Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ nét đẹp truyền thống làng nghề thời hiện đại

12:09, 12/09/2020

Lâu nay, việc nhìn nhận làng nghề dưới góc độ văn hóa hay góc độ kinh tế thì hợp lý hơn cũng gây nhiều tranh luận. Việc xác định yếu tố nào là chính sẽ góp phần quyết định các chính sách, giải pháp trong vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề.

Lâu nay, việc nhìn nhận làng nghề dưới góc độ văn hóa hay góc độ kinh tế thì hợp lý hơn cũng gây nhiều tranh luận. Việc xác định yếu tố nào là chính sẽ góp phần quyết định các chính sách, giải pháp trong vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề.

Sản xuất gốm mỹ nghệ tại Công ty TNHH Hiến Nam ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa).
Sản xuất gốm mỹ nghệ tại Công ty TNHH Hiến Nam ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa).

Trong rất nhiều sản phẩm “đi ra” từ các làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm đã nổi tiếng, có thương hiệu mạnh, thậm chí xuất khẩu được đến nhiều thị trường trên thế giới. Những làng nghề “ăn nên làm ra” cũng nhanh chóng “lột xác”, mở rộng quy mô, mua thêm máy móc hỗ trợ, sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong quản lý và bài bản hơn trong đào tạo nghề cho các thế hệ sau. Nhưng lúc này, một câu hỏi khác đặt ra là nếu phát triển theo hướng đó thì liệu có bao nhiêu nét đặc sắc của làng nghề truyền thống còn được giữ gìn? Những nghệ nhân xưa chủ yếu dùng đôi tay khéo léo làm nên các sản phẩm độc đáo mới được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân”, còn những nhân công làm nghề ngày nay sử dụng máy móc cho nhiều công đoạn thì có được gọi là nghệ nhân hay không? Và những yếu tố nào sẽ giữ cho làng nghề đúng nghĩa là một “làng nghề” chứ không biến thành một cơ sở sản xuất như bao nhiêu cơ sở khác?

Có lẽ câu hỏi này sẽ khó có một câu trả lời chính xác, bởi nó liên quan rất nhiều đến yếu tố văn hóa, đến những tiêu chí mang tính truyền thống. Khó là vì những yếu tố này vừa đòi hỏi sự gìn giữ khắt khe theo tính khuôn mẫu, vừa đòi hỏi sự linh hoạt trong nhìn nhận bởi “văn hóa” cũng không phải là một khái niệm “tĩnh” mà là khái niệm “động”, khi thời đại thay đổi thì văn hóa cũng có những yếu tố cần thay đổi theo cho phù hợp. Vậy nên, với câu chuyện cũ - mới, gìn giữ những gì và chấp nhận bỏ qua những gì, với từng ngành nghề cụ thể, từng địa phương cụ thể sẽ cần những đáp án riêng. Vấn đề lớn hơn cả hiện nay là trước áp lực cạnh tranh của một thị trường hàng hóa toàn cầu đa dạng, giá rẻ, các ngành công nghiệp sản xuất thế hệ mới cho phép sản xuất hàng loạt hầu hết mọi loại hàng hóa, thì yếu tố làm sao để tồn tại trở nên bức thiết hơn cả đối với các làng nghề.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có trên 1 ngàn làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 11 triệu lao động tham gia làm việc. Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn quy định, làng nghề được công nhận phải đạt cả 3 tiêu chí về tổng số (tối thiểu 20%) hộ trên địa bàn tham gia; về thời gian (tối thiểu 2 năm liên tục) sản xuất, kinh doanh ổn định và về yêu cầu bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành.

Với làng nghề truyền thống, ngoài những tiêu chí trên, phải có ít nhất một nghề truyền thống với 3 tiêu chí: nghề đã xuất hiện tại địa phương từ hơn 50 năm và đang tiếp tục phát triển; nghề tạo ra sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc và nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Tại Đồng Nai, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề được UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm chính. Suốt nhiều năm qua, các làng nghề trong tỉnh gặp không ít khó khăn lớn như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở và hộ gia đình nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của làng nghề. Bên cạnh đó, lao động cho các làng nghề ngày càng khan hiếm, dẫn đến có những cơ sở nhận được đơn hàng lớn phải từ chối vì không đáp ứng kịp. Chưa kể, những xu hướng mới, thị hiếu mới của người tiêu dùng hiện đại thay đổi liên tục, trong khi hầu hết các làng nghề chỉ quen sản xuất một vài mặt hàng cố định hàng chục năm qua cũng là một thách thức lớn không kém.

Hiện nay, ở “thời Covid-19”, khi hầu hết các ngành sản xuất đều gặp khó khăn thì làng nghề lại càng khó khăn hơn bởi tiêu thụ khó khăn, đầu ra hẹp lại, nhu cầu tiêu dùng (cả trong nước lẫn xuất khẩu) đối với các mặt hàng mang tính thủ công truyền thống tuột dốc. Tại nhiều làng nghề, thợ giỏi cứ mai một dần đi, nhiều nơi buộc phải thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, có lẽ nhiều nơi sẽ mai một hoặc đóng cửa. Và hơn lúc nào hết, câu chuyện làm sao để vừa gìn giữ được những nét đẹp truyền thống của làng nghề giữa thời hiện đại, vừa thúc đẩy các làng nghề hoạt động hiệu quả về mặt kinh tế là một bài toán khó của các địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Vi Lâm

Tin xem nhiều