Từ Australia, Iris Lê - nữ y tá ở Adelaide chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần nhân dịp quyển sách "nhật ký y tá thời Covid-19" của cô Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam cuối tháng 9-2020.
[links()]Từ Australia, Iris Lê - nữ y tá ở Adelaide chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần nhân dịp quyển sách “nhật ký y tá thời Covid-19” của cô Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam cuối tháng 9-2020.
Trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần, Iris Lê (Quỳnh Phương) kể về nghề y tá là nghề rất nhiều áp lực và hy sinh, đặc biệt là khi dịch bệnh phức tạp như Covid-19 diễn ra. Làm thế nào để cô và các đồng nghiệp vượt qua mọi thứ để hoàn thành trách nhiệm? Với tư cách người trong cuộc và 90% câu chuyện trong sách là những chuyện thật mà cô và đồng nghiệp đã trải qua, Iris Lê cho biết:
Tên thật là LÊ NGUYỄN QUỲNH PHƯƠNG, Iris Lê sinh năm 1994, bắt đầu làm thơ từ năm 6 tuổi, đã tốt nghiệp ngành Y tá tại Đại học Nam Úc. Cô đang làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide, là người mẫu của Công ty Finesse Modelling và từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu Áo dài của Adelaide Nam Úc tháng 2-2020. Iris Lê viết tác phẩm đầu tay Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái (do NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành tháng 9-2020) như “lời tri ân đến những đồng nghiệp của tôi, đã và đang chiến đấu với đại dịch Covid-19”. Tác giả bày tỏ hy vọng “thế giới sẽ có những bài học lớn để có những kế hoạch phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn trong tương lai”. |
“Mỗi người sẽ có một phương cách riêng để giải tỏa căng thẳng và nạp lại năng lượng sau những ca trực đầy áp lực. Việc ngồi xuống tâm tình với nhau là một cách rất hiệu quả. Khi đã là một đội, là đồng nghiệp cùng đồng cam cộng khổ thì chúng tôi sẽ rất dễ hiểu, chia sẻ và tâm sự với nhau nhiều điều. Tôi có những người bạn đồng nghiệp rất thân để có thể gọi điện tâm sự, xả stress thậm chí là khóc vào bất cứ khi nào.
Nghề y tá dù có nhiều chông gai và thử thách nhưng những giá trị tinh thần mà nó mang lại rất xứng đáng. Với riêng tôi, một lời cảm ơn, một cái ôm, một tấm thiệp, gói kẹo hay hộp chocolate tri ân từ bệnh nhân hoặc gia đình của họ giúp xua tan mọi mệt mỏi cay đắng trong nghề và những niềm vui ấy đọng lại trong tôi rất lâu. Do tôi làm khoa nội, nhiều bệnh nhân nhập viện lâu ngày nên sau một thời gian các y tá cũng có cảm tưởng bệnh nhân chính là người nhà của mình vậy”.
* Bạn nghĩ gì về đại dịch Covid-19? Chúng ta học được những gì từ đại dịch này?
- Đây không phải là đại dịch đầu tiên và cũng sẽ không phải là cuối cùng. Tôi cũng không cho rằng đây là dịch bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, như tôi có giải thích trong sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái, yếu tố khiến cho Covid-19 khác so với tất cả đại dịch khác trước đây là vì nó được sinh ra vào thời đại bùng nổ của mạng xã hội và công nghệ thông tin. Nhiều năm về trước, chúng ta chỉ nắm bắt thông tin qua radio và báo đài. Tin đến chậm nhưng cũng có phần chính xác và được kiểm duyệt chặt chẽ hơn.
Bây giờ, chỉ cần lướt Facebook một chút đã thấy vô số nội dung thông tin. Trong đó có cả những tin tức ngụy khoa học, tin giả… lại được chia sẻ rộng rãi rất đáng lo ngại. Một bài học khác còn là vấn đề giao thông quốc tế giữa các nước. Có phải ở thời toàn cầu hóa chúng ta quá chủ quan và dễ dãi trong vấn đề xuất nhập cảnh không? Và điều nữa đó là không bao giờ được chủ quan hay “phản ứng chậm” trước dịch bệnh. Một số quốc gia đợi “nước đến chân mới nhảy” đã gánh hậu quả nặng nề, trở tay không kịp khi virus tràn đến như cơn sóng thần.
