Thời điểm từ tháng 9 trở đi, nước sông Đồng Nai dâng cao cũng là lúc nhiều loại tôm, cá đặc sản nước ngọt sinh sôi, phát triển mạnh. Trong đó, tôm càng xanh - được coi là "vua" của các loài tôm được nhiều người làm nghề chài lưới săn tìm.
Thời điểm từ tháng 9 trở đi, nước sông Đồng Nai dâng cao cũng là lúc nhiều loại tôm, cá đặc sản nước ngọt sinh sôi, phát triển mạnh. Trong đó, tôm càng xanh - được coi là “vua” của các loài tôm được nhiều người làm nghề chài lưới săn tìm.
Ở vùng nước lợ, tôm càng xanh sinh trưởng tốt, nhiều người thường đặt lọp, quăng lưới để bắt tôm. Ảnh: H.DƯƠNG |
Ông Năm Hùng, (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) ngư dân chuyên đánh bắt tôm càng xanh trên sông Đồng Nai tâm sự, có thể dùng lưỡi câu, quăng lưới hoặc đặt lưới để bắt tôm. Câu tôm phụ thuộc theo con nước, mỗi tháng chỉ câu trúng được chừng 10-15 ngày. Chưa kể, tôm ăn có thời điểm, có thể là lúc nước ròng hoặc nước lớn, khó mà đoán trước được. Thợ câu chuyên nghiệp phải canh đúng thời điểm để hành nghề, cất mẻ lưới lớn.
* Đi săn “vua” tôm
Phải khó lắm chúng tôi mới hẹn được những thợ chuyên câu tôm càng xanh, bởi công việc của họ thường bắt đầu lúc sáng sớm, xuất phát lúc trời chưa hửng nắng. Vậy nên chuyến khởi hành thường lặng lẽ, mỗi người một chiếc xuồng nhỏ cùng hàng trăm mồi câu thủ sẵn trong bao.
“Không phải khúc sông nào cũng có thể buông lưới mà phải lựa những đoạn nước sâu, nhiều hóc đá, mống cầu… Thả câu lúc nước yên, sóng lặng là thích hợp nhất. Sau đó, khoảng tiếng đồng hồ đi thăm câu một lần. Nếu gặp đúng con nước, tôm vào vụ thì chừng 30 phút là có thể cất lưới” - ông Năm Hùng bộc bạch.
Nhiều người câu tôm bằng cần, nhưng ông Năm Hùng thường kết lưỡi câu lại với nhau trên sợi dây dù dài. Mỗi lưỡi được thả cách nhau chừng 2m, lưỡi câu không cần mài nhọn, không sắc lẹm như lưỡi câu cá. Mồi câu cũng khá đá dạng, nhưng “bén” nhất vẫn là trùn nước. Mấy năm trở lại đây, ông Năm Hùng còn khám phá ra mồi mới là tép sông. Thấy hiệu quả, từ đó chuyển sang sử dụng luôn loại mồi này.
Chiếc xuồng nhỏ lướt êm ái trên sông đoạn từ cầu Đồng Nai đến cầu Bửu Hòa (TP.Biên Hòa), ông Năm Hùng bắt đầu thả những lưỡi câu đã đặt trên thành chiếc ghe nhỏ xuống sông. Với ông, câu tôm lắm lúc “hên xui” nên thợ câu cũng hồi hộp không kém. Có khi chờ cả mấy lượt câu mới bắt được vài con, chẳng đủ bù công sức bỏ ra.
Là người lâu năm trong nghề, chỉ cần cầm sợi dây dù kéo nhè nhẹ là ông biết con tôm cắn câu thuộc tôm nhất hay tôm nhị. Sở dĩ phải gọi tên như vậy vì đây là cách phân loại tôm. Tôm nhất càng phải dài, xanh bóng, to, còn tôm loại 2 thì bé hơn nên giá bán không cao bằng loại nhất.
Tôm càng xanh sống trong tự nhiên được thợ câu coi là “vua” của các loài tôm nước ngọt |
Mệt mỏi chờ đợi suốt mấy tiếng đồng hồ, cảm giác vui sướng là khi lưới cất lên trúng được tôm càng loại lớn. Những con tôm dính câu, vừa được đưa khỏi mặt nước búng tanh tách khá vui tai. So với tôm nuôi thì tôm càng xanh tự nhiên con nào cũng khỏe, nhảy búng trên tay người thợ câu.
