Ngoài sự vất vả, thu nhập không ổn định và đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm mỗi ngày, những lao động tự do như: thợ hồ, xe ôm, thợ sơn nước, bán hàng rong, người bán vé số... còn rất thiệt thòi khi không được đảm bảo nhiều chế độ như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế...
Ngoài sự vất vả, thu nhập không ổn định và đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm mỗi ngày, những lao động tự do như: thợ hồ, xe ôm, thợ sơn nước, bán hàng rong, người bán vé số... còn rất thiệt thòi khi không được đảm bảo nhiều chế độ như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế...
Bà Vũ Thị Quỳnh Chi bán rau cho khách tại khu vực chợ Trại Bò, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) |
Dù vậy, vì gánh nặng cuộc sống, họ vẫn phải nỗ lực mưu sinh mỗi ngày.
* Miệt mài mưu sinh
Hành trang trên con đường mưu sinh của bà Nguyễn Thị Lành (50 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) mỗi ngày là một tấm ván gỗ mang trên vai với đủ thứ món hàng như: mắt kính, bông tai, móc khóa, bóp da... Bán hàng rong chính là công việc mà bà mưu sinh hơn 10 năm nay.
“Trước kia không có nhiều người bán như mình, hàng quán tạp hóa cũng không nhiều nên thu nhập mỗi ngày cũng khá hơn, đủ lo cho con ăn học nhưng nay mỗi ngày trừ hết chi phí ăn ở, cả vợ chồng chỉ còn được chừng 150 ngàn đồng. Tôi chỉ mong trời đừng mưa lớn, đừng nắng quá to để đường đi đỡ vất vả hơn” - bà Lành bộc bạch.
Khi được hỏi về chính sách BHXH tự nguyện, hầu hết những lao động tự do đều cho biết, họ chưa thật sự nắm và hiểu rõ được thông tin cũng như quyền lợi về chính sách BHXH vì không có nhiều điều kiện để tiếp cận. Hoặc một số lao động tự do có biết, có hiểu song vì thu nhập bấp bênh, không ổn định, chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt nên dù muốn họ cũng không thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng quyền lợi sau này. Chính vì vậy, Nhà nước đã và đang có thêm nhiều chính sách hỗ trợ; các cơ quan chức năng đang tích cực tuyên truyền về lợi ích của chính sách này đến với người lao động, nhất là lao động tự do. |
Trong khi đó, hơn 6 năm nay, mỗi ngày vợ chồng bà Vũ Thị Quỳnh Chi (ngụ tại P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đều len lỏi ở các khu ven suối, hàng rào... để tìm hái các loại rau rừng như nhãn lòng (hay lạc tiên, chùm bao), khổ qua rừng (mướp đắng rừng), rau thài lài (rau trai), dây bình bát... để mưu sinh. Đây các loại rau từ lâu đã nổi tiếng ngon, lạ miệng được nhiều người ưa thích, thậm chí nhiều loại còn là vị thuốc dân gian chữa bệnh.
Bà Chi chia sẻ, trước đây bà có nhiều năm làm công nhân trong một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Amata. Cách đây 6 năm, khi đi chợ, bà tình cờ thấy một người bán các loại rau rừng, thu hút khá nhiều người mua nên lân la hỏi thăm và dần “học nghề”.
Bà Chi quyết định xin nghỉ công ty rồi cùng chồng rong ruổi khắp nơi tìm rau hái bán. Dần dà, bà có được nhiều mối quen thường xuyên tìm đến hỏi thăm, đặt mua hàng.
Rau hái về, bà Chi dành thời gian nhặt sạch, sau đó mang đến nhiều khu chợ khác nhau để bán như: chợ Trại Bò (P.Long Bình), chợ Tam Hiệp (P.Tam Hiệp), chợ Gia Viên (P.Tân Hiệp)... Tùy vào độ hiếm của các loại rau, giá bán thường dao động từ 10 -15 ngàn đồng/3 lạng. Số tiền kiếm được trung bình của vợ chồng bà khoảng 150 ngàn đồng/ngày.
