Một giáo viên dạy văn hay là người khơi gợi được cho học sinh lối tư duy mở, sáng tạo; có sự mới mẻ trong ý tưởng và nhận thức. Nếu học sinh không có cơ hội để tự do cảm nhận một tác phẩm văn học theo cách riêng thì sau này sẽ khó có những nhà văn, nhà phê bình văn học tài giỏi…
Một giáo viên dạy văn hay là người khơi gợi được cho học sinh lối tư duy mở, sáng tạo; có sự mới mẻ trong ý tưởng và nhận thức. Nếu học sinh không có cơ hội để tự do cảm nhận một tác phẩm văn học theo cách riêng thì sau này sẽ khó có những nhà văn, nhà phê bình văn học tài giỏi…
Đó là những chia sẻ của các thí sinh đạt điểm cao môn thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
* Cha, mẹ là người truyền cảm hứng
Có mẹ là giáo viên dạy Văn, ngay từ nhỏ, Nguyễn Hồng Thúy Uyên, (cựu học sinh Trường THPT Trấn Biên, người được 9,5 điểm môn thi Ngữ văn) đã được tập thói quen đọc sách. Thói quen này vẫn được duy trì, thể loại sách mà Uyên lựa chọn cũng khá đa dạng. Vì thế, em có được nhiều kiến thức, sự liên tưởng tốt khi làm các bài văn nghị luận.
Nguyễn Hồng Thúy Uyên, cựu học sinh Trường THPT Trấn Biên |
Uyên thích được tham gia các lớp học Văn cùng với bạn bè hơn là ở nhà để mẹ dạy. “Đi học có bạn bè vẫn vui hơn. Vì thế, giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp, em cùng với các bạn của mình tự chọn giáo viên để ôn thi. Em cũng ít hỏi bài mẹ nhưng trước ngày đi thi, mẹ là người ôn lại cho em cách làm phần đọc hiểu và lưu ý thêm một số nội dung chính. Có lẽ nhờ vậy mà em có thể làm tốt bài thi và đạt kết quả cao hơn mong đợi” - Uyên chia sẻ.
Cũng là thí sinh đạt 9,5 điểm trong môn thi Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Phạm Công Duy (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) cho biết, cha chính là người truyền cảm hứng yêu thích học Văn cho mình. “Cha là người cho em cái nhìn độc đáo, thiêng liêng về văn học. Cha cũng là người luôn cho em những cảm nhận mới lạ về đời, về người - những điều mà em chưa tìm thấy trong những trang sách” - Duy tự hào nói.
Từ nền tảng gia đình, cả Thảo là Duy cùng may mắn được học với những giáo viên tâm huyết, giỏi chuyên môn, có phương pháp sư phạm hay. Nhờ đó, tình yêu văn chương lớn dần trong các em, dù rằng cả hai đều không chọn Văn học là con đường theo đuổi trong tương lai.
Nói về 3 giáo viên dạy văn những năm THPT, Thúy Uyên cho rằng mỗi thầy cô có một phong cách giảng dạy riêng, nhưng tựu trung lại là ai cũng tận tâm với học trò. Uyên nhớ lại: “Cô giáo dạy văn lớp 10 có phong cách vui vẻ, hóm hỉnh. Hầu hết các bạn trong lớp trở nên yêu thích học văn là nhờ cô. Cô giáo dạy lớp 11 thì rất tận tình và luôn cố gắng giúp đỡ để các bạn trong lớp em có thể “chống chọi” lại với môn Văn, vì thật ra không phải ai cũng cảm thấy đây là môn học thú vị. Cô giáo dạy lớp 12 lại có cách dạy Văn theo kiểu sơ đồ tư duy, đưa ra những ý chính rồi để cho học sinh phát triển thêm các ý tưởng riêng…”.
Còn với Duy, điều quan trọng và cơ bản mà một giáo viên dạy Văn cần làm được, đó là phải có một cách dạy rõ ràng, logic. Vì cách dạy này giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách dễ dàng hơn mà không cần phải dành nhiều thời gian để học thuộc lòng; không phải tự mình sắp xếp và hệ thống lại những gì cần học.
“Do thời lượng của 1 tiết học là không nhiều nên giáo viên khó có thể truyền tải được hết cảm xúc, nội dung bài học. Vì thế, em luôn muốn hiểu đúng trước khi hiểu sâu. Dĩ nhiên học sinh sẽ chú tâm hơn vào một tác phẩm nếu giáo viên có sự sâu lắng, say mê nhất định. Nhưng theo em, đó chỉ là một trong những tiêu chí phụ. Đối với em, sự rõ ràng, rạch ròi, logic mới là yếu tố then chốt giúp cho việc học Văn đạt hiệu quả” - Duy chia sẻ.
