Đồng Nai là tỉnh có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số trên 3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 180 ngàn người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh...
Đồng Nai là tỉnh có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số trên 3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 180 ngàn người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc sống xen kẽ trên địa bàn các huyện, thành phố. Một số ít dân tộc sống tập trung thành làng dân tộc, như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Chăm, Tày, Nùng.
Đội cồng chiêng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh biểu diễn cồng chiêng vào các dịp lễ, Tết. Ảnh: L.Na |
Trong nền văn hóa đa sắc tộc ấy, cồng chiêng của người Chơro được xem là một di sản văn hóa độc đáo, hấp dẫn, có sức lan tỏa lớn. Vào các dịp lễ, Tết hay hội hè, cồng chiêng lại được đồng bào mang ra sử dụng, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc...
* Những người “giữ lửa”
Đến ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) hỏi bà Thị Thành, người dân nơi đây ai cũng biết. Bà Thành là một trong những người nặng lòng với văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng. Hễ ai nhắc đến cồng chiêng là bà có thể say sưa chuyện trò cả buổi.
Bởi am hiểu về cồng chiêng của người Chơro, bà Thành được người dân trong ấp tin tưởng giao tham gia nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc. Bà cùng với chính quyền địa phương thành lập và phát triển các đội cồng chiêng ở ấp Lác Chiếu. Bà Thành kể, từ khi đội cồng chiêng đi vào hoạt động, người Chơro ở xã Bảo Quang thường xuyên luyện tập, đi giao lưu với các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh để quảng bá hình ảnh của dân tộc mình. Nhờ vậy, cồng chiêng của người Chơro ở Long Khánh được gìn giữ, phát huy, hoạt động sôi nổi hơn.
Già làng Điểu Liệt (xã Túc Trưng, H.Định Quán) cho biết: “Lớp trẻ bây giờ lo làm kinh tế, ít quan tâm tới văn hóa. Nhiều người không biết đánh cồng chiêng, không thể giao tiếp rành mạch được bằng tiếng nói của dân tộc. Bởi vậy, tôi luôn dặn con cháu trong ấp, trong xã phải biết giữ gìn, trân quý văn hóa của đồng bào mình. Âm thanh của cồng chiêng mỗi giai đoạn lịch sử có thể khác nhau nhưng ngọn lửa và tình yêu của người đánh cồng chiêng thì không được thay đổi”. |
“Cồng chiêng là bản sắc riêng của người Chơro chúng tôi. Nó gắn bó như máu thịt, làm nên giá trị văn hóa của đồng bào. Mỗi lần biểu diễn cồng chiêng, chúng tôi cảm thấy thêm tự hào, nhất là những ngày lễ, Tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng được cất lên vang vọng như khẳng định sức sống mạnh mẽ cũng như bản sắc văn hóa của người Chơro. Ngoài những điệu cơ bản, chúng tôi còn sáng tạo, biến tấu tiếng cồng chiêng theo các điệu nhạc cách mạng ca ngợi Đảng và Bác Hồ” - bà Thành nói.
H.Định Quán cũng là địa phương được biết đến với những nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc. Tại nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng hiện còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng phục vụ cho hoạt động luyện tập và biểu diễn của bà con.
Tự hào là người gắn bó với đội cồng chiêng từ ngày mới thành lập, già Điểu Liệt (76 tuổi) ở ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng chia sẻ: “Đội ngũ biểu diễn cồng chiêng của người Chơro ở Túc Trưng hiện nay chủ yếu là người già và trung niên. Bà con Chơro trong xã, trong ấp đã có ý thức giữ gìn vốn văn hóa mà lớp người đi trước đã truyền dạy. Bản thân tôi khi đứng trong đội cồng chiêng, tôi hiểu hơn trách nhiệm của mình. Tôi và các nghệ nhân đã và đang cố gắng “truyền lửa” cho những người chưa biết sử dụng để phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào mình”.