Ông Năm Hùng tâm sự, “săn” tôm càng xanh trên sông không phải dễ dàng. Tiếc nhất là lúc tưởng chừng đã “tóm” được con tôm bự, nhưng không may nó búng mạnh chuồn lẹ xuống nước. Loài tôm chuyên búng ngược nên rất khó dính câu. Nếu câu bằng cần, ngay khi thả mồi xuống nước, tôm sẽ tới cắn mồi tha đi. Chúng thường kiếm chỗ “đậu” rồi mới ăn, khi tôm tha mồi làm phao và cần giật nhẹ. Người câu chỉ cần lôi nhẹ lên chứ không giật mạnh như câu cá là bắt được.
* Đặc sản vùng sông nước
Ông Hoàng Quốc Đạt (ngụ xã Tam An, H.Long Thành) bộc bạch, ngoài thả câu, nhiều người thường quăng lưới, đặt lưới để “săn” tôm càng xanh trên sông lớn. Tôm càng xanh không chỉ sống ở nước ngọt mà khu vực nước lợ cũng tập trung nhiều và sinh trưởng tốt.
Với chiếc ghe cào nhỏ, vợ chồng ông chỉ đi giăng lưới dọc tuyến sông Đồng Nai, đoạn gần cù lao Cồn Xịn kéo dài đến xã Long Hưng
(TP.Biên Hòa). Nơi đây, tôm càng xanh được coi là đặc sản nổi tiếng mà không nơi nào sánh kịp. Những chiếc lọp được đặt dọc mé sông từ chiều hôm trước, để qua đêm đến sáng hôm sau mới thu hoạch.
Theo ông Đạt, so với các loài thủy sản nước lợ khác, tôm càng xanh khó bắt hơn vì chúng sống ở tầng đáy. Ban đêm, tôm tiến sát bờ tìm thức ăn, ông phải rải lọp dọc (dùng mồi nhử để dụ tôm vào bẫy) đoạn sông mà chúng thường vào nhất. Tôm bắt được để trong thùng lớn, sục khí oxy đảm bảo tươi sống đến lúc bán cho khách. Gặp đúng con nước, kiếm được vài ký tôm thì những ngày tới sống khỏe re.
“Từ tháng 9 âm lịch trở đi, là thời điểm tôm sông sinh sôi nhiều. Con nào con nấy to tướng, thịt chắc lẳn, ngọt đậm hơn nhiều so với tôm nuôi. Giá bán trung bình khoảng 250-300 ngàn đồng/kg, tôm loại nhất bán lại cho các nhà hàng lớn có khi đắt gấp đôi” - ông Đạt nói.
Háo hức “săn” tìm loại đặc sản của vùng nước ngọt, ông Đinh Văn Ngọc (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cũng sắm chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên sông nước. Ông Ngọc cho hay, cũng là tôm càng xanh nhưng so với nuôi công nghiệp, tôm sông không to bằng mà giá lại cao hơn.
Tôm bắt được, ông thường bán lại cho các nhà hàng, quán ăn lớn. Người mua riêng phải đặt hàng trước, dù vậy không phải lúc nào cũng có sẵn. Ngày trúng có khi ông bỏ túi cả triệu đồng, ngày ít cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng đủ để lo các chi phí sinh hoạt cho cả nhà.
“Tôm càng xanh trong tự nhiên mùa nào cũng có, song rộ từ tháng 9 năm này đến tháng 3 âm lịch năm sau. Những nơi có nhiều tôm càng xanh sống là dọc các sông lớn. Mấy năm gần đây tôm tự nhiên ít hẳn nên giá bán không hề rẻ. Lúc nào cũng “cháy” hàng vì chất lượng ngon, được nhiều người ưa chuộng…” - ông Ngọc bộc bạch.
Một số người chuyên câu tôm càng xanh trên sông Đồng Nai chia sẻ, xóm cù lao Ba Xê (thuộc P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vài chục năm trước có nhiều thợ “săn” tôm điệu nghệ. Nhưng khi nước sông bị ô nhiễm, tôm càng ngày càng ít đi, nhiều chuyến giăng lưới, ngư dân chấp nhận ra về tay trắng. Đến nay, nhiều người đã lần lượt bỏ nghề, chỉ còn vài người bám trụ được. |
Hoàng Dương