Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo Đinh Phong - người thầy của tôi...

05:09, 26/09/2020

Là một người làm công tác truyền thông ở một góc nhỏ của mảnh đất phương Nam, tôi chỉ là một "ngọn cỏ gió đùa" so với những cây đa, cây đề trong làng báo Việt Nam, trong đó có nhà báo Đinh Phong -  người anh - người thầy trân quý của tôi.

Là một người làm công tác truyền thông ở một góc nhỏ của mảnh đất phương Nam, tôi chỉ là một “ngọn cỏ gió đùa” so với những cây đa, cây đề trong làng báo Việt Nam, trong đó có nhà báo Đinh Phong -  người anh - người thầy trân quý của tôi.

Cố nhà báo Đinh Phong
Cố nhà báo Đinh Phong. Ảnh nguồn: https://nld.com.vn

1. Khi tôi còn thơ bé thì Nguyễn Văn Túc với bút danh Đinh Chiến (sau này đổi thành bút danh Đinh Phong)… đã là phóng viên xông xáo của Báo Nhân Dân chuyên đưa tin, viết những bài phản ảnh, phóng sự điều tra về các phong trào thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Thời ấy miền Bắc không có nhiều cơ quan báo chí như bây giờ, nhưng cũng có những tờ báo của các cơ quan, đoàn thể đại diện cho tiếng nói của giới, ngành thuộc các tầng lớp nhân dân. Trong ngần ấy tờ báo, Nhân Dân, cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam, là cơ quan báo chí lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính vì vậy, được tuyển dụng vào làm việc ở cơ quan báo chí này là điều đầy vinh dự và hơn thế nữa, đó còn là minh chứng của đạo đức và tài năng. Và Đinh Phong là một trong những chàng trai trẻ tràn đầy nhiệt huyết, đã chứng tỏ được những phẩm chất ấy. Lúc ấy,  Tổng biên tập Báo Nhân dân là ông Hoàng Tùng - nhà tư tưởng - chính trị giàu kinh nghiệm, nghiêm cẩn và đầy bao dung.

Từ môi trường đầy tình nghĩa, trí tuệ và thấm đẫm tính nhân văn của cơ quan báo chí cao nhất thuộc Đảng Lao động Việt Nam, đã góp phần hình thành nên tính cách, phẩm giá của Đinh Phong. Tính cách và phẩm giá này, đã dần lớn lên và đi cùng những năm tháng chiến tranh ác liệt đến thời hòa bình và đến tận cuối đời của nhà báo - chiến sĩ - đảng viên cộng sản Đinh Phong lúc vĩnh biệt cuộc đời.

2. Với tư cách là một phóng viên chuyên viết về nông nghiệp,  Đinh Chiến với chiếc xe đạp cọc cạch, đã đi khắp miền Bắc, xâm nhập thực tế và trở về với những bài viết hầm hập hơi thở về phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc.

Năm 1964, theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, Đinh Phong đeo ba lô, cầm bút và cầm súng lưu luyến rời cây đa Hàng Trống - trụ sở Báo Nhân Dân - nơi anh có biết bao kỷ niệm nghề nghiệp với các đồng nghiệp trẻ và những người thầy giúp anh trưởng thành như: Hoàng Tùng, Hồng Hà, Thép Mới… Rời Hà Nội - thủ đô của niềm tin và hy vọng, chàng trai trẻ Đinh Phong, lúc đó vừa bước qua tuổi 35 còn để lại góc phố, con đường, vườn hoa thủ đô một mối tình thật đẹp.

Đi ra chiến trường, anh mang theo trong tim hình ảnh một người con gái Hà Nội - một ngôi sao màu xanh của đời anh - như có lần anh kể với tôi. Khi vượt Trường Sơn, đi qua vĩ tuyến 17 - nỗi đau chia cắt, anh không dừng lại ở chiến trường khu 5, nơi có xứ Huế mộng mơ nhưng rất kiên cường - “quê hương chôn nhau cắt rốn” của anh mà đi thẳng về miền Đông “gian lao mà anh dũng” - nơi có các cơ quan báo chí văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đang chờ người lính mới.

