Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngọn núi cao nhất Nam bộ và những điều thú vị...

05:09, 26/09/2020

Đây là ngọn núi có nhiều tên gọi, nhưng dân dã nhất là tên gọi núi Bà Đen thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Ngọn núi được xem là cao nhất Nam bộ, trên đó có tượng thờ Bà Đen được tôn danh Linh Sơn thánh mẫu.

Đây là ngọn núi có nhiều tên gọi, nhưng dân dã nhất là tên gọi núi Bà Đen thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Ngọn núi được xem là cao nhất Nam bộ, trên đó có tượng thờ Bà Đen được tôn danh Linh Sơn thánh mẫu.

Linh Sơn Tiên Thạch tự ở độ cao 350m trên núi Bà Đen. Ảnh: Đ.Dũng
Linh Sơn Tiên Thạch tự ở độ cao 350m trên núi Bà Đen. Ảnh: Đ.Dũng

Gốc tích về Bà Đen có nhiều cách giải thích, đó là người phụ nữ Việt có danh tính, đức hạnh với nỗi niềm oan khiên sau khi chết hiển linh giúp dân. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Bà Đen cũng có nguồn gốc từ nữ thần Muk Juk của người Chăm, Neang Khmau của người Khmer.

* Chỉ dẫn thông tin

Núi Bà Đen ở Tây Ninh đã quá nổi tiếng, được nhiều sách vở đề cập từ xưa đến nay. Thời đại công nghệ với đa dạng phương tiện truyền thông, chỉ cần gõ cụm từ “núi Bà Đen” trong vòng 0,42 giây đã cho kết quả tìm kiếm khá lớn với 930 ngàn thông tin phong phú. Được xem là “nóc nhà” của Đông Nam bộ, núi Bà Đen có độ cao 986m so với mực nước biển. Ngọn núi được mệnh danh “đệ nhất thiên sơn Nam bộ” thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh, có diện tích 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành, gồm núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen.

Núi Bà Đen xưa và nay là điểm đến du lịch lý thú đối với nhiều người. Trong dịp Tết và ngày vía của Bà Linh Sơn (tháng 5 âm lịch) hằng năm, người hành hương rất đông. Năm 2018, lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, cơ sở hạ tầng đến với núi Bà Đen được đầu tư thuận lợi cho khách tham quan, tất nhiên phải trả phí cho các dịch vụ. Chính phủ đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035 với quy mô 2.903,79ha, mở rộng và kết nối các khu vực lân cận, tài nguyên di sản, tuyến du lịch quốc tế. Một tương lai phát triển ở khu vực mà núi Bà Đen được chọn làm điểm trung tâm.

Quần thể núi Bà Đen với những giá trị về mặt cảnh quan tự nhiên độc đáo, những thiết chế tín ngưỡng tôn giáo và gắn liền với các sự kiện lịch sử đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1989. Sách xưa về Nam bộ là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức biên soạn vào thế kỷ XIX, cho biết ngọn núi này tên gọi Bà Đinh, thuộc trấn Phiên An, đất đá lởm chởm, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, hang hố sâu thẳm... Người dân địa phương thường đào được những vật xưa bằng vàng ngọc..., có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương hoặc có khi thấy rùa vàng ẩn hiện bất thường... thực ra là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc hư ảo. Nhiều tư liệu khác cũng ghi chép những việc linh thiêng của ngọn núi Bà Đen. Tất nhiên, ngày nay với cảnh quan đã khác, núi Bà Đen xưa và nay cũng có nhiều đổi thay trong cả môi trường tự nhiên và nhiều công trình nhân tạo nhưng đây vẫn là một danh thắng nổi tiếng của khu vực Nam bộ, thu hút nhiều khách tham quan.

Núi Bà Đen trở thành điểm đến của nhiều người trong khám phá, du lịch, hành hương tâm linh. Có những con đường đi bộ khá cheo leo cho những ai muốn mạo hiểm nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe, đam mê; trong đó có cung đường Ma Thiên Lãnh mà nhiều bạn trẻ thường lựa chọn. Nhiều người đã chinh phục bằng đường bộ, lên đỉnh cao gần 900m để thỏa thích phóng tầm mắt bao quát chung quanh, chụp những khoảnh khắc với khung cảnh thiên nhiên đẹp. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Thông tin đại chúng cho biết, nhiều người đã gặp nạn trên chặng đường mạo hiểm leo núi Bà Đen trong thời gian qua, phải nhờ đến các biện pháp giải cứu từ cộng đồng khi bị mất phương hướng, bị thú tấn công, bị tai nạn...

