chơro nhìn từ nhiều góc độ. Trong chương 3, từ thực tế nghiên cứu, tác giả đưa ra những ý kiến về giá trị tiêu biểu của lễ hội không chỉ dừng lại ở tính cố kết cộng đồng, một nhu cầu trong đời sống với môi trường cư trú, xã hội nhiều biến đổi mà còn là môi trường để bảo tồn các giá trị văn hóa của tộc người, góp phần làm đa dạng sắc thái văn hóa của cộng đồng cư dân trên đất Đồng Nai. Nhận diện từ góc độ di sản văn hóa và tài nguyên nhân văn, công trình đã gợi mở những giải pháp về công tác bảo tồn và phát huy; trong đó cần quan tâm đến khai thác giá trị văn hóa của lễ hội trong du lịch gắn kết môi trường sinh thái, đem lại lợi ích sinh kế thiết thực đối với chủ thể văn hóa tộc người Chơro hiện nay.
Nhật Nam