Báo Đồng Nai điện tử
En

Một chuyện ăn cắp sách...

09:09, 04/09/2020

Có một chuyện ăn cắp được nhiều bạn bè của tôi nhớ đến, không phải vì thủ phạm đáng ghét hay vì cuốn sách quá đặc biệt mà chính là cách xử trí của những người trong cuộc.

Có một chuyện ăn cắp được nhiều bạn bè của tôi nhớ đến, không phải vì thủ phạm đáng ghét hay vì cuốn sách quá đặc biệt mà chính là cách xử trí của những người trong cuộc.

Năm đó, chúng tôi đang học lớp 12 Trường THPT Tân Phú (thuộc H.Định Quán, ngôi trường có tiếng của đất Đồng Nai nhiều năm trước), cái tuổi có nhiều mộng mơ nhưng cũng đã đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống. Một người bạn học của chúng tôi đã có một thử thách có lẽ là rất đáng nhớ, đó là bị bắt quả tang khi ăn cắp một quyển sách trong thư viện trường.

Ảnh minh họa: Nguồn: httpswww.pinterest.com
Ảnh minh họa. Nguồn: httpswww.pinterest.com

Người bạn ấy, tôi tạm gọi là anh X., nhà rất nghèo và rất siêng học. Anh tuy không thật sự nổi bật trong lớp về sức học, cũng không phải thuộc dạng “cá biệt” để người ta nhớ đến nhưng nhiều người vẫn hay nhắc đến anh bởi sự hòa đồng, gần gũi với mọi người. Hôm đó, anh vào thư viện đọc sách, nhân lúc không ai để ý đã lén giấu một cuốn đại số giải tích vào trong áo rồi lẳng lặng bước ra ngoài. Không may cho anh, (mà cũng có thể là rất may cho anh!) là cô quản thủ thư viện đã kịp nhìn thấy, thế là anh bị đưa lên gặp thầy hiệu trưởng.

Chuyện sau đó thì tôi chỉ nghe thầy chủ nhiệm kể lại, rằng khi nghe rõ nguồn cơn câu chuyện, chính X. đã thành thật xin lỗi, thầy hiệu trưởng chỉ dặn thầy chủ nhiệm tìm cách giáo dục anh X., đồng thời có cách quan tâm, giúp đỡ anh hơn. Khi sinh hoạt lớp, thầy chủ nhiệm nói: “Trong các loại ăn cắp thì ăn cắp sách là dễ tha thứ nhất, đáng thương nhất, nhưng dù vậy ăn cắp cũng là không tốt!”. Rồi thầy giao anh X. cho chi đoàn lớp giáo dục; lúc đó, tôi là Bí thư chi đoàn nhưng đâu có biết giáo dục một đoàn viên vi phạm là phải làm thế nào, nên chỉ động viên anh đừng buồn, rằng các thầy đã không trách phạt, không nêu tên trước trường, không hạ bậc hạnh kiểm thì coi như may mắn rồi...

Thực ra chúng tôi vừa nghèo vừa quá vô tâm. Phần lớn học sinh trong lớp là con nhà nông, đi học toàn nhịn ăn sáng, nếu có thì chỉ là cơm nguội qua quýt, không có tiền uống nước, nhưng nếu chúng tôi có lòng với bạn hơn - như sau này tôi nghĩ lại - thì có lẽ nên vận động quyên góp để mua tặng anh X. một cuốn sách, dĩ nhiên không phải vì anh ấy là kẻ cắp mà vì anh ấy ham học mà lại không có sách... Nhưng tôi nghe đâu, hình như chính thầy chủ nhiệm bỏ tiền túi hay thầy nào đó đã tặng X. một cuốn sách giải tích đúng như anh muốn có.

Anh X. sau này tốt nghiệp một trường đại học lớn và là kỹ sư hóa học... Còn người thầy chủ nhiệm của chúng tôi năm đó sau khi nghỉ hưu thì tham gia công tác khuyến học, đã giúp đỡ rất nhiều học sinh nghèo hiếu học không chỉ của Trường THPT Tân Phú mà còn nhiều nơi ở H.Định Quán. Riêng thầy hiệu trưởng khi nghỉ hưu còn tiếp tục làm hiệu trưởng ở vài trường tư thục khác, mà nơi nào cũng được học trò và giáo viên kính trọng, không chỉ vì tài năng, phương pháp quản lý mà còn cả về tư cách, đức độ...

Nhớ lại chuyện mấy chục năm trước, tôi vẫn thấy có nhiều điều để nghĩ. Tôi từng đọc được đâu đó trên báo rằng, có những học sinh ăn cắp sách trong nhà sách bị bắt đeo biển “tôi ăn cắp sách”, bị lăng mạ, bị bêu xấu, có trường hợp đưa lên mạng xã hội. Thì ra, với một số người, ăn cắp sách cũng như là ăn cắp những thứ khác, nếu không thể giao cho công an xử lý thì họ cũng “tự xử” bằng những cách thiếu nhân văn và không có tính giáo dục.

Người ta đã đánh đồng sách với một thứ của cải, tài sản chứ không xem sách như là biểu hiện vật chất của tri thức mà “ăn cắp tri thức” (nếu có thể có khái niệm này!) thì hẳn cũng không đáng lên án. Với họ, ăn cắp sách không phải là sai lầm dễ tha thứ nhất, đáng thương nhất như thầy chủ nhiệm chúng tôi đã nói. Nên cách xử sự của thầy hiệu trưởng trường tôi và thầy chủ nhiệm lớp tôi là rất nhân văn và là một bài học lớn cho nhiều người liên quan việc này, không chỉ với anh X.

Nhớ lại chuyện này, tôi mong sao, các giám thị, các giáo viên, các ban giám hiệu nên có cách quan tâm hơn đến học sinh của mình, có những ứng xử linh hoạt và nhân văn hơn, nhất là với các lỗi lầm. Trong trường, trong lớp hẳn có những hoàn cảnh cần quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, động viên, nhưng liệu các thầy cô có thấu hết chưa, có giúp đủ chưa, có tạo chuyển biến thực sự chưa? Với các sai phạm của học sinh, kể cả tái phạm nhiều lần của những học sinh cá biệt, người lớn đã quan tâm xử lý bằng những cách phù hợp chưa, trên tinh thần giúp học sinh sửa đổi, phục thiện chứ không phải là trừng phạt? Hoặc giáo viên đã có định hướng, tạo điều kiện để các học sinh thực sự quan tâm và hiểu hoàn cảnh của bạn mình không, để từ đó có những ứng xử phù hợp, để rèn tính đoàn kết, thân ái, sẻ chia, tương trợ?

Câu chuyện ăn cắp sách năm nào có thể là một câu chuyện giáo dục, một tình huống sư phạm đối với một nhà giáo, là một bài học sâu sắc đối với một người từng ăn cắp sách. Và với nhiều người khác, đó là một câu chuyện mang tính nhân bản của cuộc đời!

Nguyễn Minh Hải 

Tin xem nhiều