“Hái được càng nhiều rau thì có thêm tiền. Vì vậy, dù có nắng to, mưa lớn, vất vả, vợ chồng tôi đều cố gắng vẫn đèo nhau rong ruổi khắp nơi... để tìm kiếm rau. Vất vả nhưng kiếm tiền một cách chân chính bằng sức lao động của mình nên vợ chồng tôi đều cố gắng mỗi ngày” - bà Chi bộc bạch.
* Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Không chỉ vất vả, những lao động tự do còn đối mặt với không ít hiểm nguy, tai nạn rập rình, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Câu chuyện của chị Đỗ Thủy Liên (quê tỉnh Kiên Giang) làm nghề thợ hồ là một trong số đó. Chị Liên chia sẻ, làm nghề này, ngày nào cũng phải tiếp xúc với khối lượng lớn gạch, cát, xi măng và bụi bặm nơi công trình. Hơn thế, chuyện bị gạch rơi vào người, giẫm phải đinh, đá bắn vào mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong cho khách tại khu vực công viên Chiến thắng Long Bình (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) |
Chị Liên kể: “Có lần, trong lúc chuyển gạch để xây tầng 2 của một ngôi nhà, tôi bị gạch rơi vào đầu, phải vào bệnh viện khâu tới gần chục mũi. Vừa chịu đau, vừa mất tiền công, tiền viện lại không ai lo cho con, vất vả vô cùng”. Thế nhưng, vừa xuất viện được vài tuần, vết thương chưa lành hẳn, chị Liên lại vội vàng trở lại công trình cùng chồng miệt mài lao động mưu sinh.
Sau tai nạn phải cắt bỏ 3 ngón chân của mình vào cuối năm qua, anh Trần Văn Lợi (quê tỉnh Nghệ An) đã quyết định từ bỏ nghề sơn nước để xin làm công nhân trong nhà máy sau nhiều năm gắn bó. Anh kể, lúc vào Đồng Nai lập nghiệp anh đã từng xin vào làm công nhân trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thế nhưng thấy công việc nhiều áp lực lại rất gò bó nên anh nghỉ ngang chỉ sau 8 tháng làm việc.
Được một người bạn giới thiệu, anh Lợi chuyển sang mưu sinh bằng nghề sơn nước. Công việc có phần thoải mái giờ giấc hơn công nhân, nhưng cũng từ đó, anh bắt đầu những ngày làm việc đứng chênh vênh trên giàn giáo, quần áo, mặt mũi lấm lem... Anh Lợi chia sẻ: “Mỗi ngày tôi được trả hơn 300 ngàn đồng. Nghe thì tưởng nhiều nhưng thực chất tổng thu nhập một tháng chỉ tầm 6-7 triệu đồng. Ngày nào có việc mới đi làm có lương, còn không thì ở nhà vẫn phải ăn tiêu mà không có tiền”.
Cũng theo anh Lợi, đa số những người làm nghề này đều không được chủ thầu trang bị bảo hộ lao động, không được ký hợp đồng lao động, không được đóng các loại bảo hiểm và hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Anh nhớ lại, khi anh bị tai nạn do vật liệu xây dựng rơi vào người, phải nhập viện điều trị nhiều ngày và cắt bỏ 3 ngón chân, chủ thầu cũng chỉ hỗ trợ anh mấy triệu đồng, còn lại mọi chi phí khác đều do vợ anh chạy vạy vay mượn.
“Qua sự việc ấy, tôi càng thấm thía được sự vất vả và thiệt thòi của lao động tự do, trong đó có nghề làm sơn nước như mình. Dù làm công ty có vất vả và áp lực thật nhưng sẽ an toàn hơn và quan trọng là có các chế độ bảo hiểm đầy đủ. Vì vậy, nếu ai đó đang làm công nhân trong các khu công nghiệp đơn giản vì thấy gò bó mà xin nghỉ để ra làm ngoài như tôi thì nên cân nhắc thật kỹ càng” - anh Lợi bày tỏ.
Thảo Lâm