Đồng bào dân tộc Chơro ở xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: KIỀU TÂN |
Anh Điểu Tám là một trong những thành viên năng nổ, đi đầu trong hoạt động biểu diễn và truyền dạy cồng chiêng tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất. Anh Tám cho biết, từ nhỏ anh đã được nghe cồng chiêng từ ông bà, cha mẹ vì thế mà tiếng cồng chiêng thấm vào người anh lúc nào không hay. Ở xã xuân Thiện hiện không còn nhiều người biết đánh cồng chiêng. Từ khi đội cồng chiêng được thành lập, được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng nhà văn hóa, bổ sung cồng chiêng, bà con rất vui mừng.
“Đội cồng chiêng của chúng tôi thường xuyên tập hợp nhau tại nhà văn hóa ấp để tập luyện. Chúng tôi có hai nhóm, cả người lớn và trẻ em hiện đang sinh hoạt vào mỗi tối chủ nhật hằng tuần. Thỉnh thoảng chúng tôi tham gia biểu diễn, giao lưu với một số địa phương như Định Quán, Long Khánh... Qua đó, trao đổi, học hỏi thêm về cách gìn giữ, truyền dạy cồng chiêng của các địa phương để xây dựng đội cồng chiêng của xã hoạt động hiệu quả hơn” - anh Tám cho biết.
* Trăn trở tìm người kế cận
Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ở Đồng Nai, chính quyền các cấp cũng luôn nỗ lực quan tâm, đề ra nhiều chính sách, giải pháp mới. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa dân tộc được khôi phục. Đặc biệt, sự ra đời của các đội cồng chiêng góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào được nâng lên, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam.
Bà Thị Thành (thứ hai từ trái qua) biểu diễn cồng chiêng cùng các thành viên trong đội cồng chiêng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh |
Tuy nhiên, theo các già làng, người uy tín trong đồng bào Chơro, việc giữ gìn và phát huy cồng chiêng hiện cũng gặp không ít khó khăn. Nhịp sống hối hả khiến người trẻ bị cuốn vào những vòng xoáy của cuộc sống, phải đi học, đi làm ăn xa… nên họ không có thời gian để tìm hiểu và học cách sử dụng cồng chiêng của dân tộc. Theo già làng Thổ Nơi (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) hiện nay việc truyền dạy cồng chiêng chủ yếu được thực hiện bằng hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp. Công tác vận đồng đồng bào tham gia bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng còn nhiều khó khăn.
Già Thổ Nơi chia sẻ: “Không phải ai cũng dạy và học được cồng chiêng. Người già đang dần già đi. Người trẻ am hiểu cồng chiêng rất ít. Tìm người để duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa cồng chiêng không phải là điều dễ dàng. Tuy đây là những rào cản lớn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vận động bà con, những người am hiểu để duy trì hoạt động phong trào, tạo nên sức sống cho cồng chiêng Chơro”.
Ông Thổ Đệ (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho rằng, bảo tồn cồng chiêng đã được các cấp, ngành quan tâm nên có sự thuận lợi hơn trước. Khi tìm người trẻ kế cận, điều quan trọng không phải là hướng dẫn cho họ cách thức đánh cồng chiêng mà là phải giúp họ hiểu và say mê. Từ sự say mê đó, người trẻ sẽ cảm thấy hào hứng và tham gia học nghiêm túc.
“Hiện nay, đội cồng chiêng của đồng bào Chơro xã Xuân Phú đang truyền dạy cho hơn 10 em nhỏ, chủ yếu là học sinh. Thi thoảng, đội cũng tham gia biểu diễn phục vụ một số đoàn khách du lịch. Các em rất hào hứng và tích cực tham gia, vừa đánh cồng chiêng vừa múa các điệu dân gian. Tôi thấy lớp trẻ bây giờ hơn chúng tôi ngày trước, nếu được học một cách bài bản thì tiếp thu rất nhanh” - ông Thổ Đệ bộc bạch.
Để phát huy và lan tỏa giá trị cồng chiêng, đồng bào Chơro nói riêng, các dân tộc nói chung đều có mong muốn là được chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí để đội cồng chiêng hoạt động ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, tăng cường hoạt động kết nối để bà con được tham gia biểu diễn, mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi cho người trẻ kế cận.
Ly Na