* Giáo viên cần giúp học sinh có lối tư duy mở, sáng tạo
Duy thừa nhận từng có lúc ngủ gật trong giờ học Văn vì đôi khi có những tác phẩm văn học trong chương trình không hấp dẫn được bản thân em. Tuy vậy, đối với Duy, Văn học vẫn là một trong những bộ môn yêu thích. Bởi đây là môn học giúp cho em có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về con người, về cuộc sống. Các tác phẩm văn học cũng phần nào giúp Duy thỏa mãn khao khát tìm kiếm những điều mới lạ của cuộc sống.
Duy đã luôn thử tìm kiếm những điều mình yêu thích trong từng tác phẩm; thử cảm nhận tác phẩm theo cách nghĩ riêng. Em cũng tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình. “Cảm xúc trong văn học là không giới hạn, không rào cản, không ràng buộc. Nên em muốn tự mình cảm nhận và đưa ra nhận định, suy nghĩ về 1 tác phẩm văn học. Đương nhiên, những cảm nhận riêng không có nghĩa là hiểu sai lệch dụng ý của tác giả” - Duy chia sẻ.
Phạm Công Duy, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh |
Theo Duy, muốn làm được điều này, giáo viên cần tạo cho học sinh lối tư duy mở, sáng tạo, không rập khuôn, sáo rỗng. Giáo viên không nên dạy học sinh theo các bài văn mẫu đã trở thành lối mòn, làm ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy sáng tạo của học sinh. Duy cũng bày tỏ: “Nếu học sinh không có cơ hội để tự do cảm nhận một tác phẩm, thì sau này sẽ khó có được những nhà văn, nhà phê bình văn học tài giỏi”.
Đồng tình với quan điểm của Công Duy, Thúy Uyên cho rằng, giáo viên dạy văn cần phải cho học sinh thấy được cái nhìn sâu sắc và đa chiều về cuộc sống. Chính điều này sẽ hấp dẫn học sinh trong mỗi tiết học.
Thúy Uyên cho biết: “Đối với cá nhân em, phương pháp học theo cách thuyết trình sẽ giúp học sinh phát huy được ý tưởng riêng. Vì muốn thuyết trình, học sinh buộc phải đọc tác phẩm, chuẩn bị bài kỹ để hiểu bài và thuyết trình trước lớp. Đồng thời, khi thuyết trình, học sinh có cơ hội trình bày quan điểm cá nhân của mình. Cách học này cũng giúp học sinh nhớ bài và hiểu được những vấn đề cốt lõi của bài học. Như vậy, học sinh sẽ thấy Ngữ văn không phải là môn học vô thưởng vô phạt”.
Phạm Đông Du, cựu học sinh Trường THPT Tam Hiệp |
Đối với em Phạm Đông Du (cựu học sinh Trường THPT Tam Hiệp, người được 9 điểm bài thi môn Ngữ văn), Ngữ văn là môn học giúp giáo dục tư tưởng, tình cảm, lối sống cho học sinh, qua đó giúp học sinh hình thành nên những phẩm chất tốt để vận dụng vào cuộc sống. Muốn vậy, thầy cô cần thường xuyên có sự liên hệ tác phẩm văn học với thực tiễn cuộc sống.
Cũng theo những cựu học sinh này, giáo viên nên có nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh luyện tập cảm thụ như một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Những hoạt động ngoài giờ đó vừa cho học sinh cơ hội được tự do cảm nhận, vừa đảm bảo nội dung chương trình, cách kiểm tra đánh giá cũng nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, giáo viên nên cởi mở, tinh tế và tâm lý hơn với những học sinh tuy học chưa tốt nhưng đã có sự chủ động trong việc học Văn.
Về phần học sinh, các em cho rằng, học sinh nên chủ động và tự tin hơn nữa trong cách bày tỏ quan niệm của chính mình. Thực tế, hiện nay có không ít học sinh ngại hoặc không dám bày tỏ ý kiến cá nhân mà thường mượn ý kiến của người khác (chủ yếu được khai thác trên internet).
Nguyễn Hồng Thúy Uyên, Phạm Công Duy và Phạm Đông Du là 3 trong số nhiều thí sinh đạt điểm 9 và trên 9 của môn thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Điểm thi cao không phải là điều duy nhất chứng minh năng lực học Văn của các em. Nhưng qua những điều các em chia sẻ, có thể nhận thấy rằng, các em thực sự bộc lộ được những quan điểm, tư duy riêng biệt. Đó chắc chắn là một phần kết quả của quá trình học Văn thực chất mà các em đã có được trong những năm tháng dưới mái trường phổ thông. Tuy thế, quá trình dạy và học Văn trong nhà trường chắc hẳn còn nhiều điều phải khắc phục. Điều này được bộc lộ qua những mong muốn, chia sẻ của các em. Đó sẽ là “kênh” thông tin đáng để cho các giáo viên dạy Văn tham khảo. |
Hải An