* Thế giới đã có quá nhiều mất mát ở đại dịch này, mà lớn nhất chính là sinh mạng con người. Cuộc trao đổi này diễn ra khi Covid-19 đã cướp đi mạng sống của gần 970 ngàn nạn nhân trên toàn thế giới…
- Xin được chia sẻ những gì tôi đã viết trong sách để bày tỏ cảm nghĩ của mình: “Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Mia đã học được rất nhiều bài học về sự mất mát và cách để sinh tồn qua mất mát để không bị ngã xuống những vực thẳm của nỗi đau. Mối quan hệ không dừng lại khi một người mất đi, nó chỉ đi từ trạng thái này sang trạng thái khác, ta vẫn nuôi dưỡng những tình yêu thương, sự ảnh hưởng, nguồn năng lượng họ đã để lại cho chúng ta. Có lẽ có đi qua mất mát, những ảnh hưởng người đã mất để lại còn sâu sắc hơn thuở sinh thời”.
Sinh - lão - bệnh - tử là vòng tuần hoàn của tạo hóa. Người ra đi về cõi vĩnh hằng, đó chính là khai phá đời sống mới của sự luân hồi, chuyển giao năng lượng. Họ sống trong tim và trong ký ức của những người ở lại. Người ở lại khóc vì sự mất mát của chính mình, đó là những giọt nước mắt vị kỷ.
Chúng ta khóc vì chúng ta là những người ở lại. Mọi cuộc chia ly đều mang lại đau khổ. Nhưng cuối cùng thì đâu có cái gì thuộc về chúng ta? Vạn vật trên đời đều là phù du, cuối cùng rồi cũng sẽ trở về với cát bụi. Càng thích chiếm hữu, chúng ta sẽ càng làm bản thân đau khổ thêm, chi bằng học cách buông bỏ và chấp nhận rằng không có gì là mãi mãi. Người ra đi thì sẽ không còn phải lo nghĩ nữa. Và nhiệm vụ của chúng ta, những người ở lại, chính là trân quý những giá trị mà họ đã tạo ra và xây dựng nên những giá trị khác dựa trên những gì họ đã mang lại.
Cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục, mặt trời vẫn mọc, trái đất vẫn quay. Chúng ta phải tiếp tục sống. Chính những người còn sống là những người có thể làm nên sự khác biệt cho thế hệ mai sau. Nhân vật Mia của tôi đã “quyết định sẽ không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục hy vọng; bởi vì khi nào chúng ta mất hết hy vọng, khi đó mới chính là mất tất cả”.
Tình hình covid-19 ở TP.Adelaide nơi bạn ở hiện nay ra sao? - Thủ phủ Adelaide nói riêng và bang Nam Úc nói chung may mắn là một trong những bang ổn nhất, không bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng. Số ca dương tính tăng cao hồi cuối tháng 3 (đợt 1 - cao nhất 458 ca/ngày), rồi cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 (đợt 2 - cao nhất hơn 700 ca/ngày), nhưng may là đến thời điểm này đã giảm mạnh. Giai đoạn khó khăn nhất hiện đã vượt qua (ngày 23-9 bang Nam Úc chỉ có 2 ca nhiễm mới). Dĩ nhiên vẫn không thể chủ quan và mất cảnh giác ở thời điểm này. Người gốc Việt hay người Úc bản xứ ở các bang đều áp dụng một số quy tắc chung do Chính phủ Úc ban hành. Cá nhân tôi từ ngày có dịch Covid-19 xảy ra thì không dám gặp bà ngoại và gia đình vì muốn bảo vệ tuyệt đối sự an toàn sức khỏe cho các thành viên có tuổi trong nhà vốn có thể hệ miễn dịch không mạnh bằng người trẻ. Ngoài ra ai cũng hạn chế đi đến nơi đông người, siêng rửa tay với dung dịch sát khuẩn… |
* Như tựa quyển sách của bạn: Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - đại dịch Covid đã thắp nên những ánh sáng nhân ái ở khắp mọi nơi. Ở Việt Nam đó là “lá lành đùm lá rách”, không thiếu những tấm lòng chia sẻ từ cộng đồng dành cho người khó khăn hơn với những sáng kiến đầy nhân văn và tình người, đơn cử như “ATM gạo” miễn phí cho người nghèo, những đợt quyên góp thiện nguyện, tặng khẩu trang, máy thở... Còn nơi bạn sống và làm việc thì sao?
- Vâng. Bên cạnh những mảng màu đen trong bức tranh toàn cảnh về đại dịch Covid-19 còn có những điểm sáng, dù nhỏ hay lớn vẫn đủ để khiến người chiến sĩ nơi tuyến đầu thấy ấm lòng. Đó là những khách sạn bắt đầu mở cửa tài trợ chỗ ở miễn phí cho các y tá và bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus. Đó là những chiến dịch “Nhận nuôi nhân viên y tế” trên Facebook với hơn chục ngàn lượt thích và theo dõi ở từng bang của xứ sở chuột túi.
Tất cả bắt nguồn tại TP.Perth, khi Chris Nicholas bắt đầu một nhóm “Nhận nuôi nhân viên y tế” trên Facebook: “Tôi và mẹ tôi muốn nhận nuôi những nhân viên y tế. Mẹ tôi là một đầu bếp giỏi. Tôi là một giáo viên hưu trí, con đã lớn và ở riêng. Nếu bạn cần chúng tôi giúp nấu ăn, đi chợ, giữ trẻ em, hay đảm nhận việc giặt giũ, dắt chó đi dạo, thì hãy liên hệ với chúng tôi qua tài khoản này. Cảm ơn bạn vì đã ở trong số những người đứng đầu chiến tuyến, chúng tôi luôn nghĩ đến bạn”.
Và đó chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn những mẩu tin khác tương tự như vậy. Trong sách, tôi viết cảm xúc nhân vật của mình: “Vào những thời điểm đen tối nhất, khi cảm thấy bị kéo xuống đáy của vũng bùn tuyệt vọng, Mia lại click vào những trang Facebook ấy, và cô bất giác mỉm cười, cảm thấy như có những ngọn lửa nhỏ sưởi ấm lòng mình”.
* Bạn có chia sẻ gì với những bạn trẻ, sinh viên học sinh muốn theo đuổi nghề y tá?
- Tôi nghĩ để trụ vững với nghề này, các bạn cần nhất là tấm lòng và sự kiên nhẫn, chịu khó học hỏi. Phần thưởng lớn nhất của nghề chính là sau một ca làm trở về biết rằng ngày hôm nay mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng, đã giúp đỡ được những bệnh nhân trong lúc họ yếu đuối, ốm đau. Như một câu châm ngôn mà tôi rất thích đó là “Không có một chiếc gối nào êm ái hơn một lương tâm trong sạch”.
* Không chỉ đến khi dịch bệnh gây tác động mạnh và căng thẳng, chúng ta đều có những nỗi buồn trong cuộc sống đời thường. Làm thế nào để vượt qua những nỗi buồn ấy và nhìn thấy những “mầm nhân ái” xung quanh?
- Như nhân vật Mia trong sách, tôi “cho phép mình được buồn, vì nỗi buồn là những mầm mống tốt đẹp của cuộc sống. Nỗi buồn cho thấy người ta còn biết yêu thương và còn tồn tại lòng trắc ẩn. Có nỗi buồn, con người mới có khoảng thời gian trầm lắng, sống chậm lại để suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều điều để rồi từ đó trưởng thành hơn”.
Tôi nghĩ dùng những suy nghĩ hướng thiện, tư duy tích cực và thái độ sống lạc quan, biết ơn những gì mình đang có và biết đủ với thực tại sẽ giúp chúng ta không bị lún xuống đáy sâu của sự phiền muộn. Đừng ép bản thân phải cố vui! Cứ nhấm nháp nỗi buồn và quan sát bản thân mình đi qua những nỗi buồn ấy như thế nào. Đừng cố chạy trốn nỗi buồn hay lảng tránh, hắt hủi nó. Có những nỗi buồn rất đẹp, nó dạy ta biết cách buông bỏ, rèn giũa chúng ta thêm mạnh mẽ, bản lĩnh. Từ đó ta biết trân quý hơn những gì mình đang có. Trong lúc tăm tối nhất, hãy biết rằng mọi nỗi buồn rồi cũng sẽ qua, dịch bệnh sẽ đến lúc thoái lui và kết thúc. Như sau cơn mưa trời lại sáng.
Thấu hiểu tấm lòng các y, bác sĩ Cảm nhận về cuốn sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của Iris Lê (NXB Văn hóa - văn nghệ), nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá: “Đây là một trong những cuốn sách lấy bối cảnh toàn thế giới đang đối đầu đại dịch Covid-19 khiến người đọc ngẫm nghĩ mãi và thấu hiểu thêm tấm lòng của các y, bác sĩ tận tụy phục vụ người bệnh. Ngoài ra còn là những suy nghĩ, suy tư thầm kín của người Việt xa xứ trong va chạm bản sắc văn hóa khi ngụ cư ở nước ngoài; là sự xáo trộn trong quan hệ cùng một cộng đồng đã diễn ra trong “mùa diệt vong” Covid-19; là tình người nương vào nhau trong những ngày tháng đen tối. Từng mẩu chuyện nhỏ đầy kịch tính khiến có lúc ta nhói lòng, thở dài… Iris Lê kể lại nhẹ nhàng, không “lên gân”. Nhờ thế, bức tranh nhiều tâm trạng, nhiều cảm xúc quyện vào nhau hài hòa để lôi cuốn con mắt người đọc phải lướt theo, bám theo từng dòng chữ có sức hấp dẫn và lôi cuốn mãnh liệt”. |
Trung Nghĩa (thực hiện)