Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch): Tôn vinh nghệ thuật Và tri ân Tổ nghiệp

06:09, 26/09/2020

Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12-8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngày giỗ tổ sân khấu được tổ chức rộng rãi khắp các tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai.

Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12-8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngày giỗ tổ sân khấu được tổ chức rộng rãi khắp các tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tiết mục ca múa phục vụ khán giả Ảnh: MY NY
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tiết mục ca múa phục vụ khán giả Ảnh: MY NY

[links()]Đây là dịp để giới nghệ sĩ tưởng nhớ và tri ân các vị tổ nghề, các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền sân khấu nghệ thuật. Bên cạnh những niềm vui với nghề, theo đuổi đam mê nghệ thuật, các nghệ sĩ vẫn còn nhiều trăn trở...

* Nét đẹp văn hóa…

 Xuất thân là tài tử hoạt động văn nghệ quần chúng, tham gia nghệ thuật không chuyên từ những năm 1980, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai) gặt hái nhiều thành tích nổi bật. Trong đó phải kể đến việc ông trực tiếp đào tạo cho rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc công, tài tử. Chỉ tính riêng những tài tử của tỉnh, nhờ sự chỉ dạy của ông đã mang về hàng chục tấm huy chương tại các liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Đến bây giờ, khi tuổi đã cao, nghệ nhân Phạm Lơ vẫn lặng thầm theo dõi, chỉ bảo, truyền nghề cho các nghệ sĩ trẻ. Dù không phải hoạt động chuyên nghiệp nhưng nghệ nhân Phạm Lơ luôn xem trọng lễ giỗ Tổ nghiệp hằng năm. Ông nói rằng, tùy vào điều kiện thời gian mà các nghệ sĩ sẽ chọn từ ngày 10 đến 12-8 âm lịch để tổ chức ngày giỗ trang trọng. Trong ngày lễ, các nghệ sĩ thường biểu diễn những trích đoạn sân khấu, vài câu vọng cổ hay đơn giản hát một ca khúc, chơi một bản nhạc yêu thích trước bàn thờ tổ để báo cáo với Tổ nghiệp về kết quả của một năm lao động, học tập.

“Trong bối cảnh sân khấu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đang phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình nghệ thuật nghe nhìn khác, Ngày giỗ Tổ càng trở nên quan trọng về mặt tinh thần. Trong ngày lễ, nghệ sĩ thể hiện niềm tin được Tổ nghiệp yêu thương, cho theo đuổi nghề thuận lợi, giúp họ cố gắng phấn đấu hơn để được khán giả yêu mến. Việc thành tâm hướng về Tổ nghiệp là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự trân trọng, say mê của nghệ sĩ với nghề của mình” - nghệ nhân Phạm Lơ bày tỏ.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn các tiết mục ca múa phục vụ khán giả. Ảnh: M.NY
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn các tiết mục ca múa phục vụ khán giả. Ảnh: M.NY

NSƯT Xuân Vương, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho rằng, giỗ Tổ sân khấu từ lâu đã trở thành một ngày thiêng liêng đối với những người làm nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Dù là chuyên hay không chuyên, một khi đã bước chân vào nghệ thuật rồi thì đến ngày giỗ Tổ mọi người vẫn luôn dành thời gian để thắp hương tưởng nhớ Tổ nghiệp. Đây là tín ngưỡng Tổ nghề, là một nét đẹp văn hóa đẹp của giới sân khấu Nam bộ nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung.

Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu hằng năm đều được Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành tổ chức bài bản, thu hút đông nghệ sĩ, diễn viên trên địa bàn huyện tham gia. Anh Phạm Văn Đức, cán bộ trung tâm cho biết, lễ giỗ là dịp để những người làm nghệ thuật ở cơ sở nhìn lại hoạt động của mình và cảm tạ Tổ nghiệp đã ban cho sức khỏe, tài năng để cống hiến cho khán giả. Từ ngày lễ, trung tâm có dịp gặp gỡ, chia sẻ với anh chị em nghệ sĩ, cùng “xốc” lại phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương để hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Nhiều người cho rằng, tri ân Tổ nghiệp nhân Ngày Sân khấu Việt Nam là cách để các thế hệ nghệ sĩ tự soi rọi lại chính mình để có hướng đi đúng đắn. Từ đó, có những cống hiến và lan tỏa nghệ thuật, những giá trị chân - thiện - mỹ đến với cộng đồng.

