Đến Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, có dịp gặp gỡ các nghệ sĩ, diễn viên và nghe câu chuyện làm nghề mới thấy tình yêu mà họ dành cho nghệ thuật.
Đến Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, có dịp gặp gỡ các nghệ sĩ, diễn viên và nghe câu chuyện làm nghề mới thấy tình yêu mà họ dành cho nghệ thuật.
Nghệ sĩ Mậu Sơn, Lê Nhung bên con gái sau một chương trình biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai |
[links()]Đặc biệt, câu chuyện nghệ thuật giúp “se duyên” cho nhiều cặp vợ chồng cùng đam mê, nỗ lực “giữ lửa” cải lương truyền thống, múa đương đại... đã truyền lửa đến cho mọi người.
1. Sinh ra và lớn ở quê hương Bạc Liêu - một trong những cái nôi nuôi dưỡng nhiều tài năng cải lương và đờn ca tài tử của Nam bộ, nghệ sĩ Nguyễn Thị Băng Châu hiện là một trong những gương mặt trẻ triển vọng của nhà hát. Từ nhỏ, cô đã thích nghe cải lương, tham gia sinh hoạt thường xuyên trong các đội nhóm của trường. Tốt nghiệp THPT, Băng Châu thi vào Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM và theo học tại Khoa Kịch hát dân tộc.
Ra trường, sau một thời gian làm nghệ thuật tự do, Băng Châu chính thức đầu quân về nhà hát năm 2018. Mặc dù thời gian hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp chưa lâu nhưng những kiến thức từ trường lớp và kinh nghiệm làm nghề tự do đã giúp cô sớm trưởng thành. Cô được nhận nhiều vở diễn như: Bão táp một vương triều, Tiếng gọi, Niềm khát, Chí Phèo - Thị Nở... Từ những vai kép phụ đến những vai diễn chính cô đều dốc toàn tâm, toàn sức để thể hiện, đưa hơi thở cuộc sống đến gần với trái tim của khán giả bằng những chi tiết sinh động, hóm hỉnh.
Nghệ sĩ Băng Châu kể, bởi tình yêu với nghệ thuật đã giúp cho cô và chồng là nghệ sĩ Võ Hoài Minh (hiện cũng đang công tác tại nhà hát) nên duyên vợ chồng. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vợ chồng cô thường xuyên diễn chung với nhau, hiểu nhau, rồi chung một nhà. “Hơn 11 năm cùng xây hạnh phúc, trái ngọt lớn nhất của chúng tôi là cậu con trai nay đã được 5 tuổi. Mặc dù không thể đưa con cùng đi diễn, có khi phải gửi con nhờ hàng xóm trông hộ nhưng chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng tình yêu và đam mê với nghệ thuật” - nghệ sĩ Băng Châu nói.
Nghệ sĩ Băng Châu (phải) vào vai diễn trong trích đoạn sân khấu Chí Phèo - Thị Nở. Ảnh: L.NA |
Không ngừng trau dồi bản thân, học hỏi từ những nghệ sĩ gạo cội, Băng Châu - Hoài Minh đã khẳng định mình trong từng vai diễn. Với lối diễn tự nhiên, sáng tạo và biểu đạt được ngôn ngữ đặc thù của sân khấu cải lương, họ đang dần có “chỗ đứng” trong lòng khán giả. Ngoài diễn cải lương, nghệ sĩ Hoài Minh còn có thể biểu diễn nhạc cách mạng, nhạc trữ tình và có năng khiếu làm MC. “Chúng tôi may mắn được nhà hát và anh chị em trong đoàn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để có thể “cháy” hết mình với nghệ thuật. Đó là động lực giúp chúng tôi không ngừng cố gắng, lan tỏa hơn nữa tình yêu đối với nghệ thuật cải lương” - nghệ sĩ Hoài Minh bộc bạch.
2. Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Múa Việt Nam, nghệ sĩ Nguyễn Mậu Sơn tình cờ biết Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) đang tuyển nghệ sĩ. Anh nộp hồ sơ và may mắn trúng tuyển, rồi từ đó bén duyên với nghệ thuật múa đương đại. Con đường đến với nghệ thuật như lời anh nói, đó là một định mệnh và chính niềm đam mê đã dẫn dắt anh tham gia biểu diễn múa một cách chuyên nghiệp như hiện nay.
Thời gian đầu đến với múa là những tháng ngày Mậu Sơn không thể nào quên, khi cơ thể không mềm dẻo, lại phải học những động tác như ép dẻo, uốn người khiến anh đau đến bật khóc. Để khắc phục những hạn chế, anh luyện tập một cách chăm chỉ, chịu khó học hỏi thêm đồng nghiệp và bạn múa. Đó cũng là quãng thời gian đoàn ca múa nhạc sắp xếp để anh múa chung với nghệ sĩ Lê Thị Nhung.
Làm việc cùng nhau, tình yêu đến thật tự nhiên khi 2 người nghệ sĩ chợt nhận ra trái tim rung động mỗi lần được ở bên nhau. Mậu Sơn chia sẻ: “Ngày mới vào đoàn, là lớp trẻ, tôi được trưởng đoàn sắp xếp múa chung nhiều tác phẩm với Nhung. Từ múa chung, tôi thầm thương trộm nhớ cô ấy lúc nào không hay. Năm 2013 chúng tôi kết hôn và rồi 2 con gái lần lượt ra đời”.
Gắn bó với nghệ thuật múa như là lẽ sống, như tình yêu mà vợ chồng Mậu Sơn - Lê Nhung dành cho nhau. Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất với Mậu Sơn là lần về quê vào dịp Tết Nguyên đán 2020: “Mỗi dịp lễ, tết, nghệ sĩ ai nấy đều phải đi biểu diễn phục vụ bà con, mình mà xin nghỉ về quê thì không đành. Do vậy hơn 7 năm rồi Sơn mới có dịp về Quảng Bình. Quê hương bây giờ đã thay đổi quá nhiều, đường sá, nhà cửa đã khang trang, hiện đại hơn. Sơn đã đi “lạc” vào nhà hàng xóm, sau đó mới nhận ra rồi quay lại”.
Quả ngọt cho những năm tháng miệt mài của vợ chồng Mậu Sơn - Lê Nhung là những giấy khen, tấm huy chương tham gia các liên hoan, hội diễn toàn quốc và khu vực. Mặc dù gặt hái được nhiều kết quả, được khán giả đánh giá cao nhưng nghệ sĩ Mậu Sơn chưa bao giờ bằng lòng với bản thân. Trên con đường nghệ thuật, anh luôn tâm niệm “hãy cứ đam mê và theo đuổi niềm đam mê”. Bởi vậy hiện tại anh đang tiếp tục theo học biên đạo múa tại Trường đại học Văn hóa - nghệ thuật Quân đội (TP.HCM).
3. NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, ngoài đội ngũ nghệ sĩ gạo cội tâm huyết với nghề, nhà hát còn có một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng, đam mê và không ngừng nỗ lực rèn luyện. Các nghệ sĩ trẻ đã và đang trưởng thành, nhiều người đã nên duyên từ nghệ thuật, trở thành những “cặp đôi” tài sắc, biểu diễn rất ăn ý. Nhà hát luôn tạo mọi điều kiện, môi trường học tập và làm việc để nghệ sĩ phát huy hết khả năng sáng tạo, mang đến những tác phẩm hay phục vụ công chúng.
Với niềm đam mê, gắn bó với Tổ nghề của các nghệ sĩ và sự sáng tạo, tiếp thêm sức sống cho nghệ thuật từ sự quan tâm của các cấp, các ngành… chúng ta cùng hy vọng các loại hình nghệ thuật đương đại và truyền thống ở Đồng Nai sẽ tiếp tục hồi sinh, lan tỏa, đến với đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.
Ly Na