Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịch Bàn tay của trời - Oan gia tương báo

12:09, 26/09/2020

Vở kịch nổi tiếng Bàn tay của trời vừa được tái dựng lại lần thứ 3 - phiên bản 2020 với dàn diễn viên kịch nói tài năng: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Quốc Thịnh, Hoàng Vân Anh, Ngọc Tưởng, Lê Nguyên Bảo, Lê Thúy…

 

Vở kịch nổi tiếng Bàn tay của trời vừa được tái dựng lại lần thứ 3 - phiên bản 2020 với dàn diễn viên kịch nói tài năng: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Quốc Thịnh, Hoàng Vân Anh, Ngọc Tưởng, Lê Nguyên Bảo, Lê Thúy…

Vở kịch được công diễn từ ngày 20-9 với sự hưởng ứng của đông đảo khán giả dự xem, sau đó diễn thường xuyên hằng tuần tại sân khấu Hoàng Thái Thanh (Q.10, TP.HCM).

* Làm lại vở diễn nhân văn

Bàn tay của trời được nghệ sĩ Ái Như đạo diễn dàn dựng từ kịch bản gốc Những đứa con oan nghiệt của tác giả là NSND Doãn Hoàng Giang. Cách đây 13 năm, lần đầu tiên Bàn tay của trời ra mắt công chúng yêu kịch nói phía Nam tại sân khấu Nhà hát 5B (năm 2007).

Vở diễn được người trong nghề và khán giả yêu thích, đánh giá cao nên đến năm 2011, nghệ sĩ Ái Như tiếp tục dàn dựng lại một phiên bản khác và biểu diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh trong vài năm.

Với tâm huyết “làm lại vở diễn đầy chất nhân văn, mang tính giáo dục cao” như Bàn tay của trời, năm nay nghệ sĩ Ái Như lại tiếp tục dàn dựng lại và kịp ra mắt khán giả ngay sau thời điểm kết thúc đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 lần thứ hai.

Ngoại trừ NSƯT Thành Hội giữ nguyên vai cũ (bá hộ Tư Chớp), dàn diễn viên có sự thay đổi vai như nghệ sĩ Ái Như từ mụ Hợi đỡ đẻ vào vai người mẹ có đứa con bị đánh cắp (bà Đồ). Quốc Thịnh vào vai thầy Đồ, Ngọc Tưởng vào vai tên cướp, diễn viên trẻ Lê Nguyên Bảo vào vai cậu Nhân hiền lành nhà thầy Đồ. Hoàng Vân Anh vai cô Đào tiểu thư đáo để, lẳng lơ, lĩnh nhiệm vị trí “chọc cười” khán giả rất thành công như diễn viên Ngọc Trinh ngày trước từng đảm nhiệm vai này (năm 2007). Lê Thúy vào vai bà Tư Chớp “đanh đá”, thể hiện được nhiều cảm xúc tâm lý trái ngược trong suốt vở diễn… Ngoài ra còn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: Thế Hải, Nguyễn Long, Sĩ Hoàng, Kim Phước, Tấn Đạt, Huỳnh Ly, Kỳ Thảo, Hoài Thương, Trần Khiết Hương, Bình Minh, Tomi Trương, Đình Hải, Phạm Natao, Khánh Quân…

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng vẫn đảm nhiệm vai trò thiết kế trang phục như lần đầu 13 năm về trước. Đây vốn là khâu quan trọng, mang lại màu sắc dân gian đậm đà cho vở diễn bên cạnh những bức tranh điển tích Đông Hồ, những chiếc mặt nạ ấn tượng và chữ “Nhân” màu đỏ treo giữa sân khấu trong phân cảnh nhà thầy Đồ…

* “Ác giả ác báo”

Dù là một vở diễn bi kịch tâm lý xã hội trên nền bối cảnh dân gian nhưng chủ đề Bàn tay của trời vẫn mang đậm hơi thở xã hội hôm nay. Vở kịch kể về câu chuyện hai đứa trẻ bị đánh tráo khi chào đời, dẫn đến việc lớn lên ở hai gia đình khác nhau: một gia đình nhà phú hộ giàu sang quyền quý, một gia đình là thầy Đồ thanh sạch thánh hiền, chuyên tâm dạy chữ cho con trẻ nên người. Đến khi vụ việc vỡ lở thì cũng là lúc kẻ chủ mưu - bá hộ Tư Chớp phải nhận lãnh quả đắng cay oan nghiệt từ hành động đen tối của mình ngày xưa.

Trên tình tiết “hoán đổi vận mệnh” bất thành, hai thái cực đối lập đầy tréo ngoe trong xã hội được phơi bày: một bên là trọc phú giàu sang nhưng dốt nát và “đầu trộm đuôi cướp” hách dịch, một bên là tầng lớp trí thức nghèo cố gắng giữ trọn khí tiết “nghèo cho sạch, rách cho thơm” và khát vọng đổi đời nhờ học vấn.

Yến Thanh

Tin xem nhiều