Tác giả (bìa phải) dưới chân núi Bà Đen
Tác giả (bìa phải) dưới chân núi Bà Đen

Hiện nay, khách du lịch có thể tham quan núi Bà Đen thuận lợi khi có hệ thống cáp treo được đầu tư và đưa vào sử dụng mà một số thông tin cho rằng là “nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới được chứng nhận bởi Tổ chức Kỷ lục Guinness”. Nhà ga và hệ thống cáp treo khá hiện đại và những cảnh quan được tôn tạo vừa hiện đại và nổi bật trong màu xanh của núi rừng. Hai hệ thống cáp treo đưa du khách lên trên núi tham quan với một tuyến lên đỉnh núi và một tuyến lên chùa giữa núi ở độ cao 350m. Với hai hệ thống cáo treo ở độ cao khác nhau, du khách có thể nhìn bao quát phía dưới với những mảng cây cối, quần thể đá và làng mạc, đồng ruộng của khu vực chung quanh, xa hơn là hồ Dầu Tiếng với mặt nước bóng loáng khi phản chiếu ánh nắng.

* Cơ sở tín ngưỡng và sự kiện lịch sử

Quần thể núi Bà Đen có một số ngôi chùa và các điện, am thờ ở những khu vực khác nhau. Tùy theo địa điểm của chùa mà người dân hay gọi là chùa Thượng, chùa Hạ, chùa Trung. Những ngôi chùa này được xây dựng khá sớm  nhưng qua thời gian bể dâu, ảnh hưởng của thời tiết và chiến tranh, một số bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều chùa đã được trùng tu, xây dựng lại, bổ sung những phần kiến trúc mới sau này với hệ thống tượng, am, tiểu cảnh liên quan xung quanh.

Tượng Linh Sơn thánh mẫu trên chùa núi Bà Đen (tượng lớn)
Tượng Linh Sơn thánh mẫu trên chùa núi Bà Đen (tượng lớn)

Chùa Bà/chùa Thượng - ngôi chùa xưa nhất trên núi, là tên gọi dân gian trong cộng đồng có tên chữ Linh Sơn Tiên Thạch tự, địa điểm được nhiều người chọn đến tham quan, hành hương (ở độ cao 350m, có hệ thống cáp treo dẫn đến), xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII. Nơi thờ chính là hang đá tự nhiên có bài trí tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được tạo tác tinh xảo. Từ chùa Bà, một số con đường được xây dựng với các bậc xuyên qua các tán cây, bậc đá, dốc ngược, khúc khuỷu... để đến các ngôi chùa khác, được xây dựng, tôn tạo trên những dấu tích chùa cổ khai sơn có từ giữa thế kỷ XVIII như: chùa Linh Sơn Hòa Đồng, chùa Linh Sơn Long Châu (chùa Hang), chùa Quan Âm.

Liên quan đến các ngôi chùa này cũng nhiều truyền tích khá lý thú mà ở đó, bóng dáng của những con người xưa liên quan đến các địa điểm này như làn sương mờ ảo ẩn hiện giữa chốn thiền lâm. Phía dưới chân núi Bà Đen, có chùa Hạ/ tên chữ là Linh Sơn Phước Trung với kiến trúc mới trên nền dấu tích nơi thờ Phật xưa nay được bài trí thờ các Thánh mẫu phía hậu điện.

Với đặc điểm tự nhiên, nhiều khu vực trong quần thể núi Bà Đen được các lực lượng cách mạng chọn căn cứ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược: động Kim Quang ở phía Nam núi Bà Đen có hang động độc lập, vực sâu chia cắt là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang cách mạng địa phương; căn cứ Liên đội 7 thuộc khu vực núi Phụng là nơi đóng quân của Trinh sát Miền và những địa điểm ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong các trận đánh tấn công vào cứ điểm quân sự của địch.

Núi Bà Đen với thảm thực vật, động vật và đá hòa quyện nhau. Tín ngưỡng thờ Bà Linh Sơn không chỉ duy trì trong cộng đồng địa phương mà còn lan tỏa trong cả vùng Nam bộ được các nhà nghiên cứu cho là sự dung hòa từ tục thờ nữ thần của người Việt, Chăm, Khmer cùng với hệ thống tượng Phật, thần Thành Hoàng và Ông Tà (Neak Ta) đa dạng... Cùng với những huyền tích gắn với nhiều địa danh Suối Vàng, Đá Nứt, động Kim Quang, Huyền Môn, hang Gió, động ông Tà, động Ông Hổ…, các câu chuyện tâm linh được truyền tụng mang màu sắc bí ẩn, thiêng liêng góp phần cho ngọn núi thiêng được định danh “Linh Sơn”, gắn với cả định danh của đối tượng thờ “Linh Sơn thánh mẫu”.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều