Tuần lễ Khí hậu thế giới diễn ra từ ngày 21 đến 27-9-2020 tại New York. Đây là Hội nghị thượng đỉnh diễn ra cùng với Đại hội đồng LHQ và quy tụ các nhà lãnh đạo quốc tế từ doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự để thể hiện hành động đối với biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, CEO Sundar Pichai của Google và Alphabet công bố những chính sách quan trọng của mình trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.
Tuần lễ Khí hậu thế giới diễn ra từ ngày 21 đến 27-9-2020 tại New York. Đây là Hội nghị thượng đỉnh diễn ra cùng với Đại hội đồng LHQ và quy tụ các nhà lãnh đạo quốc tế từ doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự để thể hiện hành động đối với biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, CEO Sundar Pichai của Google và Alphabet công bố những chính sách quan trọng của mình trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.
Sundar Pichai, CEO Google & Alphabet phát biểu về Chương trình hành động về môi trường của Google Ảnh chụp màn hình |
* Một số khái niệm cần biết
Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu, là hiện tượng nhiệt độ trung bình của không khí và các đại dương trên trái đất tăng lên.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu là do sự phát triển kinh tế từ hoạt động của con người (xây dựng, kinh tế, khoa học...). Việc nồng độ CO2 tăng cao đối với bầu khí quyển trái đất sẽ tạo ra những tác động không thể ngăn chặn đối với khí hậu trong ít nhất 1 ngàn năm tới. Khí CO2 đóng góp 50% vào việc gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề khí CO2 tăng liên tục sẽ thúc đẩy quá trình nóng lên của trái đất diễn ra nhanh chóng. Khí CO2 sinh ra từ vô số hoạt động của con người, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, đó là từ các máy móc thiết bị chạy bằng xăng dầu như: phương tiện vận chuyển, máy phát điện, máy móc sản xuất…
Nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp là không phát thải carbon (gọi chung CO2 và các hóa chất khác có gốc carbon) sinh ra do hoạt động của mình ra môi trường (No-carbon). Nếu không thể thì phải làm sao cho lượng carbon hấp thụ lại phải bằng lượng carbon thải ra, điều này được gọi là trung hòa carbon (carbon neutral).
Một giải pháp quan trọng là thay vì sử dụng năng lượng phát sinh từ dầu hỏa vốn gốc carbon thì sử dụng các năng lượng khác từ gió, mặt trời, sóng biển… gọi chung là năng lượng tái tạo (renewable energy).
* Google tập trung vào “Tương lai không-carbon cho tất cả mọi người”
Mở đầu bài phát biểu của mình ngày 16-9, Sundar Pichai - CEO của Google - nhắc lại thành quả bảo vệ môi trường của Google 2 thập kỷ qua: Google được Larry Page và Sergey Brin thành lập vào năm 1998, đến nay đã qua 2 thập kỷ. Google là công ty lớn đầu tiên trở thành công ty trung hòa carbon vào năm 2007. Google cũng là công ty lớn đầu tiên kết hợp việc sử dụng năng lượng của mình với 100% năng lượng tái tạo vào năm 2017. Google vận hành đám mây toàn cầu sạch nhất trong ngành và là tập đoàn tiêu thụ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.
Ông nhấn mạnh rằng trong thập kỷ thứ ba hành động vì khí hậu, Google sẽ tiến xa hơn nữa để giúp xây dựng một tương lai không-carbon cho tất cả mọi người. Những giải pháp của Google gồm có:
* Loại bỏ toàn bộ di sản carbon
Kể từ hôm nay, Google sẽ loại bỏ toàn bộ di sản carbon của mình (bao gồm tất cả lượng khí thải từ hoạt động của Google trước khi bước vào trạng thái trung hòa carbon vào năm 2007) thông qua việc mua các gói bù đắp carbon chất lượng cao. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khí thải carbon ròng trong của Google từ khi thành lập đến nay hiện bằng không và Google trở thành công ty lớn đầu tiên làm được điều này, ngay hôm nay. (Ghi chú: Bù đắp carbon được hiểu là trả tiền cho các tổ chức, cơ quan để họ làm công việc tạo năng lượng xanh, hấp thụ lượng carbon tương đương với lượng carbon mà đơn vị mình đã tạo ra).
* Vận hành bằng năng-lượng-không-carbon 24/7 cho đến năm 2030
Kể từ năm 2017, Google đã sử dụng đối ứng toàn bộ lượng điện tiêu thụ hàng năm của mình với 100% năng lượng tái tạo. Mục tiêu mới là đến năm 2030, Google điều hành hoạt động kinh doanh của mình bằng năng-lượng-không-carbon ở mọi nơi, mọi lúc. Điều này có nghĩa là mọi email bạn gửi qua Gmail, mọi câu hỏi bạn hỏi Google Tìm kiếm, mọi video YouTube bạn xem và mọi tuyến đường bạn đi bằng Google Maps, đều được cung cấp năng lượng sạch mỗi giờ, mỗi ngày.
Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả nhất. Trong ảnh: Hệ thống điện gió Bạc Liêu. Ảnh: P.H.N |
Cách đây không lâu, thật khó để tưởng tượng về một nguồn cung cấp điện không-carbon 24/7 - bởi vì gió không phải lúc nào cũng thổi và mặt trời không chiếu sáng vào ban đêm. Nhưng nhờ xu hướng công nghệ và các chính sách đúng đắn của chính phủ, lời hứa về năng lượng sạch 24/7 sẽ sớm trong tầm tay. Để đạt được điều đó, Google sẽ đầu tư vào các phương pháp để có thể cung cấp năng-lượng- không-carbon đáng tin cậy ở mọi địa điểm, vào mọi thời điểm trong ngày, ví dụ như như kết hợp các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời với nhau, đồng thời tăng cường sử dụng bộ lưu trữ pin. Google đang tìm cách áp dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa nhu cầu sử dụng điện và các dự báo. Điều này thách thức hơn nhiều so với cách tiếp cận truyền thống, sử dụng kết hợp năng lượng tái tạo, nhưng Google đang nỗ lực để hoàn thành cho đến năm 2030.
* Đầu tư vào công nghệ để giúp các đối tác và mọi người trên toàn thế giới đưa ra những lựa chọn bền vững
Ví dụ: Google sẽ đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất để cung cấp 5 GW năng-lượng-không-carbon mới, giúp 500 thành phố giảm lượng khí thải carbon và tìm ra những phương thức mới để trao quyền cho 1 tỷ người thông qua các sản phẩm của mình.
* Giúp hơn 500 thành phố giảm 1 tỷ tấn khí thải carbon hằng năm cho đến năm 2030
Các thành phố tạo ra 70% lượng khí thải của thế giới. Công cụ Google Environmental Insights Explorer của Google đã giúp hơn 100 thành phố theo dõi và giảm lượng khí thải carbon trong xây dựng và giao thông, đồng thời tối đa hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo, bằng cách thông báo cho họ về tiềm năng năng lượng mặt trời của họ. Hiện nay, Google đang mở rộng công cụ này đến 3 ngàn thành phố trên toàn thế giới (tăng 3.000%).
Google cũng cam kết giúp hơn 500 thành phố và chính quyền địa phương trên toàn cầu giảm tổng cộng 1 tỷ tấn khí thải carbon hàng năm cho đến năm 2030 - tương đương với lượng khí thải carbon hàng năm của một quốc gia có quy mô như Nhật Bản.
* Giúp đỡ các đối tác giảm thiểu khí thải carbon
Google đang giới thiệu một số sáng kiến để giúp các đối tác và tổ chức giảm thiểu lượng carbon sử dụng và loại bỏ carbon khỏi khí quyển. Công nghệ máy học đã giúp giảm 30% năng lượng sử dụng để làm mát các trung tâm dữ liệu của Google. Hiện tại DeepMind và Google Cloud đang cung cấp giải pháp công nghệ đám mây này trên toàn cầu để sử dụng cho các sân bay, trung tâm mua sắm, bệnh viện, trung tâm dữ liệu, các tòa nhà thương mại và cơ sở công nghiệp khác.
Các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức xã hội dân sự và các trường đại học cũng đóng một vai trò quan trọng. Google đang làm việc với mạng lưới các tổ chức môi trường, chẳng hạn như Phòng thí nghiệm Crowther, về cách tiếp cận khoa học để trồng và phục hồi rừng. Google cũng đang phát động cuộc thi Google.org Impact Challenge trị giá 10 triệu euro ở châu Âu để hỗ trợ các ý tưởng và dự án đầy hứa hẹn nhằm hỗ trợ tính bền vững do các chuyên gia độc lập lựa chọn.
* Giúp 1 tỷ người thông qua các sản phẩm của Google
Cuối cùng, các sản phẩm của Google đã giúp mọi người đưa ra những lựa chọn bền vững hơn trong cuộc sống hàng ngày của họ, cho dù đó là sử dụng Google Maps để tìm các trạm sạc xe đạp và xe điện, hay ở nhiều quốc gia châu Âu, sử dụng Google Chuyến bay để sắp xếp lựa chọn các chuyến bay ít tiêu thụ carbon nhất.
Phạm Hoài Nhân
(Dựa theo bài phát biểu của Sundar Pichai. CEO Google & Alphabet)