Sau gần 3 tháng hành quân, đoàn của anh đến căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nằm ở xã Tân Lập, Bắc Tây Ninh và được phân công về Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu. Đinh Phong tiếp tục hành quân vượt qua Đồng Tháp Mười về miền Hậu Giang chằng chịt sông rạch, mỗi năm có một mùa nước nổi tràn đồng, phải trần lưng trước phi pháo của địch.

Trên chiến trường mới, ngoài những bài báo sắc sảo, ngồn ngộn chất liệu về người dân miền sông nước Cửu Long, tố chất văn chương, nhất là thể loại truyện ngắn trong anh có dịp bộc lộ qua sự giúp đỡ, khuyến khích của các nhà văn Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã… Như anh từng chia sẻ, những ngày ở chiến trường miền Tây Nam bộ, các truyện ngắn như: Người quen cũ, Tên tù binh, Trinh Trắng… lần lượt ra đời từ thực tiễn của con người vùng sông nước với phong cách và ngôn ngữ của người “miệt vườn” đúng điệu.

Từ đó, những tác phẩm như: Núi rừng diệt thù, Gió mới, Chú bé Sài Gòn, Cây dừa quê hương, Những viên đạn đất, Con những người đã mất, Hình người cưỡi ngựa, Đất trắng, Vết sẹo… lần lượt ra đời. Nhà báo Đinh Phong mở đầu nghiệp văn từ dạo ấy. Theo Đinh Phong chia sẻ: “Văn của anh nặng tình với báo nhưng anh muốn trang viết của mình giản dị, gần gũi với đời thường, không cần thiết phải “tô thêm giấm thêm tỏi”.”

3. Sau khi đất nước thống nhất, nhà báo, nhà văn Đinh Phong được tổ chức phân công về Đài Truyền hình TP.HCM. Và khi anh đã là một người lãnh đạo của cơ quan truyền thông lớn thuộc TP.HCM, thì tôi còn đang học những buổi đầu về báo chí cách mạng với các thầy Lưu Quý Kỳ, Phạm Dân, Trần Thanh Xuân, Hồng Hà, Thép Mới, Tô Hòa…

 Đến năm 1989, tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ V - đại hội sau đổi mới, các nhà báo kỳ cựu của Đồng Nai như: Võ Thế Đại, Lê Tân, Lê Thiện, Trần Văn Lực, Phạm Minh, Nguyễn Thiện Nhựt, Nguyễn Thị Bích Vân… dành cái danh dự cho lớp trẻ đi dự đại hội toàn quốc của giới báo chí Việt Nam. Lúc bấy giờ, tôi vừa bước vào tuổi 35, là trưởng đoàn đại biểu báo chí Đồng Nai gồm các anh Vũ Khánh, Bùi Thuận, Huỳnh Kim Ngọc, Nguyễn Thị Tư đi bằng xe lửa về thủ đô dự đại hội.

Tại đại hội, đoàn Đồng Nai được sinh hoạt cùng đoàn TP.HCM với nhiều khuôn mặt tên tuổi của ngành báo chí cả nước, như: Tô Hòa, Khái Hùng, Vũ Tuấn Việt, Võ Như Lanh, Vũ Kim Hạnh, Đinh Phong… nên nhờ đó, tôi có dịp làm quen và ngày càng thân thiết với người con xứ Huế Đinh Phong.