* Và những trăn trở với nghề...

Nhắc đến nghệ thuật ở Đồng Nai không thể không nhắc đến các nghệ sĩ “gạo cội” như: Giang Mạnh Hà, Quế Anh, Xuân Vương, Lâm Bảo Thịnh... Tên tuổi của họ đã trở nên quen thuộc trong lòng khán giả mộ điệu qua những vai diễn, vở diễn, những tác phẩm nghệ thuật “đi cùng năm tháng”.

Gắn bó với sân khấu Đồng Nai mấy chục năm, trong vai trò nghệ sĩ và nhà quản lý, NSƯT Quế Anh có lẽ là người hiểu hơn ai hết về đóng góp cũng như nỗi vất vả mà các nghệ sĩ đã trải qua khi nguyện gắn bó cuộc đời mình với nghệ thuật biểu diễn. Theo NSƯT Quế Anh, hiện nay những nghệ sĩ chọn gắn bó với sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống chủ yếu là vì đam mê.

Bên cạnh tài năng, anh chị em nghệ sĩ còn phải năng động, sáng tạo để đưa nghệ thuật đến với công chúng. Các nghệ sĩ, diễn viên như con tằm “rút ruột nhả tơ”, chấp nhận vất vả với những chuyến lưu diễn về cơ sở, chấp nhận hy sinh những giây phút quây quần bên gia đình cuối tuần để mang lời ca, tiếng hát, niềm vui đến với mọi người, mọi nhà.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn vở cải lương Niềm khát phục vụ khán giả
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn vở cải lương Niềm khát phục vụ khán giả

“Mặc dù hệ thống trang thiết bị của nhà hát còn chưa đầy đủ nhưng các nghệ sĩ đều tự mình khắc phục để có những chương trình biểu diễn tốt nhất phục vụ khán giả. Tuy nhiên, cái khó của nhà hát hiện nay là việc tuyển chọn các nghệ sĩ trẻ về tuổi đời và có khả năng diễn xuất để đào tạo, kế thừa đội ngũ nghệ sĩ đang ở độ “chín” như hiện nay. Ngoài ra, lực lượng nhạc công và hậu đài của nhà hát vẫn còn khá mỏng, việc tuyển nhân sự cho bộ phận này vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.

Nhiều năm đến với nghệ thuật, NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói rằng, nghệ thuật truyền thống hay các chương trình ca múa nhạc gần đây đã được đầu tư, dàn dựng công phu, có sức hấp dẫn không chỉ với mỗi người dân Việt Nam mà còn với du khách quốc tế. Vấn đề là làm thế nào để tạo được “sợi dây” kết nối giữa khán giả với sân khấu. Bởi đây là lĩnh vực nghe nhiều, nhìn nhiều. Càng gần gũi với đời sống càng dễ tiếp cận với công chúng khán giả.

“Khán giả bây giờ không như ngày xưa, phải thật hay và hấp dẫn thì họ mới xem. Trong bối cảnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, điều đáng ghi nhận là các nghệ sĩ ở Đồng Nai đã nỗ lực tìm tòi hướng đi mới, nghiên cứu đề tài và hình thức thể hiện. Việc thu hút khán giả đã được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên, cần thực hiện thường xuyên và liên tục, có chiến lược dài hơi, hiệu quả. Ngoài ra, cần có thêm những chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù cho nghệ thuật để giữ chân nghệ sĩ, nhất là người trẻ gắn bó với nghề” - NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

My Ny

 

Tin xem nhiều