Đối với anh, tôi có thể “thành thật khai báo” hết những chuyện riêng tư sâu thẳm nhất từ trái tim và ngược lại, anh cũng có thể chia sẻ những lo lắng đọng lại của cuộc đời mà anh từng trải trong đau đớn.  Anh không chỉ là người thầy, khi chia sẻ những kinh nghiệm làm báo giấy, mà còn là người thầy lớn về nghề truyền hình. Còn nhớ, cuối năm 2002, các anh Trần Minh Thấu, Dương Thanh Tân đến Báo Đồng Nai trao đổi riêng với tôi, sau khi đã làm việc với anh Bảy Nhựt - Tổng biên tập về việc Thường vụ Tỉnh ủy điều động tôi về Đài PT-TH Đồng Nai. Tôi xin các anh cho mình ở lại, vì tôi rất dốt về báo nói, báo hình nên xin làm kẻ “ngoại đạo” với ngành kỹ thuật này. Thế nhưng, từ sự mềm mỏng đến kiên quyết của các anh, nên tôi đành phải chấp hành với một điều kiện xin Tỉnh ủy mời nhà báo Đinh Phong làm cố vấn cho đài Đồng Nai.

Từ đó, với tư cách là người thầy, anh Phong góp ý về công tác tổ chức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương hoặc tuyên truyền triển khai các nghị quyết của Đảng sao cho sinh động, đi vào lòng người. Đặc biệt, anh chỉ dạy tôi phương pháp làm phim tài liệu nên chương trình chiếu phim tài liệu là một nét rất riêng của đài Đồng Nai. Nói về việc làm phim tài liệu, anh dạy tôi khi chuẩn bị làm phim tài liệu theo đề tài này phải nghĩ đến những đề khác, để khi gặp các nhân vật lịch sử có thể ghi hình nhiều nội dung với nhiều góc độ, cảnh quay khác nhau, để làm tư liệu cho sau này. Anh còn căn dặn thêm, trước một lễ kỷ niệm có nhiều nhân vật lịch sử, theo kế hoạch làm phim đã định, cần phải tranh thủ gặp gỡ, thu thập những nội dung với những góc độ, thời điểm khác nhau, để sau này đỡ tốn kém về kinh phí, thời gian; thậm chí còn có thể có được những thước phim tư liệu quý hiếm. Nhờ đó, thời điểm bác Tám Cao (tức đại tướng Mai Chí Thọ) bị bệnh nặng, anh đã thông báo cho tôi biết bác Tám Cao đang nằm ở Quân y viện 108 và yêu cầu tôi làm một phim tài liệu về bác Tám. Phim đang được anh Năng Hiền thực hiện dang dở, thì một buổi sáng trời mưa rất to, điện thoại của tôi reo vang, nhấc máy thì đầu dây bên kia giọng nói thân quen của anh Đinh Phong như lạc đi: “Anh Tám Cao mất rồi! Mày hay chưa? Nghe nói mày đang làm phim về anh Tám, làm chưa? Nhanh lên!...”.

Từ những câu nói trong xúc động, ngập ngừng của anh, tôi và anh Năng Hiền chuyển thế để kịp ra mắt phim tài liệu về Người lính già của miền Đông, kịp trình chiếu trước ngày lễ tang của đại tướng, mà một bộ máy đồ sộ về điện ảnh của một ngành rất quan trọng chưa làm được.

4. Là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, anh luôn sống chân tình với lớp trẻ và trân trọng các thế hệ nhà báo lão thành như: Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang… Tôi đã từng chứng kiến, anh khiêm tốn, trân trọng, tiếp thu trước những ý kiến đầy lý tình của các nhà báo đàn anh trong các cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Riêng tôi, vẫn luôn nhớ mãi câu nói của anh: “Ở đời, sống phải nghĩa tình em ạ!”.

Hôm đến viếng anh ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, tôi gặp rất nhiều người cùng thời, người trẻ là đồng nghiệp của anh với rất nhiều vòng hoa tiễn anh ra đi, trong đó có vòng hoa của đồng chí Nguyễn Minh Triết. Tôi mới “ngộ” ra rằng, anh là một người rất hạnh phúc, bởi anh đã sống, chiến đấu, làm việc và chia sẻ với cuộc đời với tư cách là một người rất tử tế.

Xin vĩnh biệt anh, người thầy trân quý của học trò nhỏ nơi góc nhỏ của mảnh đất nắng gió phương Nam.

Mai Sông Bé

Tin xem nhiều